Ông Đỗ Hữu Ca được đề nghị giảm 3 năm tù
Ngày 26/6, tại trụ sở TAND tỉnh Quảng Ninh, sau khi kết thúc phần xét hỏi các bị cáo, HĐXX của TAND Cấp cao tại Hà Nội mời đại diện VKSND cùng cấp trình bày quan điểm giải quyết vụ án...
Theo đó, đại diện VKSND đánh giá, mức án sơ thẩm tuyên các bị cáo trong vụ án mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước, đưa hối lộ, nhận hối lộ... xảy ra tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương... là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.
Tại phiên xử phúc thẩm xuất hiện tình tiết mới, 6 bị cáo: Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh, Đỗ Hữu Ca, Nguyễn Đình Đương, Đặng Khắc Thành, Hà Thị Bích Nhàn, đã giao nộp các tài liệu chứng minh bản thân được hưởng các tỉnh tiết giảm nhẹ.
Cụ thể, bị cáo Đỗ Hữu Ca cung cấp nhiều tài liệu chứng minh được hưởng các tình tiết giảm nhẹ. Đặc biệt, bị cáo này còn nộp thay một phần số tiền phải khắc phục hậu quả của vợ chồng bị cáo Đước, Ngọc Anh. Do đó, VKSND đề nghị HĐXX xem xét áp dụng các quy định của pháp luật để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Ca.
Đối với vợ chồng bị cáo Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh, VKSND cho rằng, 2 bị cáo cũng cung cấp các tài liệu để được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Tại phiên tòa, bị cáo Đước đề nghị được nhận toàn bộ số tiền 35 tỷ đồng đưa hối lộ cho bị cáo Ca, vì kết quả không thành. Ở hành vi này, vợ chồng bị cáo Đước, Ngọc Anh còn là nạn nhận về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của bị cáo Ca.
VKSND nêu, ở bản án sơ thẩm phạt tội “Đưa hối lộ” đối với vợ chồng Đước, Ngọc Anh là khá nặng, điều này ảnh hưởng đến tâm lý tự giác tố cáo tội phạm. Bởi trong vụ án này, vợ chồng Đước đã chủ động làm đơn tố cáo Đỗ Hữu Ca nhận 35 tỷ đồng nhưng không chạy tội giúp. VKSND đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho vợ chồng bị cáo trên. Tương tự, các bị cáo có đơn kháng cáo và tham dự phiên tòa hôm nay, VKSND đều ghi nhận việc giao nộp các tài liệu chứng minh bản thân được hưởng tình tiết giảm nhẹ so với án sơ thẩm.
Từ các căn cứ, phân tích nêu trên, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội nêu quan điểm giải quyết vụ án như sau:
Đề nghị HĐXX cho bị cáo Đỗ Hữu Ca được giảm 3 năm tù so với mức án sơ thẩm 10 năm tù; không chấp nhận kháng cáo đối với bị cáo Thành, giữ nguyên mức án sơ thẩm.
Đối với bị cáo Trương Xuân Đước bị phạt 2 năm tù tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” (24 tháng tù án sơ thẩm); 5 năm tù tội “Đưa hối lộ” (án sơ thẩm 7 năm tù). Tổng hình phạt là 7 năm tù.
Nguyễn Thị Ngọc Anh bị phạt 1 năm 3 tháng tù về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” án sơ thẩm là 3 năm tù); 2 năm tù tội “Đưa hối lộ” (án sơ thẩm là 3 năm tù). Tổng hình phạt là 3 năm 3 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Đình Đương cựu Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Cát Hải, Hải Phòng bị phạt 5 năm tù (án sơ thẩm là 6 năm 6 tháng tù).
Hà Thị Bích Nhàn bị phạt 12 tháng 5 ngày tù (lao động tự do). Bị cáo này được thả tại tòa.
Bị cáo Đặng Khắc Thành (lao động tự do) bị phạt 15 tháng tù.
Trước đó, tại phần xét hỏi, khai trước tòa, bị cáo Ca cho biết, coi Đước như người em nên "không cho tiền Đước thì thôi chứ không có ý đồ lừa tiền vợ chồng Đước, mà lại lừa một cách ngớ ngẩn".
Bị cáo Ca nói thêm, khi Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra hành vi mua bán hóa đơn trái phép liên quan đến công ty của vợ chồng Đước, Ngọc Anh đã đến nhà cầu cứu Ca cứu Đước. Khi đó ông Ca có hướng dẫn Ngọc Anh trích lại 10% số tiền thu lợi bất chính từ các doanh nghiệp mua bán hóa đơn trái phép để khắc phục, nộp lại cho nhà nước.
Sau đó vợ chồng Ngọc Anh 4 lần mang tiền đến nhà ông Ca. Theo lời ông Ca, khi mang tiền đến Ngọc Anh không nói gì, chỉ nói cất tiền đi hộ. Khi đó ông Ca hiểu số tiền đó là để vợ chồng Ngọc Anh khắc phục hậu quả hành vi vi phạm pháp luật.
Cựu Giám đốc Công an Hải Phòng phân trần có sự hiểu nhầm giữa Ngọc Anh và ông. Bản thân ông chỉ tư vấn phải chuẩn bị số tiền để khắc phục hậu quả, còn Ngọc Anh thì hiểu rằng mang tiền đến để nhờ ông chạy án.
Lên bục khai báo đối chất với bị cáo Ca, vợ chồng bị cáo Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh vẫn giữ nguyên lời khai tại phiên tòa sơ thẩm rằng 4 lần mang 35 tỷ đồng đến nhà Đỗ Hữu Ca là để nhờ chạy án.
Trong phiên phúc thẩm, 5 bị cáo còn lại đều không kêu oan, chỉ mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình, xã hội.