Ông đồ trẻ mang thư pháp đến gần thế hệ trẻ
Cứ ngỡ hình ảnh ông đồ, nghệ thuật thư pháp và thú chơi chữ tao nhã là một nét đẹp xưa cũ, của các bậc cao niên, nhưng ngày nay, xuất hiện không ít ông đồ trẻ, tràn đầy nhiệt huyết ở lứa tuổi 8x, 9x...
Ông đồ Đỗ Huy Bình, sinh năm 1983, ở xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) yêu và học viết thư pháp từ nhỏ. Tốt nghiệp THPT, Đỗ Huy Bình theo học cao đẳng sư phạm, chuyên ngành nhạc họa và theo đuổi đam mê viết thư pháp đến nay đã được hơn 10 năm. Cái duyên viết thư pháp từ đam mê đã chuyển hóa thành nghề mà anh dành tâm huyết. Ngoài tỉnh Phú Thọ, Đỗ Huy Bình còn đến nhiều địa phương khác như Lào Cai, Đà Nẵng, Hà Nội, Vĩnh Phúc... để tham gia các hoạt động, sự kiện văn hóa với nghệ thuật viết thư pháp của mình. Những bức thư pháp của anh được độc giả đón nhận như một món quà tinh thần đầy ý nghĩa. Khi được hỏi về những phẩm chất cần có để trở thành một ông đồ viết thư pháp, Đỗ Huy Bình chia sẻ: “Đầu tiên là phải có đam mê, mong muốn được cầm bút để viết. Đồng thời, cần ham học hỏi, tìm hiểu, chủ yếu là về Hán-Nôm. Sau đó, học cách hành bút, cách sắp xếp, bố cục bức thư pháp. Luyện đến khi nào đạt được tâm, thần, khí hợp nhất là được”.

Ông đồ Đỗ Huy Bình gặp gỡ và truyền cảm hứng, tình yêu thư pháp cho thế hệ trẻ.
Ở không gian trường học, sự hiện diện của những ông đồ trẻ khi các nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa về Tết cổ truyền đã mang đến một sắc màu văn hóa độc đáo và mới mẻ. Thạc sĩ Trương Chí Hùng, giảng viên Trường Đại học An Giang chia sẻ: "Những năm gần đây, bên cạnh hình ảnh các ông đồ nghiêm trang lịch lãm, chúng ta còn bắt gặp những "anh đồ" rất trẻ. Dù vậy, họ đã dành một tình yêu lớn đối với nghệ thuật thư pháp và tạo ra nhiều tác phẩm ấn tượng. Điều này cho thấy sự tiếp nối truyền thống cha ông, giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc như một mạch nguồn bất tận. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng, các thế hệ người Việt Nam, trong đó có những "ông đồ thời hiện đại" sẽ giúp văn hóa Việt nói chung và nghệ thuật thư pháp nói riêng bay cao, bay xa hơn nữa".