Ông Đỗ Văn Quyền - Nông dân điển hình trong sản xuất, làm kinh tế giỏi
Trong những năm gần đây, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế đã được các hộ nông dân trên địa bàn xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch triển khai và đem lại nhiều hiệu quả kinh tế cao. Ông Đỗ Văn Quyền, thôn Thọ Linh, xã Hợp Lý được biết đến là một nông dân tiêu biểu về sự năng động, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Sau khi rời quân ngũ, năm 1986, ông Đỗ Văn Quyền được giao đất để trồng cây phủ trống đồi núi trọc. Thời gian đầu, cây trồng chủ yếu là cây bạch đàn.
Xác định phải "an cư" thì mới "lập nghiệp", ông Quyền dựng ngôi nhà gỗ 3 gian lợp lá để làm chỗ ở cho cả gia đình. Sau đó, đến năm 1990, bắt đầu khai thông làm đường, đầu tư mua thêm đất của người dân trên địa bàn để mở rộng trồng trọt kết hợp chăn nuôi.
Thời gian đầu, việc di chuyển rất khó khăn vì địa hình heo hút, việc vận chuyển cây giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi gặp nhiều trở ngại. Nhân lực ít, phương tiện để tập trung vào việc mở đường thô sơ nên mất khá nhiều thời gian.
Đến năm 1998, ông Quyền đắp đập làm hồ để phục vụ tưới tiêu, tuy vất vả nhưng dần dần giao thông thuận lợi hơn, các loại cây trồng, vật nuôi bán được giá nên kinh tế gia đình ông dần phát triển.
Ông Quyền chia sẻ: “Những ngày đầu mới bắt tay vào làm nông nghiệp, tôi và gia đình đều rất bỡ ngỡ, được giao đất để trồng cây, làm nông nghiệp, bản thân tôi vừa mừng vừa lo.
Những ngày đầu trồng trọt, chăn nuôi lợn tôi cũng gặp nhiều vất vả, vừa do dịch bệnh, vừa do vốn ít, đầu ra chậm. Nhiều khi dịch, lợn chết mà không biết lý do.
Nhưng tôi quyết không nản chí, tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã, huyện, tham gia các khóa tập huấn chăn nuôi. Học hỏi kinh nghiệm trồng cây thanh long ruột đỏ của bà con xã Vân Trục và các kinh nghiệm, chia sẻ hay về trồng trọt, chăn nuôi trên sách báo.
Nhờ kiên trì áp dụng đúng khoa học kỹ thuật trong việc chăn nuôi, trồng trọt, đàn lợn và cây thanh long tôi trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình”.
Hiện tại, với diện tích gần 10ha đất, ông Quyền đang chủ yếu trồng thanh long ruột đỏ, chăn nuôi lợn. Ngoài ra, còn trồng một số cây lấy gỗ như cây sưa, bạch đàn, nhãn… nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, để mùa nào, tháng nào trong năm cũng có cây trồng, không để diện tích đất bị trống.
Trang trại của ông Quyền hiện nuôi 1.200 con lợn, hàng năm thu nhập hơn 1 tỷ đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí.
Với phương châm chăn nuôi “phòng bệnh hơn chữa bệnh, đảm bảo vệ sinh”, liên kết với một số công ty nên đảm bảo được đầu vào tốt, đầu ra thuận lợi, chăn nuôi theo quy trình khép kín, sử dụng thức ăn đạt chuẩn, sạch, cam kết không sử dụng thức ăn tăng trọng nên đàn lợn của gia đình ông luôn đạt chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Quyền còn tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương, hiện tại ông đang có 7 nhân công trực tiếp chăn nuôi, trồng trọt tại trang trại. Thu nhập bình quân của mỗi nhân công từ 7,5-8 triệu đồng/tháng.
Ông Quyền chia sẻ thêm: “Thời gian tới, tôi sẽ chủ yếu tập trung nhân rộng và phát triển diện tích trồng cây thanh long ruột đỏ, áp dụng và đưa vào những kỹ thuật, quy trình trồng trọt, chăn nuôi hiện đại hơn.
Hướng tới việc đăng ký thương hiệu riêng cho sản phẩm thanh long và xuất khẩu các sản phẩm thanh long chất lượng ra thị trường quốc tế”.
Không những làm kinh tế giỏi, ông Quyền còn là hội viên nông dân gương mẫu luôn đi đầu trong mọi phong trào do địa phương phát động.
Những nỗ lực vươn lên không ngừng của nông dân Đỗ Văn Quyền trong phát triển kinh tế đã được ghi nhận bằng nhiều Giấy khen của xã. Mới đây nhất, ông vinh dự được nhận Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất và xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh năm 2021.