Ông Donald Trump công kích Tổng Giám đốc WHO, lãnh đạo châu Phi ủng hộ 'phe nhà'
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông nhận được nhiều lời lăng mạ mang tính phân biệt chủng tộc và cả những lời hăm dọa lấy mạng từ khi đại dịch xảy ra
"Liên minh châu Phi (AU) mở rộng sự hỗ trợ không ngừng cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tổng giám đốc của tổ chức này" - ông Cyril Ramaphosa, Tổng thống Nam Phi và cũng là chủ tịch AU, nói.
"Với dịch Covid-19, chúng ta đang ở trong một trận chiến sinh tồn đòi hỏi sự đoàn kết toàn cầu" - ông Muhammadu Buhari, Tổng thống Nigeria, nhấn mạnh.
Còn Tổng thống Namibia, ông Hage Geingob, nói rằng dưới sự quản lý của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, WHO đã thể hiện mình là tổ chức đa phương khi tình đoàn kết toàn cầu đang trở nên cấp thiết.
Các nước châu Phi bày tỏ quan điểm trên sau khi WHO và nhà lãnh đạo của tổ chức này - ông Ghebreyesus - bị Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc quá ưu ái Trung Quốc trong việc xử lý đại dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Liên minh châu Phi (AU) hôm 8-4 khen ngợi WHO làm tốt công việc của họ khi đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.
Chủ tịch của AU, ông Cyril Ramaphosa, cho biết trong một tuyên bố rằng AU, đại diện cho 55 quốc gia thành viên, sẽ hỗ trợ không ngừng cho WHO và tổng giám đốc của tổ chức này.
Ông Ramaphosa nói: "Trọng tâm của thế giới nên tập trung vào chiến đấu với Covid-19, không nên phân tâm vào các vấn đề khác. Đến ngày 9-4, đã có hơn 1,5 triệu người trên khắp thế giới nhiễm bệnh và hơn 88.000 người chết". Tính đến 18 giờ ngày 10-9, toàn cầu có hơn 1,6 triệu người nhiễm bệnh và 96.791 người thiệt mạng vì đại dịch.
Ông Moussa Faki Mahamat, cựu thủ tướng của Cộng hòa Chad và chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi - cơ quan điều hành của AU - cũng đồng ý kiến với ông Ramaphosa.
Ông Ghebreyesus là một người Ethiopia nắm chức Tổng Giám đốc WHO năm 2017, phải hứng chịu sự phê phán nặng nề từ Mỹ vì "bảo vệ Trung Quốc trong việc xử lý đại dịch Covid-19".
Bản thân Trung Quốc cũng bị chỉ trích vì không cảnh báo đủ mạnh cho thế giới về cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 khi nó lần đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán vào cuối năm 2019. Trung Quốc ban đầu còn kỷ luật những người như bác sĩ Lý Văn Lượng khi ông lên tiếng báo động về mức độ nguy hiểm của dịch và sau đó chính vị bác sĩ Lý đã chết vì dịch bệnh này.
Lời đe dọa sẽ rút tiền tài trợ cho WHO của Tổng thống Donald Trump là một đòn giáng mạnh vào tổ chức này. Mỹ là quốc gia đóng góp lớn nhất vào tổ chức WHO, khoảng 15% quỹ của WHO năm 2019. Tiếp theo là các nhóm từ thiện như Quỹ Bill và Melinda Gates, chiếm khoảng 10% và các nhà đóng góp lớn khác như Anh và Đức.
Vào ngày 8-4, ông Ghebreyesus trả lời những người phê bình mình rằng đại dịch Covid-19 không nên bị chính trị hóa và sự đoàn kết là lựa chọn duy nhất để đánh bại đại dịch.
"Tôi không quan tâm ai nói gì về mình. Tôi muốn tập trung vào việc cứu sống con người" - Tổng Giám đốc WHO nói và cho biết thêm ông nhận được nhiều lời lăng mạ mang tính phân biệt chủng tộc và cả những lời hăm dọa lấy mạng từ khi đại dịch xảy ra.