Ông Donald Trump tái xuất Nhà Trắng: Thị trường hưng phấn và áp lực trong trung hạn
Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng khiến thị trường Mỹ được thúc đẩy bởi dòng tiền hưng phấn, nhưng giới phân tích cũng dự báo rằng, các chính sách thuế quan, 'gây chiến' thương mại, cộng với chủ trương hạn chế nhập cư của Mỹ trong thời gian tới có thể tạo ra một trạng thái 'khó chịu' cho toàn cầu.
Thị trường tài chính Mỹ hưng phấn
“Chứng khoán đạt mức cao nhất mọi thời đại, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt và USD chứng kiến ngày giao dịch tốt nhất kể từ năm 2022. Chỉ số S&P 500 tăng 2,5% nhờ nhà đầu tư đặt cược vào vị Tổng thống mới đắc cử với kỳ vọng ông sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ tăng trưởng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp Mỹ. Chỉ số này đã có ngày hậu bầu cử tốt nhất trong lịch sử, theo dữ liệu do Birinyi Associates Inc. và Bloomberg tổng hợp”.
Đây là nội dung bạn có thể nhìn thấy được từ một bài phân tích của Bloomberg và đó chỉ là một trong hơn 40 bài phân tích với giọng văn “cực kỳ lạc quan” xuất hiện trên bộ dữ liệu phân tích thị trường mà tác giả bài viết này theo dõi, với sự hỗ trợ của công cụ AI “cào” các bài phân tích trên các hệ thống giao dịch và tin tức.
Tỷ lệ “giọng văn” lạc quan trong ngày giao dịch sau khi ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 nằm trong số 1% lạc quan nhất từ năm 2023 tới nay, phù hợp với mức tăng lịch sử trong 1 ngày của chứng khoán Mỹ.
Thuế quan mà ông Trump dự định áp lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ vẫn là vấn đề chính.
Có một số điểm đáng chú ý từ phản ứng của thị trường. Chỉ số cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng 5,8% trong bối cảnh suy đoán rằng, họ sẽ được hưởng lợi từ lập trường theo chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump, trong khi đặt cược vào việc giảm thuế và giảm quy định ràng buộc đã hỗ trợ cổ phiếu ngân hàng tăng giá.
Nhóm tài sản tiền mã hóa cũng tăng giá mạnh và bitcoin vượt mức 75.000 USD. Giới đầu tư tiền mã hóa cho rằng, ông Trump có tư tưởng ủng hộ nhóm tài sản này. Tháng 6/2024, trong cuộc họp với hàng chục giám đốc cấp cao và chuyên gia trong ngành công nghiệp tiền mã hóa, ông Trump tuyên bố: “Nếu tiền điện tử định hình tương lai, tôi muốn nó sẽ được khai thác tại Mỹ”. Tuyên bố trên được ông lặp lại nhiều lần trong năm nay.
Thị trường Mỹ đã chứng kiến sự tăng vọt mạnh mẽ của rất nhiều loại tài sản có rủi ro từ trung bình đến cao, phản ánh “khẩu vị” chấp nhận rủi ro và thích đặt cược của nhà đầu tư tăng lên. Một số trang tin tài chính bình luận, “thị trường trong trạng thái rất hưng phấn”.
Đánh giá tác động trong ngắn hạn và trung hạn
Khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, trong ngắn hạn, thị trường Mỹ sẽ được thúc đẩy bởi dòng tiền hưng phấn nhờ mức thuế được giảm và môi trường kinh doanh thông thoáng hơn.
Ông Trump dự kiến giảm thuế cho doanh nghiệp Mỹ. Các chính sách cắt giảm thuế do chính ông Trump ký năm 2017 sẽ hết hiệu lực vào đầu năm 2025. Theo giới phân tích, ông sẽ gia hạn toàn bộ chính sách này, đồng thời giảm thêm thuế cho doanh nghiệp, cá nhân. Việc này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, thu hút nhà đầu tư nước ngoài mua tài sản của Mỹ, như cổ phiếu và nhà đất, vì thuế thấp hơn (trong bối cảnh nhiều nước tăng thuế thu nhập và thuế lên tài sản cũng như lãi vốn).
Trong “cuộc đua” vào Nhà Trắng, ứng cử viên Đảng Dân chủ, bà Kamala Harris có những động thái được cho là ủng hộ việc siết chặt quy định an toàn vốn ngân hàng, hạn chế các sản phẩm tài chính rủi ro cao, gồm các quỹ ETF có phần mạo hiểm, sử dụng đòn bẩy cao và siết các sản phẩm như ETF tiền mã hóa. Vì vậy, ông Trump chiến thắng và nhóm cố vấn kinh tế xung quanh xuất thân từ ngân hàng và quỹ đầu cơ tin rằng, ông sẽ cởi mở hơn với những sản phẩm tài chính, giảm bớt các quy định với ngân hàng và thị trường tài chính. Điều này không những “cởi trói” cho giới ngân hàng, mà còn mở ra nguồn vốn cho các thương vụ đầu tư rủi ro cao.
Thị trường lạc quan với các tài sản có mức độ rủi ro trung bình và cao ở Mỹ là vì vậy. Nhưng nhìn về những tháng nửa sau năm 2025 và tiếp theo, chưa chắc những điều này đã đủ sức “giữ lửa” cho thị trường Mỹ và toàn cầu.
Về trung hạn, thị trường có thể đứng trước áp lực về thuế quan, thương chiến diện rộng, USD mạnh lên, lạm phát trở lại.
Thuế quan mà ông Trump dự định áp lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ vẫn là vấn đề chính. Một điều thường được nhắc đi nhắc lại là ông muốn áp thuế 10% hoặc cao hơn với tất cả hàng hóa nhập vào nước này. Riêng với Trung Quốc, thuế có thể lên tới 60%.
Những lời “dọa nạt” hay “hứa hẹn” đó có thành sự thật không thì chưa rõ, nhưng theo tờ Economist hồi tháng 7/2024, thì những động thái này có thể kéo theo những cú đáp trả của Trung Quốc và châu Âu, dẫn đến một “cuộc chiến” thương mại toàn diện và rộng khắp. Điều này gây ra rủi ro cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, trong trường hợp xấu, nó có thể làm giảm tới 7% GDP toàn cầu, và kịch bản tốt thì làm giảm 0,2% GDP toàn cầu.
Trong khi đó, theo giới phân tích, trong thời gian ông Trump làm Tổng thống, các chính sách thuế quan, “gây chiến” thương mại và giảm thuế, cộng với chủ trương hạn chế nhập cư có thể tạo ra một trạng thái “khó chịu” cho toàn cầu: lạm phát tại Mỹ tăng trở lại, nhưng USD vẫn mạnh, làm lây lan lạm phát ra toàn cầu.
Đây là một kịch bản xấu, vì nó tạo ra bất ổn giá cả cho các quốc gia đang phát triển, trong khi họ cũng chật vật để giữ sự ổn định của đồng nội tệ, không để nó mất giá nhanh so với USD. “Các ngân hàng trung ương sẽ gặp khó khăn hơn nhiều dưới thời ông Trump” là nhận định mới đây của các cây bút Chris Anstey và Catarina Saraiva trên Bloomberg.
Vài giờ sau đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt lãi suất thêm 0,25%. Đây là đợt cắt lãi suất được mong đợi và đi đúng hướng với sự mong đợi của đa số chuyên gia, cũng phù hợp với điều mà ông Trump muốn (lãi suất thấp hơn, thuế thấp hơn để hỗ trợ kinh tế).
Những “tuần trăng mật” này sẽ sớm qua đi, nhất là khi thuế quan của Mỹ tạo sức ép lên tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Khi đó, Fed sẽ phải cắt lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hay giữ yên nó vì dè chừng lạm phát trở lại?
Trong bối cảnh như vậy, các thị trường mới nổi sẽ làm gì để tự vệ? Họ không phải Trung Quốc cũng như EU để có thể “trả đũa” Mỹ.
Với Việt Nam: Nội lực là chìa khóa để vươn mình
Nằm trong nhóm thị trường mới nổi, nếu cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - EU - Trung Quốc diễn ra, Việt Nam sẽ rơi vào vòng xoáy phức tạp. Liệu các công ty đa quốc gia có chọn Việt Nam làm “nơi tránh bão”, di chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế cao ở Trung Quốc? Có thể, nhưng không chắc chắn như thời gian qua.
Lý do là, Việt Nam cũng đang trong “tầm ngắm” áp thuế của Mỹ, thậm chí, ngay cả câu chuyện bị “định danh” là nước “thao túng tiền tệ” cũng có thể quay trở lại. Chúng ta đều hiểu, đó chỉ là một công cụ nhằm đòi hỏi những thỏa thuận từ Việt Nam để giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Nhưng, những động thái đó vẫn gây áp lực lên thương mại, đầu tư và chỉ có nội lực đủ mạnh cộng với cải cách kinh tế mới đủ sức giúp Việt Nam đứng vững trước những sức ép.
“Vốn liếng” để đàm phán phải xuất phát từ sức mạnh nội tại, từ việc bớt phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài. Làm sao cho doanh nghiệp Việt mạnh mẽ, cứng cáp hơn, đó mới là mấu chốt để trả lời cho câu hỏi: “Chúng ta phải làm gì nếu cuộc chiến thương mại nổ ra trong thời gian tới”.
Nội lực chính là chìa khóa để vươn mình và cũng là “vốn liếng” để đi đàm phán.