Ông Duterte: Phán quyết Biển Đông là ràng buộc và không thể kháng cáo
Tổng thống Philippines nhấn mạnh phán quyết Biển Đông là 'cuối cùng, ràng buộc và không thể kháng cáo' trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc hôm 29/8.
Trong tuyên bố ngày 30/8, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo cho biết ông Duterte rất kiên định trong việc nhắc đến những tuyên bố của Philippines ở Biển Đông, bao gồm phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực ở Hague. Ông nói rằng phán quyết của trọng tài là "quyết định cuối cùng, có tính ràng buộc và không kháng cáo".
"Đáp lại, Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại lập trường của chính phủ Trung Quốc về việc không công nhận phán quyết cũng như không thay đổi quan điểm của họ", Panelo nói thêm.
Theo Bloomberg, cuộc gặp giữa Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đưa ra được bất kỳ thỏa thuận nào về phán quyết Biển Đông hay kế hoạch thăm dò khu vực khai thác dầu khí.
Phía Philippines chưa công bố chi tiết các vấn đề được thảo luận trong cuộc họp song phương. Tuy nhiên, Hãng tin Reuters và Tân Hoa xã tường thuật cuộc họp cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc và Philippines có thể tiến một bước xa hơn trong phát triển chung về tài nguyên dầu khí ở Biển Đông nếu đôi bên có thể giải quyết "đúng đắn" tranh chấp về chủ quyền.
Hai bên đồng ý thành lập các ủy ban để thúc đẩy các cuộc đàm phán thăm dò dầu khí, với mục tiêu dỡ bỏ lệnh cấm tạm thời của Philippines đối với các hợp đồng hiện tại, đặc phái viên Philippines tại Trung Quốc Sta. Romana cho biết.
Kết quả cuộc họp hai lãnh đạo Duterte-Tập cho thấy các cuộc đàm phán khai thác dầu chung đang diễn ra chậm chạp không nằm ngoài dự đoán, theo Jay Batongbacal, giám đốc Viện Đại học Hàng hải và Luật Biển của Đại học Philippines. "Đây mới chỉ là khởi đầu và không đảm bảo rằng một thỏa thuận cuối cùng sẽ được ký kết".
Bộ quy tắc ứng xử
Bài liên quan
Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc đang áp dụng chiến lược 'lát cắt salami' với Việt Nam và Philippines
Lãnh đạo Trung Quốc nói rằng hai bên nên đặt mục tiêu kết thúc các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông vào năm 2021, Tân Hoa Xã đưa tin trong một bài đăng trên Weibo.
Đây là chuyến thăm thứ năm của ông Duterte tới Trung Quốc trong ba năm cầm quyền và cuộc gặp gỡ lần thứ tám với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Salvador Panelo, cho biết: "Cả Tổng thống Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình đều đồng ý rằng trong khi phải duy trì các quan điểm khác nhau của họ, sự khác biệt không làm chệch hướng hay giảm đi sự thân thiện giữa hai nước", ông Panelo nói.
Theo đó, hai bên đồng ý "quản lý vấn đề Biển Đông và tiếp tục đối thoại một cách hòa bình trong việc giải quyết xung đột". Tổng thống Duterte và Chủ tịch Tập đã đồng ý về tầm quan trọng của việc tự kiềm chế và tôn trọng quyền tự do hàng hải - và hàng không - trên Biển Đông, ông Panelo nói trong tuyên bố.
Theo Jeffrey Ordaniel, phó giáo sư nghiên cứu an ninh quốc tế tại Đại học Quốc tế Tokyo, ông Tập Cận Bình "muốn có một tường thuật tốt trên phương tiện truyền thông về cuộc gặp với ông Duterte". "Chắc chắn, Trung Quốc muốn tạo ra một bầu không khí giả tạo về sự bình tĩnh và hợp tác ở Biển Đông", Ordaniel nói thêm.
Cuộc họp tại Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do những hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và hoạt động của các sòng bạc trực tuyến hàng tỷ peso của Philippines phục vụ chủ yếu cho các công dân Trung Quốc.
Theo Reuters, trong các tháng gần đây, nhiều lần, tàu Trung Quốc đã thách thức các hoạt động khai thác năng lượng của các nước Malaysia, Việt Nam và Philippines, buộc Mỹ, Australia, Liên minh châu Âu và một số nước châu Âu phải lên tiếng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, nhất là việc tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và chỉ trích những hành động mang tính "bắt nạt" của Bắc Kinh.
Người phát ngôn của ông Duterte trước đó nhiều lần xác nhận nhà lãnh đạo Philippines sẽ thảo luận phán quyết của tòa trọng tài năm 2016, trong đó khẳng định yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông là vô hiệu trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.