Ông Duterte sẽ quay lại chính trường?
Kể từ khi bị bắt và sẽ bị đưa ra Tòa án Hình sự quốc tế (ICC} ở La Hague, Hà Lan với cáo buộc đã giết hàng chục nghìn người trong chiến dịch bài trừ ma túy thông qua Biệt đội tử thần do Tổng thống Philippines lúc ấy là ông Duterte thành lập.
Tuy nhiên, ông vẫn có tên trong danh sách các ứng cử viên tranh chức Thị trường Davao, nhờ những nỗ lực của con gái ông - bà Sara Duterte, hiện là Phó Tổng thống Philippines...
Đầu tuần trước, hàng triệu cử tri Philippines đã bắt đầu bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, được coi là cuộc trưng cầu dân ý về mối bất hòa gay gắt giữa Tổng thống Ferdinand Marcos và Phó Tổng thống hiện đang bị luận tội là bà Sara Duterte, con gái cựu Tổng thống Rodrigo Duterte. Cuộc bầu cử sẽ chọn ra hơn 18.000 ghế trong Thượng viện, Hạ viện và chức thị trưởng của các thành phố ở Philippines. Yếu tố then chốt của cuộc bầu cử này sẽ góp phần tác động lớn trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào năm 2028.

Bà Sara - Phó Tổng thống Philippines, con gái của ông Duterte.
12 hạ nghị sĩ được bầu sẽ chiếm một nửa bồi thẩm đoàn trong phiên tòa luận tội bà Sara Duterte - dự kiến diễn ra vào tháng 7, có thể khiến bà bị cấm tham gia vào các chức vụ công vĩnh viễn. Trong bài phát biểu tại một cuộc biểu tình, bà Sara cho biết tên của bà và gia đình bà “đã bị lôi xuống bùn”, “và ai thực sự được hưởng lợi nếu gia đình Duterte biến mất khỏi thế giới? Không phải người Philippines, không phải nạn nhân của tội phạm, người thất nghiệp, người nghèo hay thậm chí là người đói”.
Bất chấp việc bị giam giữ tại nhà giam Scheveningen, The Hague, Hà Lan, ông Duterte, nay đã 80 tuổi, vẫn có tên trong danh sách các ứng cử viên tranh chức Thị trưởng thành phố Davao, Trong một cuộc thăm dò ý kiến các cử tri ở Davao, phần lớn đều cho rằng ông Duterte sẽ dễ dàng dành được chiến thắng. Theo phóng viên của trang tin Inside Politics thì cuối tuần trước, một đoàn xe đã diễn hành qua các con đường chính của Davao. Rất nhiều xe tải được trang hoàng bằng những hình ảnh, khẩu hiệu ủng hộ ông Duterte, còn tại nhà riêng của ông, những người ủng hộ đã dựng 2 tấm bìa lớn, in hình ông. Trên những đại lộ ở Davao, những quả bóng bay nhiều màu sắc cùng những dải ruy băng đỏ chao lượn trong gió. Tiếng còi xe kêu inh ỏi xen lẫn tiếng hô của người biểu tình: “Đưa ông Duterte trở lại Philippines, người Philippines sẽ phán xử ông chứ không phải là bọn nước ngoài”.
Chương trình bài trừ ma túy do ông Duterte khởi xướng, bắt đầu từ tháng 1/2016, khi ông nhậm chức tổng thống, cho đến khi ông bị Cảnh sát quốc gia Philippines và Interpol bắt ngày 11/3/2025 trong chiến dịch Operation Pursuit theo quyết định truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế với cáo buộc tội chống lại loài người. Ông Duterte bị bắt tại sân bay Manila sau khi tham dự một cuộc vận động tranh cử ở Hong Kong.
Vụ bắt giữ ông khi ấy đã được các nhóm nhân quyền quốc tế và các nạn nhân của cuộc đàn áp ăn mừng nhưng ở Davao, nơi ông Duterte làm thị trưởng trong hơn 20 năm trước khi trở thành tổng thống, điều này đã khơi dậy sự cảm thông dành cho ông. Ney Cabatuan, 41 tuổi, người tham gia đoàn xe diễu hành, nói với Inside Politics: “Duterte là thị trưởng ở Davao kể từ khi tôi sinh ra, ông ấy thực sự rất nghiêm khắc nhưng chúng tôi coi ông ấy như một người cha và chúng tôi là con của ông ấy, bởi lẽ chính sách cứng rắn của ông là vì lợi ích của đa số người dân Davao. Chúng tôi đang cầu nguyện cho ông ấy quay trở lại”, cùng lúc nhiều nhóm khác đường hô vang câu khẩu hiệu, yêu cầu ICC cung cấp bằng chứng cụ thể về “tội ác của ông Duterte”.
Cuối cùng, đúng như dự đoán của các nhà địa chính trị, ông Duterte đã giành được chiến thắng vang dội ở Davao với 662.630 phiếu bầu. Đối thủ của ông là Karlo Nograles, người ủng hộ Tổng thống Marcos chỉ nhận được 64.983 phiếu bầu, còn ứng cử viên độc lập Rod Cubos xếp cuối cùng với 6.328 phiếu. Chẳng những thế, con trai của ông là Baste Duterte, Thị trưởng thành phố Davao đương nhiệm cũng đang dẫn đầu cuộc đua giành chức phó thị trưởng với 520.511 phiếu bầu, còn người con trai thứ ba Paolo Pung Duterte được bầu lại làm thượng nghị sĩ. Trên tài khoản Facebook của ông Duerte tràn ngập những lời chúc mừng ông “trở lại với người dân Davao”, “đưa ông ấy về đây với chúng tôi”...
Một luật sư của ICC cho biết, khi nhận được kết quả bầu cứ, ICC sẽ “thảo luận về cách thức để ông Duterte có thể trở về nước trước ngày 30/6 để làm lễ tuyên thệ chức vụ thị trưởng”. Tuy nhiên, dù có được ICC cho phép quay trở lại Philippines để thực hiện việc tuyên thệ nhưng sau đó, ông Duterte vẫn phải quay lại La Hague để tham dự phiên điều trần diễn ra vào ngày 23/9 nhằm xác nhận các cáo buộc chống lại ông.
Vẫn theo Inside Politics, mặc dù ông Duterte đã cầm chắc chiến thắng trong tay nhưng các nhà quan sát địa chính trị vẫn chưa rõ ông Duterte có được ICC cho phép rời khỏi nhà giam trong một thời gian để trở về Davao làm lễ tuyên thệ hay không, bởi lẽ dưới thời Tổng thống Marcos, Philippines đã rút khỏi ICC nên sự phản đối của Philippines trong trường hợp ông Duterte được ICC cho về sẽ không có nhiều trọng lượng. Một quan chức thuộc Ủy ban Bầu cử Philippines nói rằng, căn cứ theo một tu chính án đã được lưỡng viện quốc hội thông qua, nếu ông Duterte bị ICC kết án trước ngày ông được phép về nước để làm lễ tuyên thệ chức vụ Thị trưởng Davao thì việc tuyên thệ sẽ trở nên vô giá trị vì theo tinh thần của tu chính án: “Những người đang bị giam giữ và những người đang phải đối mặt với những cáo buộc hình sự có thể ra tranh cử những chức vụ công. Nhưng, nếu họ đã bị kết án hoặc kháng cáo của họ đã hết thời hạn thì không được phép.
Như vậy, trái bóng của việc ông Duterte có thể về Davao trước ngày 30/6 hay không (thời hạn cuối cùng để ông Duterte làm lễ tuyên thệ) hiện đang nằm trong chân ICC. Nếu khả năng xấu nhất xảy ra - nghĩa là ICC không cho phép ông về thì con trai ông - Sebastian Duterte đương nhiên sẽ là quyền thị trưởng.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/ong-duterte-se-quay-lai-chinh-truong--i768804/