Ông Hà Đình Bốn: 'Đừng để trẻ em gặp nguy hiểm trong chính căn nhà của mình'

Theo ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, việc bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của cả xã hội, mỗi người dân cần đóng góp một phần nhỏ để tạo ra môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em.

Nhà là nơi trở về trong sự bình yên, nơi lưu giữ những khoảnh khắc quây quần ấm áp của mỗi thành viên trong gia đình. Nhưng trên thực tế có không ít những vụ việc mất an toàn đối với trẻ em đã diễn ra tại chính những khu chung cư - nơi trẻ em đang sinh sống. Không những vậy, trẻ em tại không ít chung cư đang thiếu đi không gian giải trí khi khu vui chơi bị lấn chiếm, sử dụng vào các mục đích không đúng với mục đích ban đầu thiết kế ra dành cho trẻ em.

Ý thức được việc xây dựng môi trường an toàn, trước hết từ chính trong ngôi nhà của mình là điều vô cùng quan trọng, mới đây, Tạp chí Trẻ em Việt Nam - Cơ quan của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nhận diện tiêu chí chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ em” nhằm giúp cho các bậc phụ huynh nâng cao kiến thức, kỹ năng trong việc tìm kiếm, lựa chọn căn hộ phù hợp, góp phần quan trọng trong hành trình xây dựng tổ ấm, chốn an cư hạnh phúc.

Toàn cảnh tọa đàm "Nhận diện tiêu chí chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ em". (Ảnh: Lại Cường).

Toàn cảnh tọa đàm "Nhận diện tiêu chí chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ em". (Ảnh: Lại Cường).

Trách nhiệm trước hết thuộc về người lớn

Là một trong các diễn giả tại tọa đàm, ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã đưa ra những nhận định về tình hình thực tế mất an toàn đang diễn ra tại nhiều chung cư và những nhóm rủi ro tiềm ẩn mà trẻ em đang phải đối mặt từ chung cư mất an toàn.

Ông Hà Đình Bốn chia sẻ, trong thời gian qua, với tốc độ phát triển kinh tế xã hội rất nhanh kéo theo nhu cầu chỗ ở tại các đô thị lớn tăng cao. Nhiều chung cư được xây dựng đã góp phần giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân, đặc biệt trẻ em đã có mái ấm tốt nhất để phát triển an toàn và lành mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vì tốc độ phát triển quá nhanh, hệ thống pháp luật không theo kịp để điều chỉnh sự hoạt động và quản lý của các chung cư từ khâu thiết kế đến khâu thi công, quản lý, hậu kiểm,.. khiến một số chung cư xuất hiện tình trạng mất an toàn, thậm chí xảy ra tai nạn thương tâm với trẻ nhỏ.

Theo ông Hà Đình Bốn, tình trạng các khu vui chơi bị lấn chiếm, chiếm dụng vẫn chưa được giải quyết triệt để, quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc, thiếu sót gây mất an toàn cho trẻ em (Ảnh: Hoàng Minh).

Theo ông Hà Đình Bốn, tình trạng các khu vui chơi bị lấn chiếm, chiếm dụng vẫn chưa được giải quyết triệt để, quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc, thiếu sót gây mất an toàn cho trẻ em (Ảnh: Hoàng Minh).

Theo ông Hà Đình Bốn, đây là lời cảnh tỉnh tới các bậc cha mẹ, nguyên nhân của vấn đề này trước hết đến từ trách nhiệm của những người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ, sau đó là các cơ quan, ban ngành, tổ chức khác nhau dẫn đến việc chung cư mất an toàn nói chung.

Ông Hà Đình Bốn nhấn mạnh 3 nguyên nhân chủ yếu, cụ thể:

Thứ nhất, là từ phía gia đình, các bậc phụ huynh phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng nhưng thực tế là chưa có kỹ năng mềm, chưa quan tâm chặt chẽ, theo sát các con. Nhiều cha mẹ vẫn chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình dẫn đến tai nạn đáng tiếc xảy ra. Nếu vì miếng cơm manh áo, vì công việc mà bỏ bê, không chăm sóc con, chỉ một chút lơ là, vô tâm cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

“Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định rõ ràng về các quyền của trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ, được chăm sóc và nuôi dưỡng. Đặc biệt là trẻ em dưới 6 tuổi, người chăm sóc luôn phải ở cạnh, không được để bỏ mặc các em nhỏ một mình bởi đây là đối tượng dễ bị tổn thương. Ở độ tuổi này, trẻ em chưa có đủ khả năng tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm tiềm ẩn trong cuộc sống hàng ngày”, ông Bốn cho biết.

Thứ hai, thiết kế chung cư về lan can, cửa phòng,... chưa đảm bảo về khoảng cách, thiết kế. Điều này chỉ ra, các nhà quản lý cần phải nghiên cứu, khoảng cách để cho các cháu không thể lách được người và leo ra ngoài được, cũng như đảm bảo an toàn cho lối đi riêng, cầu thang thoát hiểm luôn sẵn sàng để đảm phòng cháy chữa cháy.

Thứ ba, quy định pháp luật về Luật Xây dựng, Luật Trẻ em, Luật Nhà ở đã theo sát nhưng còn nhiều nội dung cần tiếp tục bổ sung trong tình hình mới. Một số chung cư vẫn chưa tuân theo quy chuẩn xây dựng, không đảm bảo diện tích khu vui chơi cho trẻ theo quy định.

Ngoài ra, một số dự án chủ đầu tư thi công không đúng như trong thiết kế chung cư, cắt xén, giảm diện tích khu vui chơi trong quá trình thi công.

“Một số người dân lợi dụng khu vực vui chơi để kinh doanh, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ em. Vai trò thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng khi các khu vui chơi bị chiếm dụng làm nơi gửi xe, kinh doanh… vẫn còn chậm trễ, chưa thực hiện tốt công tác quản lý. Việc thiếu khu vui chơi khiến trẻ em buộc phải ở nhà, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đáng tiếc”, ông Bốn nêu quan điểm.

Gia đình, xã hội và nhà nước cần chung tay bảo vệ trẻ em

Theo ông Hà Đình Bốn, để giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, từ cơ quan quản lý nhà nước đến người dân, đồng thời nêu những kiến nghị để đẩy mạnh tính an toàn và hạnh phúc cho trẻ em tại các dự án chung cư về mặt chính sách, pháp lý:

Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật, hệ thống chính sách về xây dựng, quản lý, sử dụng chung cư cho kịp thời với sự phát triển như vũ bão hiện nay. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em trong quy hoạch đô thị.

Ông Bốn cho rằng: “Trách nhiệm của các Bộ, Ban ngành phải rõ ràng, đầy đủ, quy trách nhiệm cụ thể từng cấp, từng cán bộ. Hiện nay, quy định vẫn còn chung chung, thiếu tính răn đe, gây khó khăn trong việc xác định trách nhiệm. Nếu xảy ra sai phạm có khởi kiện ra tòa cũng không biết quy trách nhiệm cho ai và họ lại tiếp tục mắc lỗi”.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh, tuyên truyền cho mọi người dân về bảo vệ an toàn cho trẻ em dưới nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng như trên phương tiện thông tin đại chúng, bằng các cuộc tọa đàm, báo viết, báo điện tử,... cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, các cơ quan quản lý nhà nước để nâng cao dân trí, nhận thức cho các cấp ngành từ trung ương đến cơ sở và trong mọi lĩnh vực khác nhau.

“Nhận thức của người dân và cán bộ, công chức về vấn đề này còn hạn chế do tuyên truyền chưa đủ sâu rộng và đa dạng. Do đó đồng thời phải lồng ghép nội dung bảo vệ trẻ em vào tất cả các chương trình của trung ương và địa phương”, ông Bốn nhấn mạnh.

Thứ ba, các cơ quan nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp về quy hoạch, xây dựng, vận hành tòa nhà,… để đảm bảo rằng các quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm túc.

“Cơ quan nhà nước cần kiểm tra, thanh tra các cơ quan tổ chức đã thực hiện đúng quy hoạch chưa, vận hành như thế nào, khi có vụ việc gửi xe lấn chiếm đã xử lý chưa, trách nhiệm thuộc về ai? Nếu ban quản lý chung cư chưa thực hiện đúng trách nhiệm, sai phạm thuộc quận, huyện nào thì chủ tịch quận huyện phải chịu trách nhiệm”, ông Bốn nói.

Thứ tư, để cải thiện quản lý, vận hành chung cư, cần chú trọng đến việc bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ tầng. Điều đó đồng nghĩa với việc phải có Ban quản trị, quản lý chung cư nghiêm ngặt, kịp thời và an toàn, xử lý nghiêm minh rõ ràng những người có trách nhiệm nhưng không bàn giao, nhận bàn giao nhưng không sửa chữa.

Theo ông Hà Đình Bốn, cần quy hoạch và phát triển đô thị bền vững, có cái nhìn tổng quát, tổng thể, chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bởi hiện nay một số nhà đầu tư thường chỉ tập trung vào việc thu lợi nhuận ngắn hạn mà chưa thật sự quan tâm chất lượng công trình một cách chi tiết, chưa quan tâm tới môi trường sống, dẫn đến tình trạng “đầu voi đuôi chuột” trong quá trình xây dựng và quản lý đô thị.

“Một số dự án chung cư chỉ chú trọng vào giai đoạn xây dựng, sau đó lại không quan tâm đến việc bảo trì, bảo dưỡng, dẫn đến tình trạng xuống cấp nhanh chóng. Vấn đề quy hoạch đô thị cũng chưa toàn diện, xây dựng quá nhiều chung cư mà không chú trọng đến yếu tố môi trường và chất lượng sống của cư dân đang dẫn đến nhiều hệ lụy”, ông Bốn nói.

Để thực hiện tốt các quy định đã có, đảm bảo sự hài hòa, thống nhất các quy định mà pháp luật đề ra, cơ quan quản lý, toàn xã hội phải cùng chung tay bảo vệ trẻ em.

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/ong-ha-dinh-bon-dung-de-tre-em-gap-nguy-hiem-trong-chinh-can-nha-cua-minh-d4969.html