Ðồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp

Thời gian qua, các cơ sở hội phụ nữ huyện Phú Tân đã đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, phát triển kinh tế gắn với những mô hình cụ thể. Nhờ đó, giúp nhiều chị em vươn lên có cuộc sống ổn định, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ hoạt động đan, vá lưới riêng lẻ của nhóm chị em phụ nữ trước đây, Hội LHPN xã Rạch Chèo đã xây dựng kế hoạch, vận động chị em thành lập tổ hợp tác để tương trợ nhau trong quá trình lao động. Tổ hợp tác gia công đan, vá lưới ấp Rạch Chèo được thành lập với 13 thành viên. Chị em hỗ trợ nhau về vốn, kinh nghiệm đan, vá lưới và đầu ra sản phẩm.

Chị em tổ viên đến điểm tập trung để làm công việc đan, vá lưới.

Chị em tổ viên đến điểm tập trung để làm công việc đan, vá lưới.

Trước kia, chị em tự tìm kiếm mối vá lưới riêng lẻ, công việc không thường xuyên, thu nhập không đảm bảo. Từ khi tham gia vào tổ hợp tác đến nay, chị em được tổ trưởng làm đầu mối liên hệ với các chủ lưới, nhận và phân chia công việc đều đặn cho các thành viên, vì thế, các chị có thu nhập mỗi ngày.

Chị Bùi Thị Dung, Tổ trưởng Tổ hợp tác gia công đan, vá lưới, thông tin: “Khi thành lập tổ, chị em tập hợp lại đông hơn, tương trợ lẫn nhau về mọi mặt, nhờ vậy mà công việc được ổn định. Hiện tại, mỗi chị có thu nhập trên 200 ngàn đồng/ngày từ đan, vá lưới, giúp trang trải cuộc sống gia đình tốt hơn”.

Tổ hợp tác gia công đan, vá lưới ấp Rạch Chèo sinh hoạt trao đổi về tình hình hoạt động của tổ.

Tổ hợp tác gia công đan, vá lưới ấp Rạch Chèo sinh hoạt trao đổi về tình hình hoạt động của tổ.

Năm 2023, tổ được Hội LHPN tỉnh xét hỗ trợ 65 triệu đồng từ nguồn dự án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Trung ương, để trang bị thêm máy móc, thiết bị phục vụ cho công việc đan, vá lưới. Chị Trần Hồng Nua, Chủ tịch Hội LHPN xã Rạch Chèo, cho biết: “Nhờ có trang thiết bị, máy móc, tổ đã mở rộng mô hình, nhận về nhiều sản phẩm hơn, từ đó tạo được việc làm thường xuyên cho chị em trong tổ”.

Từ phong trào đồng hành cùng chị em hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, đến nay các cơ sở hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã thành lập được 2 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác và xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Tổng nguồn vốn nội lực tương trợ nhau của các cơ sở hội trên 11 tỷ đồng.

Chị Ký Bé Lài, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện, cho biết: “Thông qua các mô hình phát triển kinh tế tại địa phương, đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 5 ngàn lao động nữ, giúp chị em có nguồn thu nhập ổn định chăm lo cho gia đình, hạn chế tình trạng chị em rời quê đi làm ăn xa. Từ đó, góp phần duy trì tỷ lệ hội viên phụ nữ tại địa phương và giúp chị em gần gũi, chăm sóc, giữ lửa hạnh phúc gia đình”./.

Thúy Nga

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/-ong-hanh-cung-phu-nu-khoi-nghiep-a31911.html