'Ông hoàng Bolero' qua hồi ức của con trai
'Rượu trần ai gội niềm cay đắng/Những suy tư in đậm đường hằn/Mình còn ai đâu để vui/Khi trót sa vũng lầy nhân thế/Cỏ ưu tư muộn phiền lên xám môi…'. Người ta hay nói ca khúc của Trúc Phương như lời tiên đoán cho số phận của ông. Người viết 'Thói đời' đã đi qua một cuộc đời buồn nhiều hơn vui, nhưng không một lời oán thán. Thậm chí, trước khi từ giã cõi đời vài tháng, 'Ông hoàng Bolero' còn kịp hoàn thành một ca khúc chia tay nhân thế với tựa: 'Xin cảm ơn đời'.
Nhạc sỹ Trúc Phương có tên khai sinh rất đẹp: Nguyễn Thiên Lộc. Ông sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Vĩnh Bình (nay là tỉnh Trà Vinh). Có người nói “Ông hoàng Bolero” chọn nghệ danh Trúc Phương vì xung quanh nhà ông trồng nhiều tre trúc, ông yêu những âm thanh kẽo kẹt của tiếng tre va chạm với nhau. Con trai của nhạc sỹ Trúc Phương, anh Trúc Lê, người gần gũi với ông nhất lại thú nhận: “Cha tôi chưa từng nói về điều này. Chính tôi cũng không biết tại sao ông chọn nghệ danh Trúc Phương”.
“Ông hoàng Bolero” để lại chừng 85 ca khúc, trong đó hơn 70 ca khúc đã phổ biến. So với nhiều nhạc sỹ khác, Trúc Phương sáng tác không nhiều song ông vẫn xứng danh “Ông hoàng bolero” vì rất nhiều tác phẩm có sức sống mãnh liệt: “Tình thắm duyên quê”, “Ai cho tôi tình yêu”, “Buồn trong kỷ niệm”, “Mưa nửa đêm”, “Tàu đêm năm cũ”, “Đêm tâm sự”, “Hai lối mộng”, “Đò chiều”…
Tác giả “Ai cho tôi tình yêu” có 6 người con. Trúc Lê là người con trai thứ 5: “Khi bố mẹ tôi li thân, năm 79, tôi theo bố. Còn lại các anh chị em chọn theo mẹ. Tôi sinh năm 69, tuổi gà”. Theo Trúc Lê, mẹ anh lấy cha anh khi bà còn rất trẻ, mới 17 tuổi: “Mẹ tôi nhỏ hơn bố tôi khá nhiều tuổi. Bố tôi cưới mẹ tôi khoảng năm 58 thì phải. Năm 60, chị tôi ra đời”. Trong mắt Trúc Lê, mẹ anh là mỹ nhân một thuở, bà được mệnh danh hoa khôi của Bến Tre: “Bố tôi quen mẹ tôi khi mẹ tôi khoảng 16 tuổi. Lúc ấy bố tôi tổ chức đại nhạc hội ở Bến Tre, mẹ tôi say mê văn nghệ, nên đi coi đại nhạc hội. Ổng nhìn thấy bả đẹp nên ghẹo. Mấy tháng sau đã lấy nhau, khi mẹ tôi vừa tròn 17 tuổi”.
Có nhiều thông tin cho rằng mẹ của Trúc Lê là người vợ thứ ba của tác giả “Ai cho tôi tình yêu”. Con trai của “Ông hoàng Bolero” đính chính: Trúc Phương chỉ có một người vợ chính thức. “Trước đó, ông quen và sống với người này, người kia không hôn thú, theo tôi biết có 1, 2 người gì đó. Vợ chính thức có mỗi mẹ tôi, râu ria thì tính làm gì?”, anh nói.
Làm gì nghèo đến mức chết chỉ có đôi dép Lào?
Được mệnh danh là “Ông hoàng Bolero” nhưng Trúc Phương lại trải qua một cuộc đời thâu tóm trong một chữ: Nghèo. Giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời Trúc Phương đã được chính ông kể khi còn sống, trong một chương trình ca nhạc của một trung tâm băng nhạc hải ngoại. Nguyên văn như sau: “Sau biến cố tôi sống nay đây mai đó, bèo dạt hoa trôi ấy mà. Đói thì chưa đói ngày nào nhưng no thì chưa có ngày nào được no. Tôi không có cái mái nhà. Lúc đó vợ con tan nát. Tôi sống nhà bạn bè nhưng khốn nỗi, bạn bè hoàn cảnh họ cũng bi đát, khổ, không ai đùm bọc ai được. Hơn nữa thời đó vấn đề an ninh khe khắt. Bạn bè không ai dám chứa trong nhà vì tôi không có giấy tờ tùy thân, chẳng có thứ gì trong người cả. Tôi nghĩ ra được một cách, tìm nơi nào có khách vãng lai rồi mình chui vào ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ. Ban ngày thì lê la thành phố, đêm phải ra xa cảng. Thuê một chiếc chiếu, lúc đó mỗi chiếc chiếu là cược một đồng, ngủ đến sáng thì xếp chiếc chiếu trả lại người ta, lấy một đồng về”. Ông từng ngủ xa cảng (bến xe) khoảng 9 tháng: “Hôm nào có tiền đi xe lam ra sớm, khoảng chừng 5 giờ có mặt ngoài đó thì thuê chiếc chiếu rồi còn chạy được chỗ lịch sự chút, tương đối vệ sinh một chút. Hôm nào ra trễ thì chỗ sạch, vệ sinh họ chiếm hết rồi. Tôi phải trải chiếu gần chỗ người ta đi tiểu vỉa hè. Cũng phải nằm thôi. Tôi sống những ngày phải nói bi đát. Mà lẽ ra tôi nên buồn hoàn cảnh như thế nhưng tôi không bao giờ buồn. Tôi nghĩ thôi còn sống cho tới bây giờ thì âu đó cũng là chất liệu để tôi viết bài”.
“Biến cố” mà nhạc sỹ Trúc Phương nhắc đến chính là biến cố nhiều lần vượt biên không thành rồi bị giam và của cải tiêu tán. Phải đến năm 84, Trúc Phương mới đành “an phận”.
Nhiều ý kiến cho rằng, Trúc Phương bỏ vợ là do cái “bệnh” đa tài, đa tình của ông. Song theo quan điểm của Trúc Lê, cuộc hôn nhân của bố mẹ anh đứt gãy do hoàn cảnh sống đưa đẩy: “Bố tôi thương yêu vợ con, lo cho gia đình lắm. Chứ có mâu thuẫn gia đình gì đâu. Người ta cứ hiểu lầm là do bố tôi đào hoa, nên mới đổ vỡ”.
Một chi tiết khá bất ngờ: Tới khi Trúc Phương mất, năm 1995, ông không có giấy tờ tùy thân: “Bố tôi không có chứng minh nhân dân, chẳng có gì cả, chỉ có tờ giấy ra trại cuối cùng, hình như năm 84 thì phải”, Trúc Lê kể. Sau đó, chính Trúc Lê lo giấy tờ cho cha. “Tại sao khi còn sống bố anh không chịu làm giấy tờ?”, tôi thắc mắc. Con trai “Ông hoàng Bolero” đáp: “Theo tôi biết, lúc đó bố tôi lớn tuổi, với lại thấy làm giấy tờ cũng không để làm gì. Nhà cửa cũng không có”. Trúc Phương mất khi vẫn ở nhà thuê. Người thuê nhà cho Trúc Phương lại chính là cô gái năm xưa đi xem đại nhạc hội ở Bến Tre, vợ cũ của ông, khi ông ra đi cũng tay bà lo liệu: “Mẹ tôi lo hết. Bố nằm xuống, mẹ chạy đi mua đất đai, làm mộ cho bố”. 6 người con của Trúc Phương đều trở về chịu tang bố: “Nghe tin bố mất, người anh ở bên Úc cũng về, người anh và bà chị ở bên Mỹ cũng về, đầy đủ hết”.
Có người viết về hoàn cảnh khó khăn của Trúc Phương, đến độ chết không có gì, ngoài đôi dép Lào. Trúc Lê phản ứng: Điều đó bịa đặt. “Bố tôi thì nghèo thiệt nhưng nghèo khổ đến như thế thì không đúng. Người ta cứ dựng chuyện. Những năm đó, mẹ tôi rất khá giả, làm sao để cha tôi như thế, và chúng tôi lúc đó cũng đã trưởng thành”, anh “đính chính” thay cha. Theo Trúc Lê, anh, chị ruột của anh bên Mỹ đã đến gặp người đưa thông tin Trúc Phương ra đi trong tình trạng chỉ có đôi dép Lào, người này đã phải xin lỗi gia đình: “Người ta nói nhiều cái chối tai lắm”, con trai tác giả “Ai cho tôi tình yêu” than phiền.
Từ năm 1984 đến khi mất, năm 1995, nhạc sỹ Trúc Phương làm gì để mưu sinh? Tôi hỏi Trúc Lê. Anh đáp: “Từ năm 84, cha tôi phần lớn không làm gì. Có sáng tác một số, khi là Hội viên Hội Văn nghệ Cửu Long. Bố con tôi chủ yếu sống bằng trợ cấp của mẹ tôi, mỗi sáng mẹ tôi đi chợ mua thức ăn thì chia hai phần, một phần bên nhà, một phần dành cho tôi với bố tôi. Tuy đã chia tay nhau nhưng mẹ vẫn thương bố tôi. Bà còn nặng nghĩa”. Về phía “Ông hoàng Bolero”, Trúc Lê chia sẻ: “Bố tôi rất tự trọng, ngay cả thời điểm khó khăn nhất ông cũng không bao giờ lên tiếng hỏi xin ai, quỵ lụy ai”. Người vợ cũ của Trúc Phương lập gia đình vào khoảng cuối năm 79, với người đàn ông gốc Hoa. Trúc Lê nhìn nhận, chồng của mẹ anh là người hiền lành, biết vợ lo toan cho chồng cũ và con riêng nhưng không phản đối. Ông biết tên tuổi của Trúc Phương trước 75 và có thể ông cũng yêu những ca khúc do chồng cũ của vợ viết. “Sau này “Ông hoàng Bolero” còn có những cuộc tình nào?”, tôi tò mò. Trúc Lê cười: “Bố tôi có ngang qua vài người nhưng tôi phản đối lắm”.
Vài câu hát cũng nghĩ tới nửa năm
Trúc Phương luôn kể chuyện yêu đương bẽ bàng nhưng không hẳn mỗi tác phẩm ứng với một chuyện tình. Ngay trong thời điểm ngập tràn hạnh phúc, khi vợ sinh con gái được vài tháng tuổi, nhạc sỹ vẫn viết những bài nhói tim. Ví dụ, nhạc phẩm nổi tiếng “Buồn trong kỷ niệm”: “Nụ cười ngày xưa chết trên bờ môi, héo mòn tuổi đời/Đi thêm một bước, trót nhớ thêm một bước/Nếu ta còn nhớ, mắt môi người cũ/Xin mang theo tiếng yêu khi gọi anh với em”.
Không ít người nghĩ Trúc Phương sáng tác quá dễ dàng. Có lẽ do họ suy luận từ những câu hát của ông: “Buồn vào hồn không tên/Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời/Đường phố vắng đêm nao quen một người/Mà yêu thương trót trao nhau trọn đời”. Chỉ cần nửa đêm thức giấc nhớ chuyện quen một người vào một đêm mơ, đã ra ngay “Nửa đêm ngoài phố” đình đám. Nhưng sáng tạo nghệ thuật chẳng bao giờ dễ dàng như thế! “Có những bài cha tôi làm trong một buổi sáng, có những bài chỉ còn mấy dòng cuối cùng mà phải hơn nửa năm bố tôi mới viết xong”, Trúc Lê nhớ lại. Tháng 9 năm 1995, Trúc Phương ra đi, cách đó vài tháng ông mới hoàn thành “Xin cảm ơn đời”: “…Sợ mong manh đêm vui/Sợ đơn phương chăn gối/Cuối cùng sợ thuyền đi bỏ bến buồn tênh/Giờ vướng cơn đau/ Còm cõi xanh xao/ Những cơn đau tuổi xanh rớt lại/Cảm ơn em, bè bạn nơi nơi gởi chút xót xa người/Thêm đôi tuổi trời thở hơi thở ấm ơn đời…”.
Trong đời sống Trúc Phương chưa từng than trách một ai: “Cuộc đời nhạc sỹ có những lúc sướng, lúc khổ, bố tôi khổ nhiều hơn sướng. Nhưng ông không than trách, ông rất chân chất, bạn bè ai cũng yêu quí vì ông hiền lành, thật thà”, Trúc Lê nói về cha. Vì sao Trúc Phương không trách đời, trách người? Ngay trong 2 câu đầu tiên của bài “Thói đời” ông đã viết: “Đường thương đau đày ải nhân gian/Ai chưa qua chưa phải là người”.
Đam mê ẩm thực, chăm chút vẻ ngoài
“Bố tôi là người nấu ăn rất ngon. Hồi xưa khi còn ở với mẹ thì bố tôi vẫn vào bếp nhiều hơn mẹ. Bố tôi khoái ẩm thực. Ông học hỏi những món ăn khi lưu diễn hồi còn tổ chức đại nhạc hội, về nhà nấu lại y chang. Cha tôi nấu ăn giống như người đầu bếp thực thụ”, Trúc Lê hào hứng khoe.
Vợ chồng nhạc sỹ Trúc Phương
“Rượu trần ai gội niềm cay đắng/Những suy tư in đậm đường hằn…”. Trúc Phương viết “rượu trần” song người ta lại nghĩ “Ông hoàng Bolero” mê rượu chè. Trúc Lê chia sẻ: “Ba tôi không rượu chè, không cờ bạc nhưng hút thuốc nhiều, hay thức đêm. Từ năm 89, cha bị hen suyễn, lúc đó còn nhẹ, 6 năm sau thì ông ra đi”.
Trúc Phương là người ưa gọn gàng, ngăn nắp. Cho dù khổ cực, không có tiền song Trúc Lê tiết lộ, nhạc sỹ luôn ăn mặc chỉn chu, tóc tai chải chuốt: “Cha chú trọng bề ngoài, ra ngoài lúc nào cũng phải thơm tho. Tôi ủi đồ cho cha mà sai một li cha tôi cũng la lên. Quần áo chỉ được một li, thành hai li là ông la chết luôn”.
Các con của Trúc Phương đều yêu âm nhạc, chơi được nhạc cụ nhưng không theo nghề cha. Trúc Lê hiện kinh doanh bất động sản. Trước đây, anh học nghề bạc vì mẹ anh có mấy tiệm vàng: “Cha hoan nghênh tôi đi học nghề bạc, theo hướng kinh doanh”. Trúc Lê còn bật mí, “ông hoàng Bolero” hát rất hay, thỉnh thoảng ông chơi guitar, hát những bản tình buồn do ông sáng tác.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ong-hoang-bolero-qua-hoi-uc-cua-con-trai-post1341239.tpo