'Ông Hoạt chữ Thái'
Đã từ lâu, nhân dân bản Nà Bó 1, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu dành cho nghệ nhân ưu tú Lường Văn Hoạt một cái tên gần gũi gắn với dân tộc mình “ông Hoạt chữ Thái” - ông đã dành nhiều năm nghiên cứu và truyền dạy chữ Thái để bảo tồn, gìn giữ chữ viết của dân tộc sống mãi với thời gian.
Sinh năm 1946 tại vùng đất Mường Sang trong một gia đình thuần nông, ông Hoạt rất yêu thích văn hóa của dân tộc Thái. Ông Lường Văn Hoạt chia sẻ: Trước kia, những người biết chữ Thái của bản không nhiều và chỉ biết một số từ thông dụng trong cuộc sống hàng ngày, như: ăn cơm, uống nước, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, các con số, tên một số động vật… Thuở nhỏ, thấy những người lớn biết dùng chữ Thái để ghi chép lại thời vụ làm nông nghiệp, gieo mạ, cấy lúa, mua bán trâu bò, nên tôi đã xin theo học. Đến năm 2005, tôi đăng ký học tiếp lớp chữ Thái của nghệ nhân ưu tú Lò Văn Thắng ở bản Nà Bó 2. Vừa học chữ, vừa được tiếp cận với những cuốn sách cổ do cha ông xưa để lại, như sử thi “Táy Pú Xấc”, truyện thơ Xống Chụ Son Sao, Khun lú nàng Ủa, hay những câu ca dao, thành ngữ của dân tộc mang đậm triết lý nhân văn, giáo dục con người khiến tôi ngày càng say mê với chữ viết của dân tộc.
Với tâm nguyện lưu giữ và trao truyền cho thế hệ trẻ, từ năm 2013, ông Lường Văn Hoạt bắt đầu dạy chữ Thái cho con cháu và những người có nhu cầu học tập. Hơn 10 năm qua, ông đã tham gia dạy 7 lớp chữ Thái cho hơn 200 người tại một số xã trên địa bàn huyện Mộc Châu, trong đó có không ít người là đang cán bộ công tác trong các cơ quan nhà nước, người cao tuổi. Ông đã phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, soạn những bài giảng có nội dung gần gũi, thiết thực, gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày, giúp học viên dễ dàng biết đọc, biết viết và hiểu nghĩa của từng từ, từng câu. Những lớp học do ông Hoạt truyền dạy, góp phần thúc đẩy phong trào học chữ Thái ở huyện Mộc Châu phát triển.
Bà Đèo Thị Xuân, 60 tuổi, ở bản Nà Bó 2, xã Mường Sang, chia sẻ: Hơn 5 năm trước, tôi tham gia lớp học chữ Thái của ông Hoạt. Mới đầu, thấy khó do cách viết, phát âm và ghép vần của chữ Thái khác so với tiếng phổ thông. Sau một thời gian kiên trì học, tôi đã đọc và viết thuần thục, hiểu được giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc qua những câu ca dao tục ngữ trong sách Thái cổ. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm bảo tồn chữ viết, tiếng nói dân tộc và truyền dạy lại cho các con, cháu.
Nghệ nhân Lường Văn Hoạt còn tích cực nghiên cứu và sáng tác nhiều tác phẩm thơ văn bằng tiếng dân tộc; sưu tầm tư liệu về các lễ hội truyền thống, những phong tục, tập quán của dân tộc Thái; biên dịch hàng trăm câu ca dao, tục ngữ và tác phẩm văn học Thái cổ. Với những cống hiến không mệt mỏi, đầu năm 2023, ông Lường Văn Hoạt đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực bảo tồn tiếng nói, chữ viết.
Trước khi chia tay, Nghệ nhân ưu tú Lường Văn Hoạt tặng chúng tôi bài thơ chữ Thái “Sắc xuân Mộc Châu” vừa sáng tác và bày tỏ: Niềm vui lớn nhất của tôi là chữ Thái giờ đây đã có vị trí ngày càng quan trọng trong đời sống. Cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con đã thực sự chung sức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Thái. Còn sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và truyền dạy chữ Thái, góp phần bảo tồn, giữ gìn văn hóa dân tộc Thái.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/guong-sang-ban-lang/ong-hoat-chu-thai-o4ZWkEFIg.html