Ông Huy Nhật sở hữu 30% vốn, khẳng định bị nhóm nhà đầu tư gạt ra khỏi Món Huế

Theo hợp đồng hợp tác, ông Huy Nhật nắm 30% vốn và 3 ghế tại Hội đồng quản trị, giữ Chủ tịch. Nhưng các nhà đầu tư ngoại đã đơn phương họp ...

Liên quan đến Huy Seafood (Long Khang), ông Huy Nhật cho biết, ông đã nhượng lại phần vốn của mình cho các bên khác sau khi có khủng hoảng xảy ra tại Món Huế. Thủ tục pháp lý chưa hoàn tất do ảnh hưởng cú sốc nói trên.

"Tôi đã nghĩ đến các rủi ro...."

Công ty Huy Viet Nam Group Limited, Huy Viet Nam (Hồng Kông) Limited và Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam là 3 doanh nghiệp do ông Huy Nhật sáng lập. Nhóm công ty đầu tư tài chính vào các pháp nhân sở hữu trực tiếp chuỗi cửa hàng ẩm thực tại thị trường Việt Nam, trong đó có chuỗi Món Huế. Từ năm 2013 đến trước tháng 10/2019, sau 4 lần gọi vốn, các nhà đầu tư Hồng Kông được ghi nhận là đã rót 70 triệu USD vào công ty của ông Huy Nhật hình thức cổ phần. Nhóm nhà đầu tư Hồng Kông gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital.

Ông Huy Nhật xuất hiện trước báo giới. Ảnh Quỳnh Nguyễn

Ông Huy Nhật xuất hiện trước báo giới. Ảnh Quỳnh Nguyễn

Trao đổi với VnEconomy, ông Huy Nhật cho biết, theo những nội dung đã ký kết trong hợp đồng hợp tác, ông Huy Nhật nắm 30% vốn (khi nhóm công ty được tăng vốn, phần vốn của ông Huy Nhật được ghi nhận tăng theo tỷ lệ tương ứng 30%), nắm giữ 3 ghế tại Hội đồng quản trị, giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, các nhà đầu tư nắm giữ 3 ghế còn lại.

Cũng theo hợp đồng hợp tác, ông Huy Nhật là Giám đốc điều hành chịu trách nhiệm chính về việc phát triển kinh doanh, chọn địa điểm mở chuỗi…. Các vị trí Giám đốc tài chính, Giám đốc pháp lý, Giám đốc mua hàng, Kiểm soát nội bộ là người của nhóm nhà đầu tư nước ngoài.

Nắm 3/6 ghế tại Hội đồng quản trị nhưng đã bị truất quyền điều hành

Những năm đầu hợp tác thành công, tốt đẹp dẫn đến sự bùng nổ của Món Huế và các thương hiệu khác của công ty. Tuy nhiên, tăng số lượng cửa hàng từ 100 lên 200, và tăng từ 200 lên 400 là câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Mâu thuẫn giữa ông Huy Nhật và nhóm nhà đầu tư bắt đầu từ đó và được đẩy lên cao khi mọi quyết sách cuối cùng nằm ở ông Huy Nhật từ tháng 5/2019.

Khác biệt cơ bản tạo nên mâu thuẫn là chiến lược của nhà đầu tư nước ngoài tập trung phát triển thần tốc nhằm chiếm thị phần để nhanh chóng hiện thực hóa lợi nhuận của khoản đầu tư. Trong khi đó, ông Huy Nhật muốn phát triển bền vững, giữ gìn chất lượng dịch vụ và món ăn đặc sắc hương vị truyền thống.

"Tôi là người sáng lập ra Món Huế, tôi không bao giờ muốn mất quyền điều hành của mình. Theo thỏa thuận trước đó, khi có tranh chấp sẽ được đưa ra trọng tài kinh tế ở Hồng Kông để giải quyết. Trong thời gian chờ đợi trọng tài kinh tế ở Hồng Kông xử, nhóm nhà đầu tư Hồng Kông đã đơn phương lập Nghị quyết Hội đồng quản trị, tự quyết các vấn đề và đẩy tôi ra khỏi công ty, thành lập đại diện mới tại Việt Nam" – ông Huy Nhật chia sẻ.

Nhóm nhà đầu tư đã hợp thức hóa các thủ tục tại Lãnh sự quán Việt Nam ở Hồng Kông, sau đó chuyển về Việt Nam hoàn tất các thủ tục.

"Tôi tình cờ phát hiện thông tin công ty bị thay đổi, tôi bị mất quyền điều hành, không còn là người đại diện pháp luật của công ty vào ngày 1/10, nhờ nhân viên cũ báo. Ngay sau đó tôi cũng đã làm các thủ tục thông báo đến Sở Kế hoạch & Đầu tư và trình báo công an. Trong khi chờ đợi sự phán quyết theo pháp luật, ngày 05/10/2019, nhóm nhà đầu tư đã thuê lực lượng bảo vệ đông đảo cùng nhóm luật sư đại diện và một số người nước ngoài lạ mặt tiến hành xâm chiếm trụ sở văn phòng và bếp trung tâm của công ty Huy Việt Nam"- ông Huy Nhật.

Theo bản đăng ký mới, người đại diện pháp luật mới là ông Nguyễn Quỳnh Anh.

Ông Huy Nhật cũng phản bác cáo buộc của nhóm nhà đầu tư về việc ông Huy Nhật đã sử dụng sai mục đích vốn của công ty. Bởi, Giám đốc tài chính, Giám đốc pháp lý hay Kiểm nội bộ đều là người của nhóm nhà đầu tư cử sang, luôn có nghĩa vụ định kỳ báo cáo đúng và đầy đủ thông tin cho các nhà đầu tư.

"Trước cú sốc, tôi chọn im lặng"

Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Huy Nhật cho biết thời điểm ngày 5/10/2019, ông Huy Nhật có mặt tại Tp.HCM và ở Việt Nam trong suốt thời gian qua, tuy nhiên trước cú sốc lớn cùng với hàng loạt cuộc gọi đến ông chọn im lặng. Đây là lý do vì sao truyền thông, đối tác không thể liên lạc được vào số điện thoại thường dùng của ông Huy Nhật.

"Khi sự việc xảy ra, tôi là người bị thiệt hại lớn nhất bao gồm cả uy tín, sức khỏe, gia đình…, bị đẩy ra khỏi công ty mình sáng lập một cách bất hợp pháp. Sự nghiệp 15 năm của tôi ở Việt Nam bị sụp đỗ trong chớp mắt. Tuy nhiên, sau tất cả điều quan trọng nhất đối với tôi là bảo vệ tính đại diện pháp luật công ty của tôi trong vụ kiện ở Hồng Kông. Bởi hiện tôi không còn tư cách đại diện công ty để giải quyết các vấn đề công nợ cho nhà cung ứng và nhân viên".

Ông Huy Nhật tâm tư, điều đáng buồn nhất là khi mình làm tốt, các nhà đầu tư đưa mình lên đỉnh, nhưng khi khó khăn, mình trở thành vật thế thân.

Đã ứng ra 5 tỷ đồng cho các nhà cung ứng

"Liên quan đến công nợ, đây là điều làm tôi nhức nhối. Sau một thời gian trấn tĩnh và vượt qua cơn sốc, tôi đã rao bán cổ phần của gia đình tôi trong một công ty kinh doanh ẩm thực khác. Dù với tỷ lệ cổ phần thiểu số của mình tại công ty Huy Việt Nam, tôi xác định ưu tiên hàng đầu vẫn là hỗ trợ giải quyết cho các nhà cung cấp và nhân viên bị ảnh hưởng bởi tranh chấp vừa qua. Tuy nhiên, vì vị trí đại diện pháp luật của công ty đã bất ngờ bị thay đổi, tôi không còn tư cách đại diện công ty để giải quyết các vấn đề công nợ." – ông Huy Nhật cho biết.

Hiện ông Huy Nhật không nắm được chính xác công nợ của công ty là bao nhiêu và ông cũng cần xác minh với các chủ nợ do trong 6 tháng qua ông "quay cuồng" trong tranh chấp, giải quyết tranh chấp.

Trên thực tế, theo ông Huy Nhật, sau khi báo chí thông tin, người đại diện của ông Huy Nhật đã liên lạc với một số nhà cung ứng, ông Huy Nhật cũng đã ứng ra 5 tỷ đồng để chi trả công nợ liên quan công ty. Tuy nhiên, theo tư vấn của luật sư phương thức ứng tiền này không giải quyết trọn vẹn vấn đề vì lúc này ông Huy Nhật không còn là đại diện pháp luật của công ty.

Cũng theo ông Huy Nhật, tài sản của công ty còn khá nhiều để giải quyết những công nợ cho các bên.

"Tương lai Món Huế là điều làm tôi đau lòng"

Trả lời câu hỏi tương lai của Món Huế, ông Huy Nhật cho rằng, bây giờ Món Huế không phải là sở hữu của cá nhân ông Huy Nhật, nên quyết định thuộc về các nhà đầu tư. Nếu các nhà đầu tư giao lại cho ông Huy Nhật, ông Huy Nhật mới có quyền quyết định.

"Tương lai Món Huế là điều làm tôi đau lòng. Lòng tôi vô cùng đau đớn khi nhìn thấy từng chi nhánh đóng cửa. Từng chi nhánh là nơi tôi lựa chọn, bỏ tâm huyết, từ cái ghế cái bàn….đó là những đứa con tinh thần tôi dày công xây dựng suốt bao nhiêu năm qua. Có hội hận cũng không kịp" – ông Huy Nhật trải lòng.

Liên quan đến Huy Seafood (Long Khang), ông Huy Nhật cho biết, ông đã nhượng lại phần vốn của mình cho các bên khác sau khi có khủng hoảng xảy ra tại Món Huế. Thủ tục pháp lý chưa hoàn tất do ảnh hưởng cú sốc nói trên.

Quỳnh Nguyễn

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/ong-huy-nhat-so-huu-30-von-khang-dinh-bi-nhom-nha-dau-tu-gat-ra-khoi-mon-hue-2019111509054447.htm