Ông Huỳnh Quốc Việt: Cà Mau quyết tâm chuyển đổi số thành công
Thực hiện các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số, tỉnh Cà Mau thời gian qua luôn thể hiện quyết tâm cao để trở thành một trong những tỉnh chuyển đổi số thành công.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau quan tâm thực hiện chuyển đổi số. Với quyết tâm thực hiện chính quyền số, tỉnh Cà Mau đã chú trọng nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về xu thế tất yếu của chuyển đổi số. Từ đó, phát triển xã hội số, kinh tế số. Những giải pháp tỉnh Cà Mau thực hiện đã mang lại những kết quả tích cực.
Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau để hiểu rõ hơn về việc thực hiện chuyển đổi số tỉnh đã và đang thực hiện.
PV: Ông đánh giá như thế nào về chuyển đổi số? Tỉnh Cà Mau thời gian qua đã thực hiện chuyển đổi số như thế nào, thưa ông?
Ông Huỳnh Quốc Việt: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là cơ hội tận dụng các công nghệ số của Cách mạng công nghiệp 4.0 để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Thực hiện các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số, tỉnh Cà Mau thời gian qua luôn thể hiện quyết tâm cao để trở thành một trong những tỉnh chuyển đổi số thành công.
Chúng tôi đã cụ thể bằng những hành động và tập trung vào một số nội dung trọng tâm. Đầu tiên là việc hoàn thiện thể chế. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết, UBND tỉnh Cà Mau đã có Đề án về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu thực hiện chuyển đổi số trong cả hệ thống chính trị. Để cụ thể hóa, chúng tôi đã triển khai sử dụng thống nhất phần mềm Quản lý văn bản và điều hành cho các cơ quan Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; chữ ký số đã triển khai cho các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến xã sử dụng, với hơn 11.000 tài khoản người dùng.
Hướng tới xã hội số, Cà Mau thí điểm và có những kết quả tích cực với mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng. Phát triển Kinh tế số, tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng Sàn thương mại điện tử tỉnh Cà Mau (madeincamau.com); Cổng thông tin Du lịch Cà Mau (camautourism.vn). Thực hiện chuyển đổi số thì không thể thiếu hạ tầng và nhân lực số nên chúng tôi cũng đang quan tâm đầu tư, đào tạo để đáp ứng xu thế phát triển.
PV: Một bộ phận người dân còn ngại ứng dụng chuyển đổi số, có thể do thiếu công nghệ hoặc kỹ năng chưa đủ; thậm chí ngay cả doanh nghiệp cũng chưa mặn mà. Vậy tỉnh Cà Mau có giải pháp nào khắc phục vấn đề này thưa ông?
Ông Huỳnh Quốc Việt: Chuyển đổi số là việc chưa có tiền lệ, không có con đường và hình mẫu chung cho tất cả. Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số hiện nay là thay đổi thói quen và rào cản lớn nhất là kỹ năng số. Cà Mau xác định chuyển đổi số là để phục vụ người dân, doanh nghiệp nên chú trọng việc đưa chuyển đổi số đến với đối tượng thụ hưởng.
Thiết thực nhất là việc Cà Mau triển khai thí điểm Tổ công nghệ số cộng đồng. Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ hướng dẫn người dân biết thanh toán điện tử; đăng ký khám chữa bệnh, hồ sơ sức khỏe điện tử; sử dụng dịch vụ công trực tuyến... Chúng tôi đưa chuyển đổi số đến người dân bằng cách đi từ những nhu cầu thiết thực và tiện dụng nhất để kích thích người dân sử dụng. Hiện toàn tỉnh đã có 48/101 xã, phường, thị trấn thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng; có 364 Tổ công nghệ số cộng đồng khóm/ấp đã trực tiếp hướng dẫn cho hơn 70.600 hộ gia đình sử dụng. Tổ công nghệ số cộng đồng chính là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cấp để đưa người dân và doanh nghiệp đến với chuyển đổi số.
Để ứng dụng chuyển đổi số vào thực tiễn thành công, Cà Mau lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm. Có công dân số sẽ có xã hội số và có doanh nghiệp số thì có kinh tế số và hình thành nên chính quyền số.
Tỉnh có kế hoạch truyền thông, nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng chuyển đổi số đến người dân, doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như: tổ chức Hội nghị; các sự kiện, đặc biệt là hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia; không chỉ xây dựng các chuyên đề, chuyên mục trên các phương tiện Báo, Đài, cơ quan chức năng tỉnh còn tăng cường tuyên truyền phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số cả trên các nền tảng mạng xã hội để có sức lan tỏa rộng hơn.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành tỉnh đánh giá mức độ chuyển đổi số tại doanh nghiệp để có lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp, giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.
PV: Vậy điều gì là quan trọng nhất giúp tỉnh Cà Mau tạo đột phá trong chuyển đổi số, thưa ông?
Ông Huỳnh Quốc Việt: Như chúng ta biết, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu nhưng chưa có “công thức chung” để triển khai cho cả nước. Mỗi địa phương căn cứ vào tình hình thực tế mà có những giải pháp phù hợp. Đây là một khó khăn nhưng cũng là một điều kiện tốt để các địa phương tạo đột phá riêng cho mình.
Để tạo đột phá về chuyển đổi số trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua. Trong đó, tập trung phân tích những yếu tố có tác động mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến kết quả xếp hạng DTI của tỉnh. Đồng thời, xác định phạm vi ảnh hưởng của các chỉ số thành phần, đơn vị phụ trách triển khai thực hiện,… để từ đó đề ra giải pháp phù hợp tạo đột phá vươn lên.
Cà Mau không cứng nhắc, không rập khuôn mà từ thực tiễn điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương trên địa bàn, sẽ tiến hành xác định, xây dựng kế hoạch và lựa chọn giải pháp chuyển đổi số phù hợp để áp dụng. Chúng tôi thực hiện chuyển đổi số toàn diện nhưng không cào bằng mà xác định và giao các chỉ tiêu cụ thể, phù hợp đối với từng sở, ngành, địa phương. Tham khảo các giải pháp hay, phù hợp với địa phương từ các tỉnh thành có kinh nghiệm, xếp thứ hạng cao về chỉ số DTI để áp dụng thí điểm, từng bước hình thành phương pháp riêng cho tỉnh.
Bên cạnh đó, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Cà Mau đang tiên phong trong việc tổ chức triển khai các nền tảng số phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các phần mềm nền tảng, phân tích, kết nối và chia sẻ dữ liệu đặc biệt về dân cư, tài nguyên và môi trường; xây dựng kho dữ liệu dùng chung và kho dữ liệu mở để đưa vào vận hành, sẵn sàn kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGXP).
Tỉnh Cà Mau cũng sẽ nhân rộng Tổ Công nghệ số cộng đồng đến từng ấp để giúp người dân dễ dàng tiếp cận nền tảng công nghệ số; Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau” đữa đưa tỉnh vào tóp đầu cả nước về giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, chúng tôi sẽ tiếp tục có những giải pháp để duy trì và mở rộng quy mô triển khai.
PV: Theo ông sau một khoảng thời gian thực hiện chuyển đổi số, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau được hưởng lợi gì?
Ông Huỳnh Quốc Việt: Chuyển đổi số đã dần giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường khả năng kết nối và tiếp cận nhanh thị trường; dễ quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Sàn thương mại điện tử tỉnh Cà Mau (madeincamau.com) đến nay đã có 556 tài khoản thành viên, 80 tài khoản người bán (shop/cửa hàng), 503 sản phẩm đã đăng tải, giới thiệu mua bán trên sàn. Còn Cổng thông tin Du lịch Cà Mau (camautourism.vn) đã có 48 cơ sở lưu trú và nhiều nhà hàng đã cập nhập dữ liệu thông tin lên; trên đó cũng có rất thông tin giới thiệu về các sản phẩm du lịch để mọi người dễ dàng cập nhật.
Chuyển đổi số cũng đang giúp người dân trên địa bàn tỉnh có dễ dàng tiếp cận với thông tin, kiến thức cần thiết hơn. Nhất là người dân vùng sâu, vùng xa có cơ hội và dễ dàng tiếp cận các dịch vụ thiết thực. Cà Mau đang có ứng dụng CaMauG, trên đó tích hợp nhiều dịch vụ trực truyến cần thiết như: nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; đặt lịch, khám chữa bệnh từ xa; mua sắm, thanh toán trực tuyến; phản ánh, góp ý, hiến kế của người dân, doanh nghiệp đến chính quyền,... để người dân tiện lợi sử dụng.
Dưới góc nhìn Chính phủ số, chuyển đổi số luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm và tỉnh Cà Mau cũng vậy. Mục tiêu của hoạt động chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số đều hướng đến cải cách thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch và rút ngắn thời gian trong giao dịch, giúp người dân vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh dễ dàng tiếp cận cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí khi tham gia thực hiện thủ tục hành chính. Tỉnh Cà Mau hiện nay đã có rất nhiều dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở cấp độ 3 và 4. Điều này giúp rút ngắn khoảng cách giữa người dân và chính quyền, tăng chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nhiều hoạt động hướng đến Ngày Chuyển đổi số quốc gia
Từ ngày 9-10/10, tỉnh Cà Mau tổ chức Sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023. Sự kiện có 2 tọa đàm được tổ chức gồm: Tọa đàm thúc đẩy chuyển đổi số du lịch trên địa bàn tỉnh với chủ đề: “Chuyển đổi số du lịch tạo ra sản phẩm mới, giá trị mới”; Tọa đàm thúc đẩy chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP với chủ đề: “Chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP”. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cũng tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số. UBND tỉnh Cà Mau cũng sẽ tổ chức chương trình họp mặt Ngày Doanh nhân Việt Nam và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia.