Ông Joe Biden là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên bước sang tuổi 80
Ngày 20/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức bước sang tuổi 80 - con số mà ông không bao giờ nói trước công chúng. Khi được hỏi về việc có nên tái tranh cử vào năm 2024 hay không, ông Biden chỉ đáp lại rằng: 'Hãy quan sát tôi'.
Nhà Trắng hiện vẫn chưa tiết lộ bất kỳ kế hoạch sinh nhật ông Joe Biden, thay vào đó tập trung vào việc tổ chức đám cưới của cháu gái ông Biden.
Bản thân Tổng thống Mỹ cũng từng nói đùa về độ tuổi của ông là tỷ số 8-0. "Tôi thậm chí không thể nói mình sắp bao nhiêu tuổi," ông Biden từng nói trên MSNBC.
Đủ sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ
Một năm trước, sau khi kiểm tra sức khỏe toàn diện, các bác sĩ Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden chỉ mắc một số bệnh nhẹ và kết luận ông "khỏe mạnh, đủ sức để thực hiện thành công các nhiệm vụ trên cương vị”.
Vị tổng thống với dáng người cao, không hút thuốc hay uống rượu, vẫn tập thể dục 5 lần một tuần và không có bất kỳ mối lo ngại lớn nào về sức khỏe, kể từ khi phẫu thuật chứng phình động mạch não có thể đe dọa tính mạng vào năm 1988.
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2020 bởi Đại học Illinois, ông Biden được xếp vào nhóm “Superager” (Người già minh mẫn) - người ở độ tuổi 70, 80 nhưng có khả năng nhận thức và thể chất bằng những người trẻ hơn họ hàng chục tuổi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã cho ông Biden có tuổi thọ lý thuyết là gần 97.
Thực tế, ông Biden hiện tại được nhận xét là già hơn, mái tóc mỏng hơn và bước đi cứng nhắc hơn. Hầu hết vào cuối tuần, ông Biden thường về dinh thự riêng ở Delaware. Trong một số bức ảnh chụp chung với các nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Thủ tướng Canada Justin Trudeau, vị Tổng thống cao tuổi của Mỹ trông như “một người ông trong gia đình”.
“Jackie đâu rồi?”
Tuy nhiên, một số vấn đề y tế của ông Biden vẫn xảy ra và tạo ra những khoảnh khắc bối rối. Ông có một số lần nói vấp, nhầm lẫn số liệu hay tên các quan chức.
Tổng Mỹ Joe Biden gọi tên nghị sĩ Jackie Walorski trong hội nghị về nạn đói hôm 28/9 ở thủ đô Washington. Video: Twitter/@greg_price11
Hồi cuối tháng 9, khi đang phát biểu trước khán giả, ông Biden đã gọi tên và tìm nữ nghị sĩ bang Indiana Jackie Walorski, dường như quên rằng bà đã qua đời do tai nạn xe hơi hồi tháng 8. "Jackie à bà có ở đây không? Jackie đâu rồi?", ông hỏi ban tổ chức.
Sau khi không nhận được phản ứng, ông Biden bỏ qua điều này và không đính chính gì thêm. Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre sau đó giải thích rằng Tổng thống nhắc tới bà Walorski để "ghi nhận sự nghiệp" của bà. Bà Jean-Pierre cho biết thêm ông Biden dự định mời gia đình bà Walorski tới Nhà Trắng hôm 30/9 để cùng ký dự luật.
Tuổi tác không phải vấn đề
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng tuổi tác của một Tổng thống Mỹ sau khi tái tranh cử không hẳn là một vấn đề. Một ví dụ là Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, tái đắc cử năm 1984 ở tuổi 73, bất chấp những tranh luận về tuổi của ông.
Bên cạnh đó, có rất nhiều những quan chức Mỹ cũng phục vụ đất nước ở độ tuổi ngoài 80. Nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsburg – biểu tượng công lý và quyền bình đẳng của nước Mỹ - từng phải điều trị ung thư đại trực tràng ở tuổi 60, nhưng bà vẫn phục vụ tại Tòa án Tối cao Mỹ đến khi qua đời ở tuổi 87.
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, đảng viên Đảng Dân chủ bang California, 89 tuổi, nhưng bà ấy vẫn cố gắng nhớ tên của các đồng nghiệp và những sự việc trong các cuộc họp.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Charles E. Grassley, tiểu bang Iowa, vừa tái đắc cử ở tuổi 89 và sẽ kết thúc nhiệm kỳ ở tuổi 95. Ông Grassley thích đăng các video về các cuộc chạy bộ vào sáng sớm của mình trên Twitter và đôi khi thực hiện chống đẩy tại các sự kiện vận động tranh cử trước công chúng.
Giáo sư Lisa Berkman tại Trường Y tế Công cộng Harvard (tại Đại học Harvard), người nghiên cứu về sức khỏe và lão hóa, nhận định: “Đa số những người ở độ tuổi 80 thường gặp vấn đề giảm sút sức khỏe. Tuy nhiên, cũng có những người vẫn đang làm rất tốt công việc của họ, tạo ra những đóng góp quan trọng và có khả năng tiếp tục làm việc trong 10 năm nữa”.
Trong khi đó, ông Jay Olshansky, một nhà dịch tễ học tại Đại học Illinois, cho biết việc nghĩ rằng làm tổng thống khiến một người già đi là một quan niệm sai lầm.
Theo ông, trên thực tế, các cựu tổng thống có xu hướng sống lâu hơn, như một phân tích mà ông công bố năm 2011. Dẫn chứng có thể đưa ra là cựu Tổng thống Jimmy Carter, người vẫn có các hoạt động tích cực ở độ tuổi 90, vừa bước sang tuổi 98 vào tháng trước. Trong khi đó, cựu Tổng thống George HW Bush đã 94 tuổi khi ông qua đời vào năm 2018.