Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề nghị hướng dẫn thủ tục lập hãng bay
Chủ tịch của IPP Air Cargo vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT hướng dẫn các bước chuẩn bị và thủ tục lập hãng hàng không để sẵn sàng khi thị trường mở cửa vào năm 2022.
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), doanh nhân này chia sẻ mong muốn được cơ quan này hướng dẫn các thủ tục thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa.
Chủ tịch của IPP Air Cargo khẳng định hoàn toàn đồng tình với quyết định của Cục Hàng không và Bộ Giao thông Vận tải khi không cấp phép cho hãng bay mới cho tới khi kiểm soát được dịch Covid-19 và thị trường hàng không nội địa phục hồi.
Chiến lược của IPP Air Cargo là thành lập một hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa. Mục tiêu của hãng là góp phần tăng giá trị cạnh tranh của các hãng hàng không hàng hóa của Việt Nam trên các đường bay quốc tế.
Ông cho rằng việc này sẽ góp phần vào sự phát triển chung của ngành hàng không Việt Nam cũng như góp phần bình ổn giá cước vận chuyển hàng hóa, ổn định chi phí hàng hóa, nguyên vật liệu, giảm thiểu việc ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, nguy cơ lạm phát và góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế.
Trong lúc chờ thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022), IPP Air Cargo đề xuất Bộ GTVT có văn bản hướng dẫn các thủ tục xin cấp phép bay và các công tác chuẩn bị về điều kiện an toàn bay theo quy định hiện hành.
Sau khi nhận được văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT, doanh nghiệp sẽ khẩn trương hoàn thành các bước chuẩn bị và thủ tục để xin cấp phép theo quy định trong năm 2022.
Trước đó, ông chủ của IPP Air Cargo thông tin đã đạt thỏa thuận mua 10 chiếc Boeing 777 Freighter trị giá 3,5 tỷ USD để lập hãng bay chở hàng sau dịch.
Chia sẻ với Zing, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết số máy bay này là đặt hàng trước và khi được cơ quan chức năng cấp phép, IPP Air Cargo sẽ có sẵn đội bay hùng hậu để triển khai kinh doanh, đồng thời đưa hãng bay này thành hãng hàng không vận tải hàng hóa lớn bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á.
"Chúng tôi mua không phải để bay luôn vì đặt hàng xong cũng phải 2 - 3 năm nữa mới nhận bàn giao máy bay. IPP Air Cargo cũng hướng tới mua mới dòng Boeing 777 Freighter để làm lớn ngay từ đầu thay vì sử dụng các dòng máy bay vận tải hành khách tháo ghế hoán cải thành máy bay chở hàng", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói với Zing.
Vào đầu tháng 3, công ty CP IPP Air Cargo do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ ngành liên quan xem xét chủ trương thành lập hãng hàng không chở hàng hóa phạm vi nội địa và quốc tế.
Dự án hãng hàng không chở hàng IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư theo hồ sơ là 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động. Cũng theo hồ sơ, hãng sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng trong năm đầu tiên hoạt động. Đến năm thứ 2, đội bay của hãng sẽ tăng lên 7 chiếc và năm thứ 3 tăng lên 10 chiếc.
IPP Air Cargo cho biết hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa vào năm đầu tiên, doanh thu đạt 71 triệu USD. Dự kiến đến năm thứ 4 kinh doanh, doanh nghiệp sẽ có lãi. Doanh nhân này mong muốn IPP Air Cargo sẽ giành lại thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế tại Việt Nam khi phần lớn thị phần đang trong tay các hãng bay nước ngoài.