Ông Ka Tư làm kinh tế giỏi ở Krăng Chớ

Với sự nhạy bén, tinh thần dám nghĩ, dám làm, từ một hộ nghèo, ông Ka Tư ở thôn Krăng Chớ (xã Ka Đơn) nay không chỉ thoát được nghèo mà còn 'đổi đời' làm giàu nhờ dịch vụ cho thuê máy móc nông nghiệp.

Ông Ka Tư bên chiếc máy cày của gia đình

Ông Ka Tư bên chiếc máy cày của gia đình

“Đổi đời” nhờ “liều”

Trong căn nhà lớn khang trang đầy đủ tiện nghi, ông Ka Tư (sinh năm 1965) cười chia sẻ: “Ngày xưa gia đình tôi nghèo nhất làng, có được những thứ như ngày hôm nay là nhờ “dám nghĩ, dám liều”. Ông cho biết, những năm về trước, lúa ở Ka Đơn còn nhiều nhưng bà con ở thôn làm không mấy hiệu quả vì đều làm nông nghiệp theo kiểu truyền thống.

Ở Krăng Chớ, bà con đều là đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu biết còn hạn chế, họ cho rằng nếu dùng máy móc, động lúa, lúa sẽ không về. “Tôi là người K’Ho, nhưng nhờ đi nhiều nên biết điều đó là không đúng. Chính những lần đi Bình Thuận, Phan Rang tôi thấy nông dân họ đều dùng máy móc hỗ trợ, không những đỡ tốn công sức mà còn giúp tăng năng suất, tăng thu nhập” - ông Ka Tư nói. Ban đầu, ông chỉ ý định đầu tư mua máy để phục vụ cho sản xuất của gia đình, nhưng khi nhận thấy máy móc nông nghiệp có giá thành khá cao, không phải ai cũng có thể đầu tư mua máy riêng, nhận thấy cơ hội kinh doanh, ông quyết định đầu tư mua máy móc để cho thuê.

Thời điểm đó, ông gọi là “liều”, bởi đầu tư máy móc sản xuất nông nghiệp cần số vốn lớn trong khi đó gia đình ông rất nghèo. Để có vốn đầu tư làm ăn, ông Ka Tư quyết định thế chấp tài sản vay ngân hàng để mua máy. “Vợ tôi khi đó thấy số tiền vay nhiều quá, nhà thì nghèo không biết có trả được hay không nên cũng rất sợ, nhưng tôi vẫn làm vì nghĩ sẽ có hiệu quả” - ông cười.

Sau khi tính toán chắc chắn, người nông dân này đã quyết định đến ngân hàng thế chấp vay 300 triệu đồng để mua 2 máy cày cỡ trung. Ban đầu, khi máy về, mọi người đều lấy làm lạ, không ai dám thuê. Thấy vậy, ông dùng máy cày cho gia đình, có máy làm đỡ vất vả, tiết kiệm thời gian hơn, vụ mùa năm đó gia đình ông bội thu hơn nhiều.

Ông Ka Tư cũng dành thời gian để giải thích cho bà con hiểu việc sử dụng máy móc làm nông nghiệp lợi như thế nào. Chỉ sau một thời gian, khi nhìn thấy gia đình ông sản xuất hiệu quả nhờ máy móc, bà con xung quanh cũng dần gạt bỏ hồ nghi “có máy lúa không về”, mọi người cũng bắt đầu thuê máy của ông về để tăng gia sản xuất. “Bỏ đi suy nghĩ lạc hậu, nhờ áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp bà con ở thôn cũng đã giảm bớt vất vả, bảo đảm thời vụ, có thu nhập cao hơn, cuộc sống đỡ khó khăn hơn nhiều” - ông Ka Tư nói.

Nỗ lực vươn lên

Không dừng lại ở đó, sau một thời gian có khoản vốn, để mở rộng kinh doanh, phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp của bà con ở địa phương, ông Ka Tư lại tìm tòi ngược xuôi xuống Long An để học hỏi kinh nghiệm, sau đó đầu tư mua thêm máy gặt liên hợp, máy cày cỡ lớn và máy đào cỡ nhỏ với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

Từ hai bàn tay trắng, nhờ sự nhạy bén của mình, ông Ka Tư nay không chỉ thoát nghèo mà còn “đổi đời” làm giàu. Đến thời điểm hiện tại, gia đình ông sở hữu 2 máy cày cỡ trung, 1 máy gặt liên hợp, 1 máy cày lớn và 1 máy múc đất. Với số lượng máy nông nghiệp này, ông không chỉ cho thuê máy trong khu vực địa phương mà còn phục vụ sản xuất cho bà con ở huyện Lâm Hà và các khu vực khác.

“Bây giờ đã có nhiều người cho thuê máy móc nông nghiệp, nhưng bà con vẫn thích thuê mình hơn vì mình uy tín, lấy giá rẻ và làm việc có trách nhiệm. Những gia đình có điều kiện khó khăn chưa có tiền để trả công tôi cho thiếu, khi xong vụ mùa có tiền thì trả cũng được, vậy nên họ quý” - ông Ka Tư cười.

Ngoài cho thuê máy móc nông nghiệp, ông còn dành 2 ha đất để đầu tư nhà kính, nhà lưới trồng hồng môn, cà chua, ớt… Nhờ thường xuyên học hỏi, nắm bắt kỹ thuật sản xuất nên mô hình trồng rau nông nghiệp công nghệ cao của gia đình ông cho năng suất, thu nhập ổn định. Ngoài ra, ông còn tạo công ăn việc làm cho 6 lao động với mức lương gần 6 triệu đồng/tháng. Trừ hết chi phí, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình ông Ka Tư khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Ka Tư còn là hội viên nông dân gương mẫu, nhiệt tình. Ở thôn, bất kể mưa nắng hay đêm muộn, hễ ai đau bệnh nặng, có người nhờ là ông đều lấy ô tô chở người bệnh lên thành phố để chữa trị. Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên giúp đỡ các hộ khó khăn về vốn, vật tư, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các hộ làm nông nghiệp, tự lực vươn lên thoát nghèo.

Nói về ông Ka Tư, ông Dương Văn Chí - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ka Đơn nhận xét, ông Ka Tư là người có uy tín tại địa phương, có tinh thần lao động hăng say, sự nhạy bén trong kinh doanh, là tấm gương người đồng bào làm kinh tế giỏi, vượt khó làm giàu ở địa phương. Không chỉ vậy, ông còn nhiệt tình đóng góp tiền bạc, ngày công để xây dựng nông thôn mới và trở thành tấm gương tiêu biểu để bà con trong vùng học hỏi, noi theo.

NHẬT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202012/ong-ka-tu-lam-kinh-te-gioi-o-krang-cho-3036710/