Ông Kền làm giàu từ trồng cây ăn trái

Ông Tô Đình Kền (phải) giới thiệu vườn cây ăn trái trồng theo hướng hữu cơ của gia đình tại xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh. Ảnh: NGỌC HÂN

Với cách làm sáng tạo, ông Tô Đình Kền (SN 1958), ở thôn Tân Lập, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh đã tạo dựng được trang trại vườn cây ăn trái hữu cơ cho thu nhập cao, ổn định, trở thành điểm tham quan học tập kinh nghiệm của người dân trong vùng.

Hiện khu vườn trồng cây ăn trái của gia đình ông Kền được chọn làm mô hình vườn mẫu nông thôn mới của địa phương nhờ cách bố trí, sắp xếp khoa học, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Xây dựng vườn cây ăn trái hữu cơ

Đưa chúng tôi tham quan khu vườn rộng gần 24ha trồng hơn 30 loại cây ăn trái các loại đang đến mùa thu hoạch, ông Tô Đình Kền kể: Khu vườn này trước đây là vùng đất đồi hoang hóa, khó trồng trọt nhưng tôi đã cật lực đào xới, cải tạo đất và bắt đầu trồng cây từ năm 2016. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, đa cây, lấy cây này nuôi cây kia, ban đầu tôi mua vài trăm cây ổi, mãng cầu, đu đủ, thanh long về trồng thử nghiệm. Nhận thấy thổ nhưỡng ở vùng đất Tân Lập phù hợp với các loại cây ăn trái, tôi tiếp tục đầu tư trồng bưởi da xanh, nhãn, bơ, sầu riêng, dừa, mít, cam… Mỗi loại, tôi đều trồng nhiều giống khác nhau nhằm tạo sự đa dạng, phong phú.

Để vườn cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, ngay từ đầu, ông Kền đã chọn phương pháp trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, sinh học, khi cây ra trái sẽ bọc từng trái non để tránh bị sâu bọ và các loại côn trùng tấn công. Chia sẻ kinh nghiệm trồng các loại cây, ông Kền cho biết: “Đầu tiên phải chọn được cây giống tốt. Trước khi trồng, phải làm tơi xốp đất, đào hố rộng 60cm, sâu 50cm, sau đó bón lót cho mỗi hố khoảng 20-25kg phân chuồng ủ hoai mục trộn đều với đất. Khoảng cách trồng cách nhau 2,5-3m. Tiếp đó, trong quá trình phát triển của cây, bón thêm phân lân, NPK, vôi bột. Tưới nước đầy đủ cho cây, nhất là vào mùa khô nóng. Bên cạnh đó, tiến hành cắt tỉa cành bị sâu bệnh, cành già, bấm ngọn để tạo tán cho cây”.

Nhờ chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây ăn trái của gia đình ông luôn đạt sản lượng cao, được thị trường đón nhận. Theo tính toán của ông Kền, trong 2 năm qua, mỗi năm vườn cây ăn trái cho thu hoạch khoảng 150 tấn các loại, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. “Tôi rất vui vì bưởi da xanh và ổi của gia đình tôi vừa được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đầu tháng Chạp, nhiều thương lái đã đến vườn đặt mua các loại trái cây chuẩn bị bán tết, không phải lo đầu ra tiêu thụ. Vụ tết này, vườn nhà tôi sẽ bán được 9 tạ bưởi và 4 tạ ổi với giá cao hơn ngày thường từ 10.000-15.000 đồng/kg...”, ông Kền phấn khởi nói.

Phát triển vườn mẫu gắn với du lịch

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Bình Đông Nguyễn Đình Cường, trước đây, ở Tân Lập, bà con chỉ biết trồng sắn, lúa rẫy nên đời sống kinh tế vô cùng khó khăn. Việc ông Kền mạnh dạn đầu tư trồng các loại cây ăn trái đã giúp cho bà con trong vùng có thêm một sự lựa chọn mới trong làm kinh tế trên vùng đất đồi.

“Mô hình vườn cây ăn trái của ông Kền không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn tạo công ăn việc làm cho 6 thanh niên ở địa phương. Hiện trang trại của ông được chọn làm mô hình vườn mẫu nông thôn mới của địa phương nhờ cách bố trí, sắp xếp khoa học, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong tương lai, mô hình này hứa hẹn sẽ phát triển và được nhân rộng, đem đến những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”, ông Cường cho hay.

Để xây dựng thành công vườn mẫu, hướng đến tiêu chí xanh - sạch - đẹp, giúp môi trường sống vùng nông thôn được cải thiện đáng kể, hiện mô hình vườn cây ăn trái của ông Kền được quy hoạch xây dựng rất bài bản, đầu tư mua các loại máy làm đất, cắt cỏ và lắp đặt hệ thống tưới tự động. Mỗi loại cây được trồng riêng một khu, ở giữa có lối đi rộng được đổ bê tông để tiện chăm sóc, bón phân, thu hoạch.

“Nhờ mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cây trồng, thu nhập của gia đình đã tăng gấp đôi, gấp ba so với những năm trước đây, bình quân mỗi năm thu về hơn 700 triệu đồng. Chỉ khoảng 2-3 năm nữa, dự kiến khu vườn này sẽ mang lại tiền tỉ mỗi năm. Được sự hỗ trợ của địa phương, tôi đang tiếp tục đầu tư thêm khu vườn trồng rau sạch, vườn măng tre, khu nuôi cá nước ngọt và chuồng chăn nuôi… để kết hợp phát triển du lịch miệt vườn”, ông Kền cho biết thêm.

Ông Tô Đình Kền là tấm gương điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông là người ham học hỏi, cần cù, chịu khó và luôn tìm hướng đi mới để nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, ông Kền còn chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn trái cho nhiều hộ dân khác ở địa phương. Thời gian tới, Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ông Phạm Văn Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/292085/ong-ken-lam-giau-tu-trong-cay-an-trai.html