Ong khỏe, mật ngon nhờ... 'cắp sách' đi học kỹ thuật!
Thời gian qua, nông dân Can Lộc đã triển khai nhiều mô hình nuôi ong lấy mật, song, do nuôi không đúng quy trình nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi, năng suất, chất lượng không thua các vùng nuôi nổi tiếng khác ở Hà Tĩnh.
Theo chân cán bộ nông nghiệp xã Gia Hanh, chúng tôi được “mục sở thị” vườn ong của gia đình ông Trần Văn Huy – một hộ nuôi ong lấy mật khá lâu năm của thôn Trung Ngọc. Sau khi tách đàn bán giống, hiện gia đình ông Huy có trên 20 đàn ong, cho thu hoạch đều đặn mỗi tháng một lần.
Bà Phạm Thị Giáo (vợ ông Huy) chia sẻ: “3 năm trở lại đây, khi giá trị của mật ong nâng lên, chúng tôi đã xác định phát triển nghề nuôi ong hàng hóa. Ông nhà tôi đã đi Vũ Quang, Hương Khê… học hỏi kinh nghiệm, quy trình nuôi ong theo khoa học, cách chăm sóc, phòng bệnh ong như thế nào cho đúng chuẩn. Kết hợp với sách báo, đến nay, lứa nuôi nào cũng khỏe mạnh, cho lượng mật nhiều và chất lượng thơm ngon”.
Từ khi tham gia HTX Nuôi ong lấy mật xã Gia Hanh, được “cầm tay chỉ việc” về các biện pháp nuôi ong hiện đại, “tay nghề” của ông Nguyễn Văn Trình (thôn Kim Sơn) đã khá lên hẳn.
Ông Trình cho hay: “Nuôi ong khá nhẹ nhàng nhưng để cho hiệu quả kinh tế cao đòi hỏi phải áp dụng khoa học kỹ thuật. Có vậy, ong mới khỏe, mật mới ngon được. Mùa nắng, cứ 20 – 25 ngày thì cho thu hoạch, còn mùa này thì khoảng 1 tháng ong cho mật. Đầu năm lại nay, gia đình tôi đã thu về khoảng 120 lít mật ong, trị giá 48 triệu đồng”.
Ông Phan Văn Cường – Chủ tịch UBND xã Gia Hanh cho biết: Với đặc thù địa hình vùng núi, xã đã xác định đưa nuôi ong thành nghề sản xuất hàng hóa. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp, tháng 7/2019, HTX Nuôi ong lấy mật Gia Hanh – HTX nuôi ong đầu tiên của huyện Can Lộc ra đời với 29 thành viên. Chúng tôi đã tổ chức đi tham quan các mô hình nuôi ong nổi tiếng tại Vũ Quang, Hương khê và mời các “chuyên gia nuôi ong” trên đó xuống trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân.
Bước đầu, xã hỗ trợ 50 đàn ong giống, trị giá 50 triệu đồng cho HTX để có nền tảng phát triển. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn gắn trách nhiệm cho từng cán bộ xã với việc hình thành mô hình nuôi ong để làm gương cho nông dân. Đến nay, các hộ nuôi đều đã cho thu hoạch, chất lượng mật tốt, được thị trường đón nhận với giá thành khá cao”.
Bên cạnh Gia Hanh, xã Thượng Lộc hiện là địa phương có quy mô đàn ong lớn nhất huyện Can Lộc.
Ông Nguyễn Xuân Diệu – Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho hay: “Toàn xã hiện có trên 80 hộ nuôi hơn 476 đàn ong, có những hộ nuôi trên 100 đàn. Nhờ nắm vững kỹ thuật, hộ nuôi không những chủ động trong thu hoạch mà còn cho nguồn thu đáng kể từ việc bán giống. Chỉ tính riêng mật ong, doanh thu mỗi năm của xã đạt khoảng 1,1 tỷ đồng”.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Can Lộc Phan Văn Tiếu cho biết: Ngoài Gia Hanh, Thượng Lộc, nuôi ong lấy mật đã trở thành hướng làm giàu của nông dân các xã Mỹ Lộc, Thường Nga, Phú Lộc... Mật ong trà sơn Can Lộc được kết tinh từ các loại hoa chanh, cam, bưởi, keo, tràm..., cho hương thơm đặc trưng, thơm ngon không thua kém mật ong của các vùng nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Để tiếp tục phát triển nghề nuôi ong theo chiều sâu, Hội Nông dân các cấp sẽ hỗ trợ vay vốn, đào tạo kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm để cho hiệu quả cao nhất”.
Thu Phương - Phan Trâm