Ông Khuất Việt Hùng: Xử lý mũ bảo hiểm rởm không khó, vấn đề là quyết tâm
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG Khuất Việt Hùng, việc xử lý MBH giả không khó, vấn đề lực lượng chức năng có quyết tâm hay không?
Ai chịu trách nhiệm chất lượng MBH?
Đại học Y tế công cộng và Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP) vừa công bố có đến gần 90% mũ bảo hiểm (MBH) ở TP HCM và Thái Nguyên không đạt chất lượng. Ông nhìn nhận về vấn đề này thế nào?
Trong các giải pháp giảm thiểu thiệt hại về người do tai nạn giao thông xảy ra đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy thì chất lượng MBH giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
“
Với giới trẻ thì MBH phải phù hợp với thị hiếu của giới trẻ. Những nhà thiết kế thời trang hay sản xuất mũ có vẻ ít quan tâm đến vấn đề này. Chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến thị hiếu, thời trang để làm sao MBH vừa đạt chuẩn chất lượng vừa có màu sắc, trang trí, kiểu dáng phù hợp với thị hiếu các nhóm tuổi khác nhau.
Ông Khuất Việt Hùng
”
Mặc dù mẫu nghiên cứu chỉ ở hai địa phương nhưng kết quả này giống như một cảnh báo và cũng là tiền đề để cơ quan chức năng tiến hành khảo sát ở một quy mô, cỡ mẫu đủ lớn để trên cơ sở đó có thể khẳng định một cách khách quan, khoa học về chất lượng MBH cho người đi mô tô, xe máy được người dân sử dụng hiện đang ở mức độ nào.
Đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, bên cạnh những giải pháp ngăn ngừa không xảy ra tai nạn giao thông thì hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đặc biệt quan tâm đến những giải pháp giảm thiểu thương vong.
Đối với Việt Nam có số lượng lớn người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, nếu đảm bảo được chất lượng MBH theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, con số thương vong, thiệt hại về người và tài sản sẽ giảm thiểu nếu không may xảy ra tai nạn giao thông.
Chúng ta đã thực hiện quy định đội MBH hơn 10 năm nay, tuy nhiên thực tế là MBH kém chất lượng đã xuất hiện ngay từ những ngày đầu tiên. Vì sao thực trạng này tồn tại dai dẳng mà không được giải quyết?
Tôi cho rằng, chưa có sự vào cuộc của cơ quan chức năng chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Tôi khẳng định mũ lưỡi trai không phải là MBH cho người đi mô tô, xe máy. Những người đội loại mũ này hay mũ bảo hộ lao động, bất kỳ mũ nào mà không có thông tin sản phẩm rõ ràng là MBH dành cho người đi mô tô, xe máy khi đang tham gia giao thông thì phải coi như đang không đội MBH và phải bị xử phạt theo quy định.
Công tác hậu kiểm bị thả nổi
Nhưng hiện chưa có hành lang pháp lý để xử phạt hành vi này?
Theo quy chuẩn quốc gia phải ghi rõ đây là MBH dành cho người đi mô tô, xe máy, ghi bên trong MBH, thể hiện bằng tem và những thông tin cần thiết liên quan đến đơn vị sản xuất.
Những loại mũ không ghi là MBH dành cho người đi mô tô, xe máy mà ghi là mũ khác như mũ thể thao hay không ghi gì thì tuyệt đối đấy không phải là MBH dành cho người đi mô tô, xe máy. Như vậy, khi đội các loại mũ đó tham gia giao thông thì cần phải khẳng định đó là hành vi không đội MBH. Không phải chúng ta không có quy định. Xử lý MBH giả không khó, vấn đề có quyết tâm thực hiện quy định đó hay không?
Ông đã có đề xuất đúc nổi chữ MBH dành cho người đi mô tô, xe máy đối với mũ sản xuất ở Việt Nam để lực lượng chức năng dễ nhận biết?
Nếu làm được điều này, tôi chắc chắn người mua và người bán không thể nào nhầm được các loại mũ thể thao hay mũ lưỡi trai với mũ bảo hiểm. Người thực thi nhiệm vụ nhìn có thể thấy ngay mà không cần phải dừng xe bỏ mũ ra để nhìn tem. Lực lượng đấu tranh phòng chống gian lận thương mại ngay lập tức có thể xử lý được nếu người bán mũ không đạt chuẩn.
Sản xuất mũ không phải MBH như mũ lưỡi trai mà đúc nổi dòng chữ này thì được xem như sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và có thể xử lý ngay. Như vậy, sẽ cơ bản loại được mũ lưỡi trai ra khỏi thị trường MBH cho người đi mô tô, xe máy.
Có một thực tế là chúng ta đã đưa ra quy định nhưng việc kiểm soát chất lượng MBH hầu như không được chú ý?
Đã có bao nhiêu lần các cơ quan chịu trách nhiệm hậu kiểm làm việc này? Nhà sản xuất mang đến chứng nhận hợp quy, sau đó họ về sản xuất chất lượng thế nào không có ai hậu kiểm. Vấn đề hậu kiểm chất lượng sản xuất mũ là câu hỏi cần câu trả lời.
Tôi cũng đã chia sẻ với lực lượng CSGT, họ nói rất có lý khi bản thân họ không có đủ điều kiện, trình độ và nghiệp vụ để phân biệt mũ thật giả. Phải có lực lượng chuyên môn làm việc này. Những trường hợp đội mũ giả đi trên đường CSGT không kiểm tra được không phải là nhỏ.
Tôi cho rằng, trách nhiệm này thứ nhất thuộc cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm về đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thứ hai cơ quan là đấu tranh phòng chống gian lận thương mại và làm hàng giả. Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát chất lượng MBH cũng đã giao cụ thể ở đây là Bộ Công thương.
Cần phải có quyết tâm mạnh mẽ từ trên xuống, chắc chắn rằng lực lượng CSGT cũng như các lực lượng chức năng khác tham gia sẽ thực hiện nghiêm túc. Tất nhiên trong thực hiện có vấn đề này khác nhưng vấn đề là chúng ta có quyết tâm hay không.
Mua MBH giả là lừa dối bản thân
Có ý kiến cho rằng, khi xảy ra tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng chết người hay chấn thương trên 60% do đội MBH kém chất lượng có thể truy ngược quy trách nhiệm hình sự đối với nhà sản xuất, ông nghĩ sao?
Vướng mắc nhất hiện nay trong quy định pháp luật về thống kê và phân tích tai nạn giao thông không có quy định thống kê và phân tích mức độ thương vong sau tai nạn do các nguyên nhân là không đội MBH, MBH không đạt chất lượng.
Đây chính là lỗ hổng, khi không có trong quy định của pháp luật nó sẽ không trở thành bằng chứng chống lại người vi phạm. Khi có quy định, lực lượng chức năng mới thu thập số liệu, thu thập bằng chứng về vấn đề này. Từ đó mới đem ra để xử lý trách nhiệm của các đơn vị cá nhân liên quan.
Hiện Bộ Công an đang sửa đổi Thông tư về thống kê và cung cấp thông tin tai nạn giao thông. Ở đây không chỉ là thống kê nguyên nhân xảy ra tai nạn mà cần đi sâu hơn những nguyên nhân gây thương tích, tử vong. Khi có quy định, MBH giả mới trở thành tang vật, vật chứng của vụ việc và mới xử lý được.
Bên cạnh việc buông lỏng của lực lượng chức năng, ông có cho rằng chính việc mua MBH của người tham gia giao thông cũng vô tình tiếp tay cho MBH giả hoành hành?
Nhận thức là một quá trình, khi thực hiện quy định bắt buộc đội MBH làm cho người ta phải thêm một khoản chi phí, phải thêm một động tác, thêm một sự quan tâm.
Chúng ta thường có câu “Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”, nếu họ chưa bị phạt, họ chưa từng chứng kiến hay tự mình trải qua một hậu quả của việc đội MBH giả hay không đội MBH khi tham gia giao thông thì bản thân họ chưa thực sự có bài học sâu sắc.
Bên cạnh đó, thói quen tuân thủ pháp luật chưa thành một dạng văn hóa thì việc người ta đối phó là điều dễ hiểu. Thực tế những người đi mô tô, xe máy nếu nói không đủ điều kiện mua MBH đạt chuẩn là không có.
Nếu so sánh, MBH giả cũng như là thuốc giả, khi người dân không tự ý thức mà mua MBH giả dùng cũng tương tự như mua thuốc giả để trị bệnh?
Điều này khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Có một bộ phận còn mua bằng lái xe giả, người ta biết thừa rằng đó là giả thực sự. Hay có bộ phận mua bằng đại học, thậm chí bằng bác sỹ giả. Khi nói đến thuốc giả người ta rất sợ vì họ không biết được nó và họ nghĩ rằng có thể chết ngay vì nó.
Tuy nhiên, khi nói đến các thứ giả khác họ có ứng xử khác ngay, MBH giả là một ví dụ. Thậm chí họ biết rằng, mũ đó không phải MBH nhưng vẫn đội và nếu như bị xử lý sẽ tranh cãi. Đội MBH giả đơn thuần là họ lừa dối chính bản thân. Khi đến GPLX giả, một phần lừa dối bản thân, phần thứ hai là lừa dối xã hội, gây nguy cơ mất an toàn cho người khác.
Trong xã hội luôn tồn tại các đối tượng như vậy, nếu xử lý quyết liệt việc này sẽ giảm. Khi đi mua MBH người dân chỉ cần nói với người bán hàng bán cho tôi MBH đạt chuẩn. Khi đó giá mũ cũng sẽ khác. Tuy nhiên, tôi cho rằng, dù giá thế nào đi chăng nữa cũng không sánh được với sức khỏe, sinh mạng của người đội.
Ở góc độ cá nhân, ông thường giáo dục con mình thế nào về đội MBH khi tham gia giao thông?
Từ khi con tôi còn bé tôi đã mua và đội MBH đạt chuẩn cho các cháu, có cháu 17 tuổi đi xe máy 50cc, tôi cũng đã huấn luyện, hướng dẫn đảm bảo an toàn giống như một người điều khiển mô tô, xe máy bình thường. Con tôi đã có một bài học, khi cháu đi xe chỉ có duy nhất một chiếc mũ nhưng khi chở bạn lại nhường mũ cho bạn đội, sau đó bị CSGT xử lý. Mãi sau đó cháu mới nói bố mua thêm cho một cái mũ, trên xe của cháu lúc nào cũng có hai mũ để phòng khi chở bạn đi nhờ.