Ông Kim và ông Trump sẽ nối lại đàm phán sau cuộc gặp tại khu phi quân sự liên Triều
Mỹ và Triều Tiên đã nhất trí nối lại đàm phán hạt nhân sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm thuộc khu phi quân sự liên Triều (DMZ) phân chia ranh giới Triều Tiên và Hàn Quốc.
Chiều hôm nay, 30-6, theo giờ địa phương, Tổng thống Donald Trump đã vui vẻ bước qua đường ranh giới quân sự ở khu DMZ liên Triều, chính thức trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đi vào lãnh thổ Triều Tiên.
Phát biểu sau khi bước vào lãnh thổ Triều Tiên, ông Trump nói: “Bước qua đường ranh giới này là một vinh hạnh lớn”.
Đáp lời, ông Kim nói rằng: “Tôi không ngờ lại gặp ngài ở nơi này”.
Khi được các phóng viên Mỹ phỏng vấn, ông Kim khen ngợi ông Trump đã thực hiện một chuyến thăm "can đảm". “Tôi tin rằng đây là một hành động bày tỏ sự sẵn sàng của ông ấy nhằm xóa bỏ tất cả quá khứ đau buồn (giữa hai nước) và mở ra một tương lai mới”, ông Kim nói.
Sau đó, ông Kim Jong Un bước qua phía bên kia biên giới thuộc lãnh thổ Hàn Quốc để dự cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump ở Nhà Tự do ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm.
Ông Kim cho biết cuộc gặp ở khu DMZ là biểu tượng cho mối quan hệ đang nồng ấm giữa Mỹ và Triều Tiên. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng với cuộc gặp diễn ra tại đây giữa lãnh đạo của hai nước có quá khứ thù địch, chúng tôi đã chứng tỏ với thế giới rằng chúng tôi có một cuộc gặp tích cực hướng về phía trước”.
Cuộc gặp diễn ra bất ngờ. Hôm 29-6, ông Trump đã viết trên Twitter về lời mời này.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng cuộc gặp mang đến “hy vọng lớn cho mọi người”. Ông Moon nói thậm chí một cái bắt tay và cuộc gặp ngắn ngủi giữa Donald Trump và Kim Jong Un cũng sẽ là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Hàn Quốc cho biết ông tràn ngập cảm xúc về cuộc gặp ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Ông cho rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đã rất can đảm. “Tôi hy vọng Tổng thống Trump sẽ đi vào lịch sử với tư cách là tổng thống Mỹ đạt được hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”, ông cho biết thêm.
Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp kéo dài 50 phút với Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump nói Mỹ và Triều Tiên nhất trí thành lập các nhóm để nối lại đàm phán hạt nhân giữa hai nước trong vòng vài tuần tới. Ông Trump hy vọng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận toàn diện nhưng cho rằng không cần phải vội vã.
Ông cho biết các biện pháp trừng phạt Triều Tiên vẫn được giữ nguyên và để ngỏ khả năng dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt như là một phần của các cuộc đàm phán sắp tới khi nói rằng: “Ở một giai đoạn nào đó trong quá trình đàm phán, mọi thứ có thể xảy ra”.
Ông Trump cũng tiết lộ khi chào tạm biệt ông Kim, ông đã ngỏ ý mời nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Washington trong quá trình đàm phán.
Trong nỗ lực giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Donald Trump và Kim Jong-un đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore hồi năm ngoái. Đây là cuộc gặp lần đầu tiên giữa một nhà lãnh đạo Triều Tiên và một tổng thống Mỹ đương nhiệm. Cuộc gặp thượng đỉnh đó đã dẫn đến một thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên với nội dung dài dòng và mập mờ. Vì vậy, hai bên quyết định dự cuộc gặp thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội hồi tháng 2 nhưng rốt cục, cuộc gặp này kết thúc đột ngột mà không có bất kỳ thỏa thuận nào thêm.
Cuộc gặp lần này ở khu DMZ là một tuyên bố mạnh mẽ về hình ảnh về quyết tâm của hai nước nhằm giải giáp hạt nhân và mang lại hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Khu DMZ liên Triều có chiều rộng 4km, dài 250km là ranh giới tiền tuyến được thiết lập khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953 bằng một thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải là một hiệp định hòa bình. Khu DMZ được mô tả là biên giới Chiến tranh lạnh cuối cùng của thế giới.
“Cuộc gặp tuy ngắn ngủi nhưng có tác động lớn vì khu DMZ liên Triều là biểu tượng của căng thẳng quân sự giữa Triều Tiên và Mỹ”, Koh Yu-hwan, Giáo sư ở Đại học Dongguk ở Seoul, nói.
Phó Giáo sư John Delury ở Đại học Yonsei ở Seoul nhận định, cuộc gặp tại một khu vực hiện thân cho vết thương chưa lành của sự chia rẽ sau chiến tranh thế giới thứ hai, chiến tranh Triều Tiên và 70 năm thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên “sẽ giúp cải thiện mối quan hệ Mỹ-Triều”.
Theo AP, Guardian
Chánh Tài