Ông Kính mê đờn ca tài tử

NNƯT Phan Thanh Kính giao lưu đờn ca tài tử tại Bạc Liêu. Ảnh:MẠNH HOÀI NAM

Ông Phan Thanh Kính ở thôn Mỹ Thạnh Trung 1 (huyện Tây Hòa) mê cải lương từ nhỏ. Ông thành lập CLB đờn ca tài tử, trải qua thời gian dài, tiếp lửa niềm đam mê cải lương cho đến hôm nay.

Là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, ông Phan Thanh Kính đang sinh hoạt tại Chi hội Sân khấu. Từ việc giữ nghề và truyền nghề cải lương, đờn ca tài tử, ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT).

Giọng ca say đắm

Trên hành trình đi thực tế sáng tác tại các tỉnh phía Nam, đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên có dịp giao lưu với văn nghệ sĩ Đồng Tháp tại TP Cao Lãnh. NNƯT Phan Thanh Kính hát cặp với NSƯT Hải Yến, người từng đoạt 4 HCV cá nhân tại các hội thi về loại hình sân khấu cải lương toàn quốc, trích đoạn tân cổ Tình anh bán chiếu, với giọng ca có lúc cao vút kèm sự luyến láy, có lúc trầm, lắng đọng… NSƯT Hải Yến chia sẻ: Qua giọng ca của anh Thanh Kính mới biết ở Phú Yên cũng có người hát cải lương với chất giọng ngọt ngào, sâu lắng…

Tại tỉnh Bạc Liêu, sau khi tham quan Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu - tác giả của bài Dạ cổ hoài lang nổi tiếng, đoàn đã có buổi giao lưu với các nghệ sĩ ở cái nôi đờn ca tài tử của miền Tây Nam Bộ. Tại đây, với bài tân cổ, nông dân, NNƯT Phan Thanh Kính đã làm khán giả đắm say bởi giọng hát của ông. “Phan Thanh Kính có 2 điểm giống nghệ sĩ Minh Cảnh, đó là giọng ca và nét mặt, ngoại hình. Buổi giao lưu diễn ra trong không khí đầm ấm, thân tình, giọng hát Phan Thanh Kính góp phần tạo sự gắn kết giữa chủ và khách”, nhạc sĩ, NSND Cao Hữu Nhạc, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển - thành viên đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên nhận xét.

Khi đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên về đến Bình Thuận, ông Kính xuống xe ở lại Bình Thuận theo lời mời của Trung tâm Văn hóa tỉnh này để cùng tập luyện chuẩn bị tham gia Hội thi Sân khấu cải lương tại Cần Thơ.

Mê cải lương từ lúc 12 tuổi

NNƯT 66 tuổi đời này tự cho mình là dân gốc rạ chính cống. Gia đình ông rất đông anh em. Lúc các con còn nhỏ, hàng ngày, cha ông đi hớt tóc dạo để kiếm tiền lo cho gia đình. Ngày có ngày không nên cuộc sống rất bấp bênh. Vì vậy, lúc học tiểu học, một buổi đến trường, một buổi ông Kính đi bán cà rem, bánh mì phụ cha kiếm tiền mua gạo. “Từ nhỏ, tôi thích nghe cải lương nên bắt đầu từ năm 12 tuổi, hàng ngày vào lúc chiều tối, tôi rủ anh em trong xóm ra bờ ruộng gần nhà hát vọng cổ, tập tuồng cải lương. Lúc đến trường, tôi cũng thường hát cải lương cho thầy cô nghe”, ông Kính trải lòng.

Ông Kính kể, những năm 80 của thế kỷ trước, cải lương rất ăn khách. Đoàn cải lương Vạn Giã (Khánh Hòa) về địa phương biểu diễn, đào chính Phương Thanh Hồng ca ngọt ngào, có người phụ nữ trong xã tình nguyện theo đoàn nấu cơm. Lúc đó, ông tìm đến thọ giáo nhiều người dạy hát. Về sau nhóm hát cải lương trên bờ ruộng của ông tan rã. Thành viên trong nhóm cưới vợ lấy chồng mải lo cuộc sống làm ăn, cơm áo gạo tiền không hát như lúc trước nữa. Ông âm thầm nuôi dưỡng niềm đam mê cải lương bằng cách sáng tác. Đến nay, ông đã sáng tác 100 bài, bản lớn nhỏ; trong đó có chủ đề khuyến khích người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, ca ngợi hợp tác xã làm ăn phát đạt, du lịch cộng đồng nông thôn phát triển...

Từ ngọn lửa đam mê, năm 2010, ông Kính đứng ra thành lập CLB Đờn ca tài tử xã Hòa Phong. Ông hướng dẫn cho thế hệ trẻ trong CLB cách lấy hơi khi hát vọng cổ, ngân nga trong lúc ca điệu lý, câu xàng xê… 12 thành viên CLB đều là nông dân, thường biểu diễn vào mùa thu hoạch lúa. Trải qua thời gian dài, 4 người trong gia đình ông là nòng cốt CLB đã gìn giữ niềm đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương cho đến hôm nay.

NNƯT Phan Thanh Kính cho hay: Nghệ thuật cải lương học cả đời cũng không bao giờ hết, nên tôi tham gia cùng đoàn văn nghệ sĩ tỉnh đi thực tế sáng tác tại các tỉnh phía Nam để giao lưu, học hỏi thêm. Mong muốn của tôi là được hỗ trợ và đào tạo đội ngũ diễn viên cải lương mạnh để nghệ thuật này không bị mai một.

Nhà văn Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, Trưởng đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên đi thực tế sáng tác tại các tỉnh phía Nam, cho biết: Sức hút giọng ca đa sầu đa cảm của Minh Cảnh khiến người ta say mê không dứt. Tôi có xem nghệ sĩ Minh Cảnh biểu diễn qua băng đĩa, ti vi. Cách luyến láy của Minh Cảnh tất cả đều in dấu trong Phan Thanh Kính. Sau chuyến đi này, tôi tin rằng NNƯT Phan Thanh Kính học hỏi được nhiều điều về đờn ca tài tử và sẽ tiếp tục truyền nghề cho lớp trẻ, nhất là tại địa phương mình.

MẠNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/273026/ong-kinh-me-don-ca-tai-tu.html