Ông lão bao đồng lấy đất dưỡng già chôn cất 66 người dưng

Ông Nguyễn Xuân Thắng ở Đà Nẵng được nhiều người gọi là 'ông lão bao đồng' bởi suốt 17 năm qua đã tặng quan tài miễn phí lại còn mang mảnh đất dưỡng già 275m2 làm nghĩa trang chôn cất 66 mảnh đời khốn khó.

17 năm ròng rã lo hậu sự cho hàng trăm người khốn khó

Ông Nguyễn Xuân Thắng (66 tuổi, ngụ khối Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) được bà con địa phương gọi với cái tên trìu mến "ông lão bao đồng" bởi việc làm không giống ai.

Gặp ông vào một ngày tháng 8, trong căn nhà tình nghĩa cũ kỹ, lợp tôn chắp vá, ông Thắng nhấp chén trà đang uống dở rồi bồi hồi kể về cái nghề "chẳng bao giờ được cười với khách".

Suốt 17 năm qua ông Thắng đã lo hậu sự chu đáo cho hàng trăm người khốn khó gặp nạn

Suốt 17 năm qua ông Thắng đã lo hậu sự chu đáo cho hàng trăm người khốn khó gặp nạn

Tha hương cầu thực ở vùng đất Tây Nguyên nhưng cái nghèo, cái khổ vẫn bám riết khiến gia cảnh của ông vô cùng khốn khó. Năm 1999, ông Thắng dắt díu vợ con về lại quê Đà Nẵng mưu sinh với đủ thứ nghề, trong đó có cả việc bốc hài cốt.

Hai vợ chồng ông Thắng có với nhau 6 mặt con, nên cái ăn cái mặc luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Năm 2005, ông được nhà nước hỗ trợ tiền để xây lại căn nhà cho có nơi đàng hoàng sinh sống. Từ đó, ông tận dụng căn nhà tình nghĩa này để mở cơ sở dịch vụ mai táng. Cuộc sống cũng dần đỡ vất vả hơn.

Thấm thía cảnh cơ hàn, khổ cực của dân lao động nghèo, lại thêm nhiều lần chứng kiến những người neo đơn, nghèo khó "ra đi" mà không có chiếc hòm để khâm liệm tử tế, ông Thắng đã phát tâm lập ra "quỹ quan tài".

"Cũng một kiếp người nhưng thấy nhiều số phận bi đát quá nên tôi quyết định trích phần lớn lợi nhuận từ nghề mai táng để hỗ trợ hòm miễn phí cho họ. Nghĩa tử là nghĩa tận, khi mình khó khăn xã hội giúp mình được, giờ mình giúp lại người khác được gì thì làm thôi, xem như để trả ơn cuộc đời", ông Thắng chia sẻ.

Để thực hiện công việc tẩm liệm và mai táng những người xấu số chết sông, chết biển, tai nạn... chưa hoặc không có người thân đến nhận, ông và nhiều thành viên thiện nguyện khác sẵn sàng đưa về nhà của mình lo hậu sự một cách trọn vẹn, tươm tất.

Ông Nguyễn Đức Phẩm (72 tuổi) - Đại diện Hội người cao tuổi khối Khánh Sơn, kiêm Tổ trưởng tổ 34, phường Hòa Khánh Nam, cho biết: "Trên đời này hiếm có người như chú Thắng lắm. Làm cái nghề mai táng này, người ta kỵ nhất là làm cho những đám chết ngoài biển vì sau này… khó lấy tiền. Nhưng chú Thắng thì ngược lại, nhiều lần tôi chứng kiến những người chết không tìm được thân nhân hoặc gia đình không kịp đến nhận được chú ấy đưa về nhà mình để khâm liệm".

Một buổi chiều năm 2006, có thi thể nam thanh niên dạt vào bờ biển quận Liên Chiểu, trên người không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Sau khi khám nghiệm pháp y xong, cơ quan chức năng đã gọi cho mấy dịch vụ mai táng nhưng vì chưa tìm được thân nhân nên không một cơ sở nào nhận lo chôn cất.

Trời chạng vạng tối, tin đến tai ông Thắng. Mặc kệ trời đang mưa tầm tã, ông điện ngay cho gần chục anh em, tức tốc khiêng chiếc quan tài hơn 13 triệu đồng chạy nhanh đến hiện trường. Tất tả lo hậu sự cho nạn nhân xấu số xong xuôi, mọi người về đến nhà đã 11 giờ khuya, ai nấy đều ướt đẫm. Cái nghiệp chôn cất người dưng vận vào người ông Thắng cũng từ ngày đó.

Hơn 17 năm theo nghiệp chôn cất người chết, ông Thắng đã lo hậu sự chu tất cho cả trăm người khó. Đến giờ, ông cũng không thể nhớ hết đã tặng bao nhiêu quan tài và cho những ai, đến từ phương nào. Hễ cứ thấy người chết nào khó khăn, không quản ngày đêm, mưa gió, ông lập tức khiêng cỗ quan đến hỗ trợ. Nhiều trường hợp, khi tới đám tang quá nghèo, ông rút ngay tiền "tạm ứng" để gia đình đi chợ trước. Khi xong đám gia chủ trả tiền, thấy thương ông lại cho ít tiền.

Hiến 275 m2 đất dưỡng già làm nghĩa trang của người dưng

Dù là chủ một dịch vụ tang lễ với hàng chục nhân công, tuy nhiên hàng chục năm qua vợ chồng ông Thắng vẫn sống trong căn nhà tình nghĩa xập xệ, bởi lời lãi từ việc kinh doanh chỉ đủ trả công cho nhân viên.

"Thấy tôi "lo chuyện thiên hạ", nhiều người nghĩ tôi giàu lắm nên chăm làm việc thiện để có tiếng thơm, nhưng làm dịch vụ mai táng lời lãi ít lắm. Con cái giờ trưởng thành hết, 2 vợ chồng tôi cũng già rồi, giờ đâu cần gì nhiều, tới bữa ăn lưng chén cơm, quần áo mặc vài ba bộ đổi qua đổi lại là đủ, chứ tiền nhiều chết cũng có mang theo được đâu", ông Thắng cười nói.

Bất ngờ xảy ra, năm 2013, ông Thắng may mắn trúng vé số được gần 400 triệu đồng ông liền trích một khoản ra sửa lại căn nhà đang dột nát, một phần ông mua 275m2 đất ở ngoại ô thành phố chờ dưỡng già còn bao nhiêu ông dốc hết làm từ thiện, giúp người hoạn nạn, mua gạo phát cho những người nghèo.

Ông Thắng đã dùng 275 m2 đất dưỡng già của mình làm nơi chôn cất cho 66 người dưng

Ông Thắng đã dùng 275 m2 đất dưỡng già của mình làm nơi chôn cất cho 66 người dưng

"Vợ chồng tôi mưu sinh bằng dịch vụ mai táng, dù không giàu nhưng cuộc sống cũng đỡ hơn rất nhiều so với những người nghèo. Trúng số là lộc trời ban, nên mình phải san sẻ bớt chứ giữ cho riêng mình thì cũng không tồn tại được...", ông Thắng tâm sự.

Trong cuốn sổ ghi chép các hoàn cảnh đã hỗ trợ, trường hợp đầu tiên đực ông đưa về mảnh đất mới mua để dưỡng già là một nam thanh niên tự tử nhưng nhà nghèo đến mức không tiền mua đất để chôn. Ông kể, vào một ngày đầu năm 2014, ông Thắng nhận điện thoại đến làm đám ma cho một cậu thanh niên vừa tự tử. Thương xót quá, ông nghĩ ngay đến mảnh đất của mình. Thế là thi hài cậu thanh niên ấy là người đầu tiên được ông Thắng "đón" về an táng tại đây. Xong đám tang, ông cũng không lấy một đồng thù lao nào.

Đặc biệt, ông Thắng còn lập quỹ từ thiện riêng trong cơ sở của mình. Hơn 60 nhân công tự nguyện đóng góp 200.000 đồng/người mỗi tháng. Ban đầu, khi nghĩ tới chuyện lập quỹ, ông Thắng cũng đắn đo lắm vì mọi người trong cơ sở cũng chẳng khấm khá gì, người lo mẹ già, kẻ nuôi con thơ,... Nhưng khi ông nói ra nguyện vọng của mình, không ngờ lại được tất cả anh em nhiệt tình hưởng ứng. Vậy là, nguồn quỹ ấy mỗi tháng được trích ra để phát gạo, nấu cháo, và một phần dùng làm đám tang cho người nghèo.

Sau 9 năm “quy tập” những người chết sấu số, hiện “nghĩa trang người dưng" của ông Thắng đã không còn chỗ trống với 66 ngôi mộ lớn nhỏ, trong đó có cả những thi hài tứ cố vô thân. Họ hầu hết là những người tứ xứ tha hương đến Đà Nẵng mưu sinh rồi qua đời trên mảnh đất này, là bà con xóm nghèo, gặp nạn sông nước, tai nạn giao thông,... được ông Thắng cùng các mạnh thường quân lo hậu sự chu tất.

Nguyễn Hiền

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/ong-lao-bao-dong-lay-dat-duong-gia-chon-cat-66-nguoi-dung-d184593.html