Phạt hành chính hành vi quay lén, xử quá nhẹ thì răn đe được ai?

Theo pháp luật hiện hành, việc quay lén khi bị phát hiện ra (mà chưa tung lên mạng, chưa phát tán và mới là lần đầu) thì cũng chỉ bị phạt hành chính. Nhiều người cho rằng đây là một hình phạt quá nhẹ so với những tổn thương mà nạn nhân phải gánh chịu.

Khi vụ việc người mẫu trẻ Châu Bùi trở thành nạn nhân bị quay lén trong nhà vệ sinh của một studio chụp ảnh tại quận 3, TPHCM vẫn đang gây xôn xao dư luận thì mới đây, trên mạng xã hội lại xuất hiện thông tin nữ sinh hốt hoảng phát hiện camera giấu kín trong phòng vệ sinh của căn nhà trọ 5 tầng ở phường Yên Nghĩa, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội, nơi cô sinh sống đã 3 năm nay. Một loạt các vụ quay lén bằng camera giấu kín liên tục bị phát hiện như vậy khiến dư luận bức xúc, vừa phẫn nộ vừa lo lắng.

Chuyên gia tội phạm học, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, bất cứ ai khi nghe những thông tin liên quan đến hành vi sử dụng các phương tiện kỹ thuật để quay lén trong các nhà vệ sinh, nhà nghỉ, khách sạn, nơi công cộng nào đó để lấy thông tin bí mật của người khác đều có một cảm giác rất bất an. Nó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống riêng tư, sự an ninh an toàn mỗi người mà còn tác động đến cả trật tự xã hội. Mặc dù đây là một hiện tượng không mới nhưng thời gian gần đây cùng với sự phát triển của công nghệ, các hành vi này khá phức tạp, đời sống xã hội. và có chiều hướng gia tăng.

TS Đỗ Cảnh Thìn cũng khẳng định, khi những hình ảnh bí mật riêng tư, nhạy cảm của mỗi người bị người khác khai thác thì bất cứ ai cũng đều cảm thấy rất xấu hổ, bị tổn thương mạnh mẽ

“Nạn nhân sẽ cảm thấy bất an, không được bình yên, sợ hãi, luôn có cảm giác ai đó đang theo dõi mình dù ở trong môi trường an toàn. Điều này cũng dẫn đến sự khủng hoảng, trầm cảm và gây ảnh hưởng tới công việc, gia đình và tương lai của họ. Thậm chí có những người trở nên thu mình, gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần”, TS Thìn phân tích.

Nhà vệ sinh nơi chủ nhà trọ lắp camera quay lén.

Nhà vệ sinh nơi chủ nhà trọ lắp camera quay lén.

Để giải mã cho những hành vi có thể coi là vô văn hóa, vô đạo đức này, TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, các đối tượng thực hiện hành vi quay lén với nhiều mục đích khác nhau. Đó có thể là vì tò mò, biến thái, thỏa mãn nhu cầu về giới tính của mình. Đây cũng là một dạng quấy rối tình dục, là hành vi bệnh hoạn, rối loạn cả về tâm lý, sinh lý. Để thỏa mãn tâm lý cá nhân, các sở thích lệch lạc, đối tượng tìm mọi cách để thu thập hình ảnh nhạy cảm của các nạn nhân.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng quay lén nhằm phục vụ mục đích vụ lợi. Những kẻ này đăng tải hình ảnh nhạy cảm lên mạng, bán thông tin hoặc dùng chính các video, hình ảnh đó để tống tiền nạn nhân, tạo áp lực để nạn nhân thực hiện các nguyện vọng có lợi cho đối tượng.

Ngoài ra một số đối tượng quay lén còn nhằm mục đích trả thù do có mâu thuẫn, bất đồng với nạn nhân. Đối tượng dùng video, hình ảnh nhạy cảm như công cụ phương tiện để gây áp lực, trả thù cá nhân.

Chuyên gia tội phạm học, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cũng nhìn nhận, thực trạng quay lén ngày càng nhức nhối, phổ biến xuất phát từ quy luật khi mà xã hội càng ngày càng phát triển, nhiều hình thức đa dạng trong cách tiếp cận đời sống tinh thần và dẫn đến có nhiều hành vi văn hóa lệch chuẩn, tác động vào nhận thức của một bộ phận người dân nhất là giới trẻ

Đặc biệt với sự tiếp tay của các thiết bị máy móc hiện đại được rao bán một cách tràn lan, cách thức sử dụng dễ dàng cũng là một yếu tố khiến cho các hành vi quay lén phố biến như thời gian vừa qua. Nhận thức của xã hội còn hạn chế cũng là nguồn nuôi dưỡng khiến tội phạm quay lén "có đất tung hoành". Nhiều người chưa có ý thức tự bảo vệ mình hoặc đơn giản hóa vấn đề, tạo sơ hở, cơ hội cho đối tượng quay lén thực hiện hành vi.

Châu Bùi sốc khi thấy những hình ảnh quay lén của mình.

Châu Bùi sốc khi thấy những hình ảnh quay lén của mình.

Theo pháp luật hiện hành, việc quay lén khi bị phát hiện ra (mà chưa tung lên mạng, chưa phát tán và mới là lần đầu) thì cũng chỉ bị phạt hành chính. Nhiều người cho rằng đây là một hình phạt quá nhẹ so với những tổn thương mà nạn nhân phải gánh chịu. Theo TS Thìn, mức độ nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào hậu quả gây ra. Thế nhưng thực tế hiện nay, việc xử lý các hành vi vi phạm này chưa triệt để và chưa kịp thời, các vụ việc đưa ra xử lý cũng chưa phải là nhiều nên không đạt được mục tiêu răn đe.

Vậy cần giải pháp nào để bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân và ngăn chặn những hành vi quay lén tương tự tái diễn trong tương lai?

Trả lời câu hỏi này, TS Thìn cho rằng, tất cả người dân trong xã hội đều phải thượng tôn pháp luật, phải hiểu được những hành vi đó là vi phạm pháp luật. Nếu mức độ nhẹ thì có thể bị xử lý hành chính, còn nặng hơn phải bị xử lý hình sự. Bên cạnh đó, mỗi người cần trang bị kiến thức, kỹ năng phòng vệ đừng để biến mình thành nạn nhân của quay lén. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải có các biện pháp tuyên truyền giáo dục. Chủ các cơ sở cho thuê trọ, khách sạn, nơi công cộng, phải ý thức được trách nhiệm bảo vệ quyền riêng tư cho khách hàng. Đặc biệt rất cần sự lên tiếng của chính nạn nhân. Sự lên tiếng của nạn nhân là cơ sở quan trọng để các cơ quan chuyên môn kịp thời điều tra, xử lý vụ việc.

Theo vov.vn

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/phat-hanh-chinh-hanh-vi-quay-len-xu-qua-nhe-thi-ran-de-duoc-ai-post386413.html