Ông Lê Thanh Vân bắt tay Lưu Bình Nhưỡng dùng danh nghĩa đại biểu Quốc hội gây sức ép cho nhiều dự án tinh vi thế nào?

Từng là hai 'ông nghị' với những phát ngôn và chất vấn nóng tại diễn đàn Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân đã lợi dụng danh nghĩa đại biểu Quốc hội để trục lợi.

Ông Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân đã "trệch đường ray" trên con đường làm đại biểu dân cử, vi phạm pháp luật.

Ông Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân đã "trệch đường ray" trên con đường làm đại biểu dân cử, vi phạm pháp luật.

Ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cùng là ĐBQH.

Theo như các tài liệu mới được công bố, báo Công an nhân dân online đưa tin, Năm 2019, tại các kỳ họp Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng thường xuyên có những phát biểu gây chú ý, chất vấn các bộ, ngành nên ông Nguyễn Văn Vương, chuyên viên Vụ pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước đã chủ động xin số điện thoại, mục đích là muốn nhờ ông Nhưỡng có tác động đến các bộ, ngành địa phương, giúp tháo gỡ vướng mắc đối với những dự án mà ông Vương đang thực hiện.

Trong thời gian này, thông qua ông Nhưỡng, ông Vương cũng làm quen với ông Lê Thanh Vân và với cùng mục đích nhờ 2 ông này tác động, gây ảnh hưởng đến người có thẩm quyền giải quyết những dự án bản thân đang triển khai, trong đó có dự án khu dân cư dịch vụ phía Bắc kênh làm mát nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh (dự án 36ha), với tổng mức đầu tư gần 375 tỷ đồng, thuộc phường Hà Khánh, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Sau khi dự án được phê duyệt, nhưng do chủ đầu tư của dự án 36ha chỉ giải phóng mặt bằng, không triển khai thực hiện các hạng mục khác, vì vậy ngày 16/2/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư dự án. Sau khi dự án bị thu hồi, đại diện doanh nghiệp trên đã tìm cách quan hệ, nhờ tác động với cơ quan có thẩm quyền, xin tiếp tục triển khai dự án.

Thông qua các mối quan hệ, phía doanh nghiệp đã gặp ông Nguyễn Văn Vương, nhờ mối quan hệ, để dự án trên tiếp tục được triển khai. Ông Vương yêu cầu doanh nghiệp này đưa 7 tỷ đồng để lo liệu, trong đó đưa trước 4 tỷ đồng để đi lại, quan hệ. Sau khi nhận tiền, ông Vương trao đổi với doanh nghiệp này làm văn bản kiến nghị gửi Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh và ông Lưu Bình Nhưỡng để xin được tiếp tục triển khai dự án.

Chiều 18/7/2019, ông Vương đến gặp ông Lưu Bình Nhưỡng tại phòng làm việc của ông Nhưỡng, để đưa đơn kiến nghị của doanh nghiệp. Ông Nhưỡng xem đơn và sau đó viết phiếu chuyển đơn của ĐBQH, chuyển đơn của doanh nghiệp trên đến UBND tỉnh Quảng Ninh. Quá trình nhờ ông Nhưỡng can thiệp giúp dự án 36ha ở trên, ông Vương thỏa thuận cho ông Nhưỡng 1 lô đất, diện tích gần 500m2 tại xã Vân Nội, Đông Anh, TP Hà Nội và hứa sẽ tặng ông Nhưỡng 1.000m2 ở dự án này, nếu ông Nhưỡng giúp được cho dự án tiếp tục được triển khai, theo đề nghị của doanh nghiệp.

Thời gian sau đó, cả ông Nhưỡng và ông Vương đã phối hợp viết phiếu chuyển đơn của ĐBQH đến UBND tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, những kiến nghị này đều bị UBND tỉnh Quảng Ninh bác bỏ. Trước việc dự án không được triển khai, ông Vương tiếp tục tìm gặp ông Nhưỡng và được ông này nói sẽ phối hợp, nhờ cùng ĐBQH Lê Thanh Vân giúp đỡ. Ông Vương cũng đề cập sẽ biếu ông Lê Thanh Vân mảnh đất ở xã Vân Nội cũng như 1000m2 trong dự án, giống như hứa với ông Nhưỡng khi trước. Ông Nhưỡng trao đổi trực tiếp với ông Lê Thanh Vân và được ông Vân đồng ý, làm văn bản chuyển đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, để tìm cách cho dự án triển khai.

Do lâu không thấy kết quả trả lời của UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Vương nhiều lần đặt vấn đề với ông Vân, có phiếu chuyển đơn nhờ Chính phủ có ý kiến thêm. Ông Vân đồng ý và yêu cầu Vương tiếp tục làm đơn đề nghị gửi cho mình. Sau khi nhận được đơn của doanh nghiệp, ông Vân làm phiếu chuyển đơn đến Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Cả ông Vân và ông Nhưỡng đều tìm cách chuyển đơn với vai trò ĐBQH gửi đến UBND tỉnh Quảng Ninh và Chính phủ nhưng không được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận.

Sau nhiều lần nhờ can thiệp, tác động nhưng không đạt được nguyện vọng, ông Vương đã hoàn trả số tiền đã nhận cho doanh nghiệp nhờ vả. Về phía ông Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân, khi nhận lời giúp Nguyễn Văn Vương can thiệp, tác động người có thẩm quyền, giúp doanh nghiệp tiếp tục được triển khai dự án, cả hai ĐBQH trên khi đó đã đồng ý nhận đất của Vương, đồng thời gửi ảnh, CCCD của con cho Vương để làm thủ tục đứng tên.

Ngoài dự án trên, ông Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân còn nhận giúp đỡ và có hành vi trục lợi đối với dự án khai thác đất đồi Bắc Sơn, tại thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) của một doanh nghiệp. Năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh có dự án cho phép doanh nghiệp thăm dò, khai thác khoáng sản đất đá làm vật liệu san lấp mặt bằng, tại đồi Bắc Sơn. Đại diện của doanh nghiệp này đã mở chi nhánh tại Quảng Ninh và xin cấp phép khai thác nhưng không có kết quả.

Đầu tháng 7/2023, sau khi có được số điện thoại của ông Lưu Bình Nhưỡng, phía lãnh đạo doanh nghiệp trên và những cổ đông góp vốn đã liên hệ, đến gặp, nhờ ông Lưu Bình Nhưỡng giúp đỡ. Trong những lần gặp này, ông Lưu Bình Nhưỡng có nói doanh nghiệp nhờ thêm ĐBQH Lê Thanh Vân vào cuộc cùng giúp. Chủ doanh nghiệp này và những người trong công ty đã có 6 lần gặp ông Nhưỡng và một số lần gặp ông Vân, tại nơi làm việc, để đưa tiền và trình bày, nhờ ông Nhưỡng và ông Vân tác động đến tỉnh Quảng Ninh, xin cấp phép cho dự án. Trong những lần gặp này, phía doanh nghiệp đều đưa “quà” khi thì 10 triệu, lúc 20 triệu, 50 triệu…cho ông Vân, ông Nhưỡng.

Đáng chú ý, trong lần gặp thứ 2 giữa đại diện doanh nghiệp và ông Lưu Bình Nhưỡng, ông Lê Thanh Vân đã gọi điện cho Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khi đó, để xem xét giải quyết cho doanh nghiệp. Khi ông Vân nói chuyện điện thoại với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Nhưỡng ngồi bên cạnh, lấy máy điện thoại ghi âm lại cuộc nói chuyện.

Trong lần thứ 5 gặp gỡ, ông Nhưỡng gọi điện cho chủ doanh nghiệp thông báo Ban Dân nguyện sẽ tổ chức tiếp dân, có sự tham gia của báo chí, ông Nhưỡng sẽ đưa vấn đề của doanh nghiệp trên vào nội dung buổi làm việc. Lần thứ 6, sau khi dự án được UBND tỉnh Quảng Ninh thông qua, chủ doanh nghiệp này chuẩn bị 3 phong bì (2 phong bì 50 triệu đồng và 1 phong bì 30 triệu đồng) mang đến phòng làm việc của ông Nhưỡng, để cảm ơn ông Nhưỡng và ông Vân. Tổng số tiền phía doanh nghiệp đưa cho ông Nhưỡng và ông Vân là 270 triệu đồng, trong đó ông Nhưỡng có 6 lần nhận tiền là 210 triệu đồng và ông Vân 2 lần với 60 triệu đồng.

Sáng 15/3/2021, anh Đức cùng ông Mạnh gặp ông Nhưỡng tại phòng làm việc ở trụ sở Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại đây, ông Nhưỡng đồng ý giúp và bảo ông Mạnh về làm đơn kêu cứu khẩn cấp và tập hợp hồ sơ dự án gửi cho ông Nhưỡng ngay trong buổi chiều.

Trong lúc nói chuyện, ông Mạnh có nói với ông Nhưỡng: "Việc của em, anh lưu tâm giúp, xong việc Đức báo cáo anh sau".

Trở về, Mạnh chỉ đạo Phó giám đốc Công ty Mạnh Đức soạn đơn kêu cứu để mình ký, đồng thời chuẩn bị một tập hồ sơ dự án. Đầu giờ chiều cùng ngày, Mạnh cùng anh Đức quay lại phòng làm việc của ông Nhưỡng để gửi đơn, hồ sơ.

Theo cáo trạng, tại phòng làm việc, sau khi tiếp nhận đơn, ông Nhưỡng đã lấy tư cách Đại biểu Quốc hội viết phiếu chuyển đơn của Công ty Mạnh Đức gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, giải quyết.

Cáo trạng nêu, trong lúc viết phiếu, ông Nhưỡng nói nhỏ với anh Đức: "Xong việc đưa chú ba trăm ngàn". Sau khi viết, ký phiếu chuyển đơn, ông Nhưỡng gọi và yêu cầu nhân viên văn thư giao ngay tới Văn phòng Chính phủ.

Ngay sau khi ra khỏi phòng làm việc của ông Nhưỡng, ông Mạnh hỏi anh Đức nãy nói chuyện gì to nhỏ với vị Đại biểu Quốc hội. Anh Đức trả lời, ông Nhưỡng yêu cầu việc này 300.000 USD, ông Mạnh nói: "Sao mặn thế?".

VKS lý giải câu nói trên của ông Mạnh có ý là "bị can Nhưỡng yêu cầu nhiều thế", thông tin được báo Dân trí đưa.

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/ong-le-thanh-van-bat-tay-luu-binh-nhuong-dung-danh-nghia-dai-bieu-quoc-hoi-gay-suc-ep-cho-nhieu-du-an-tinh-vi-the-nao-8620.html