'Ông lớn' C.P, MEATLife, BAF, HAGL... chiếm bao nhiêu thị phần nuôi heo tại Việt Nam?

Tại Việt Nam, chăn nuôi heo là lĩnh vực chủ lực, chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước. Với xu hướng chuyển đổi cơ cấu từ nhỏ lẻ sang trang trại, nhiều 'ông lớn' như C.P. Việt Nam, Masan MEATLife, Hoàng Anh Gia Lai,... đang để lại dấu ấn với diện tích lên tới hàng trăm ha, cung cấp ra thị trường triệu con mỗi năm.

Sự chuyển đổi cơ cấu từ nhỏ lẻ sang những trang trại chăn nuôi quy mô lớn

Theo dữ liệu nghiên cứu hồi tháng 3 của Vietdata, cuối năm 2023, tổng số heo ước tính đạt hơn 26 triệu con (chưa tính khoảng hơn 4 triệu heo con theo mẹ), tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Thống kê từ Bộ NN&PTNT, năm 2023, Việt Nam ghi nhận có số lượng heo cao nhất trong 5 năm trở lại đây với tốc độ tăng trưởng về đầu con đạt trung bình là 6,94%/năm từ năm 2019 - 2023. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng về sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng trong giai đoạn 2019 – 2023 trung bình đạt 4,3%/năm.

Ngành chăn nuôi heo cũng chứng kiến quá trình chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi nhanh chóng, các khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ (vốn là đặc trưng của chăn nuôi heo Việt Nam) ngày càng thu hẹp. Thay vào đó, những trang trại chăn nuôi quy mô lớn và rất lớn, được đầu tư công nghiệp, hiện đại, chú trọng yếu tố môi trường ngày càng nhiều.

 Những trang trại nuôi heo được doanh nghiệp đầu tư theo quy mô lớn, chú trọng đến yếu tố môi trường ngày càng nhiều. Ảnh: C.P Việt Nam

Những trang trại nuôi heo được doanh nghiệp đầu tư theo quy mô lớn, chú trọng đến yếu tố môi trường ngày càng nhiều. Ảnh: C.P Việt Nam

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Masan, Trường Hải, Hòa Phát…) và các doanh nghiệp FDI (C.P, New Hope,…) tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi heo theo quy chuẩn công nghiệp hiện đại, tiếp cận theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi khép kín.

Trong 3 năm gần đây (2021-2023) là giai đoạn khó khăn, nhưng cũng chính là giai đoạn đặc biệt thăng hoa về thu hút FDI. Theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến thời điểm hiện tại, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam lên tới 2,2 tỷ USD (chiếm hơn 12% tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam), với 81 dự án tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau, như: thức ăn, chăn nuôi heo, gà, bò, chế biến thịt…

Hiện, số cơ sở chăn nuôi quy mô từ 1.500 con lợn trở lên chiếm gần 30% tổng đàn lợn của cả nước, đặc biệt có 16 doanh nghiệp lớn, có quy mô tới gần 6 triệu con/năm, chiếm 23,5% tổng đàn toàn quốc.

Thị phần chăn nuôi của các doanh nghiệp lớn

Ảnh: Vietdata

Ảnh: Vietdata

C.P. Việt Nam là thành viên của C.P. Thái Lan, hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993 với hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2008, Công ty TNHH Chăn Nuôi C.P. Việt Nam đã chính thức chuyển đổi thành Công ty cổ phần. C.P là một tập đoàn sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi là một trong những lĩnh vực quan trọng.

Xét về ngành chăn nuôi heo, C.P hiện đưa vào vận hành và khởi công một loạt trại hiện đại như: trại Lạc Thủy (100ha), 2 trại tại Lộc Ninh,... Ngoài ra, công ty còn liên kết, hợp tác với nông dân để thực hiện hệ thống chăn nuôi heo gia công.

Theo giới thiệu trên website, hiện tại, tổng đàn heo nái chăn nuôi gia công có khoảng 200.000 con, với năng suất bình quân 23,5 heo con cai sữa/heo nái/năm (tương đương 4,7 triệu heo con nuôi làm giống và nuôi thịt hằng năm). Hàng năm C.P. Việt Nam cung cấp heo thịt cho thị trường với số lượng hơn 6,8 triệu con.

Theo dữ liệu mới nhất của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) trong bảng xếp hạng VNR500 - top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023. Doanh thu thuần C.P Việt Nam ghi nhận sự đột phá trong năm 2022 với hơn 84 nghìn tỷ đồng sau hai năm giữ vững mức doanh thu gần 81 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, trái với xu hướng tăng của doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu giảm 40- 55% mỗi năm, chỉ đặt gần 5.000 tỷ đồng năm 2022.

Masan MEATLife (mã: MML) (Công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan) khởi đầu trong chuỗi cung ứng thịt bằng việc hợp nhất 2 công ty thức ăn chăn nuôi hàng đầu tại Việt Nam là ANCO và Proconco vào năm 2015.

Ngoài việc mở rộng các điểm bán, công ty còn đầu tư vào phần còn lại của chuỗi cung ứng (trang trại, nhà máy chế biến,...). Hiện tại, MML hiện sở hữu trang trại chăn nuôi lợn kỹ thuật cao tại Nghệ An với tổng diện tích trên 223ha, vốn đầu tư lên đến 1.400 tỷ đồng, có khả năng cung cấp cho 250.000 con mỗi năm.

Về tình hình kinh doanh, năm 2023, doanh thu thuần hợp nhất Masan MEATLife đạt 6.984 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ 2022. Thế nhưng lợi nhuận gộp hơn 1.050 tỷ không đủ để công ty chi trả cho các chi phí tài chính và chi phí bán hàng. Do đó công ty lỗ sau thuế năm 2023 gần 540 tỷ đồng.

Lý giải cho điều này, công ty cho biết cuối năm 2022, công ty có thêm mảng thịt chế biến, dẫn tới chi phí bán hàng tăng cao, cùng với đó là 117 tỷ tăng thêm từ lãi vay đã khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng.

CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã: BAF) được thành lập từ năm 2017, hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi heo và tập trung phát triển mô hình kinh doanh chiến lược theo chuỗi 3F là Feed – Farm – Food.

Năm 2023, BAF đưa vào vận hành 4 trang trại mới tại Tây Ninh, nâng tổng đàn vào cuối năm lên 37.000 heo nái và 330.000 heo thịt. Tính đến hết 2023, BAF sở hữu hệ thống 28 trại nuôi heo nái và heo thịt (bao gồm các trang trại đã vận hành và đang phát triển trên cả nước). Quy mô rộng mỗi trại rộng từ 10-50m2 với tổng đàn hơn 300.000 con, cung ứng ra thị trường gần 1 triệu heo thương phẩm/năm.

Ngay trong tháng 3 vừa qua, BAF Việt Nam đã đưa vào hoạt động 4 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, nâng số trang trại nuôi heo nái và heo thịt lên 32, với tổng quy mô gần 430.000 con.

 Kế hoạch phát triển đến năm 2030 của BAF. Ảnh: BAF

Kế hoạch phát triển đến năm 2030 của BAF. Ảnh: BAF

Về bức tranh kinh doanh của BAF trong giai đoạn 4 năm 2020-2024, doanh thu thuần của công ty giảm dần đều qua từng năm, từ gần 13.000 tỷ năm 2020 xuống 5.200 tỷ cuối năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại đột phá trong 2 năm 2021-2022 với quanh mốc 300 tỷ đồng, sau đó lại giảm mạnh gần 10 lần xuống còn 30 tỷ trong năm 2023.

HAGL Group là một doanh nghiệp lớn với chiến lược là tập trung đầu tư và kinh doanh 3 lĩnh vực chính: trồng chuối, sầu riêng và nuôi heo ăn chuối. Tập đoàn bắt đầu tham gia đầu tư ngành chăn nuôi heo từ năm 2020, đến năm 2023 HAGL đã xây dựng được 10 cụm chuồng trại với công suất nuôi khoảng 600.000 con heo thịt mỗi năm.

Xét về riêng doanh thu từ lĩnh vực chăn nuôi heo, HAGL ghi nhận doanh thu tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 4 năm 2020-2024, nhất là doanh thu từ lĩnh vực chăn nuôi heo đem về trung bình 1.700 - 2.000 tỷ mỗi năm. Năm 2023, HAGL ghi nhận doanh thu thuần hơn 6.400 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán heo gần 2.000 tỷ đồng, là 1 trong 3 nguồn thu chính của tập đoàn và tăng gần 300 tỷ so với năm 2022.

Ngoài các doanh nghiệp lớn kể trên, cũng có những đơn vị đã tham gia vào mảng đầu tư trang trại heo như: THACO Agri (Tập đoàn thành viên của THACO hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp) với 15 cụm trang trại lớn tại ba tỉnh Bình Định, An Giang, Đắk Lắk,... Mỗi năm THACO Agri có công suất heo thương phẩm khoảng 650.000 con. Dự kiến kế hoạch sản xuất heo giống đến năm 2025 là 32.798 con, năm 2030 là 33.710 con.

Hay CTCP phát triển chăn nuôi Hòa Phát chuyên cung cấp heo giống và heo thịt chất lượng cao cho thị trường. Tính đến nay, Hòa Phát đã có 6 hệ thống trại chăn nuôi heo hiện diện tại các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Bình Phước với tổng diện tích khoảng 359ha. Đến nay, sản lượng heo Hòa Phát đạt gần 404.000 con, trong đó heo thành phẩm 352.000 con, tăng 22% so với cùng kỳ 2021.'

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/ong-lon-cp-meatlife-baf-hagl-chiem-bao-nhieu-thi-phan-nuoi-heo-tai-viet-nam.html