'Ông lớn' công nghệ Mỹ chuyển loạt nhà máy sản xuất sang Việt Nam

Nếu biết nắm bắt được xu thế và xác định được các cơ hội, Việt Nam sẽ trở thành 'mắt xích' chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của thế giới.

Trong giai đoạn hiện nay, trên thế giới đang xuất hiện các xu thế lớn, tạo cơ hội cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nếu biết nắm bắt được xu thế và xác định được các cơ hội này, Việt Nam sẽ trở thành "mắt xích" chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của thế giới.

Các "ông lớn" lĩnh vực công nghệ, điện tử lớn toàn cầu mở rộng hoặc dịch chuyển chuỗi cung ứng, đa dạng hóa dây chuyền sản xuất sang Việt Nam - Ảnh: IT

Các "ông lớn" lĩnh vực công nghệ, điện tử lớn toàn cầu mở rộng hoặc dịch chuyển chuỗi cung ứng, đa dạng hóa dây chuyền sản xuất sang Việt Nam - Ảnh: IT

Tại tọa đàm "Việt Nam - địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội và thách thức" ngày 5.9 đã nêu ra 3 xu thế nổi bật.

Đầu tiên là xu thế toàn cầu hóa. Với sự hội nhập, mở cửa của Việt Nam, xu thế này đã làm tăng cơ hội tham gia sản phẩm tại Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cơ hội tiếp nhận công nghệ từ nước ngoài, công nghệ mới vào với chi phí thấp cũng như cơ hội tiếp cận nguồn dữ liệu xuyên biên giới chưa từng có.

Tiếp đến là xu thế chuyển dịch kinh tế toàn cầu. Với sự chuyển dịch mạnh mẽ chuỗi cung ứng của các nước ra khỏi Trung Quốc. Đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, các công ty lớn của Mỹ (như Apple, Intel...) có xu hướng đi tìm nguồn cung của họ ngoài Trung Quốc.

Nhờ đó, Việt Nam hoàn toàn có thể có cơ hội tiếp cận các tập đoàn đa quốc gia có trình độ cao, cũng như gia tăng cơ hội hợp tác liên chính phủ về kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật để tạo đà phát triển, đón nhận và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Thắng Vượng - Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết thời gian qua xu hướng dịch chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ.

Ví dụ, đến nay tập đoàn Apple của Mỹ đã chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam; tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM tổng trị giá 4 tỉ USD; tập đoàn Lego của Đan Mạch đầu tư xây dựng nhà máy ở Bình Dương tổng vốn 1 tỉ USD.

Gần đây, những tập đoàn lớn của Mỹ như: Boeing, Google, Walmart... đều có sự nghiên cứu môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, tìm kiếm mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Đến nay, Samsung đã dịch chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại về Việt Nam và Ấn Độ. 60% sản lượng điện thoại thông minh của Samsung bán ra trên toàn thế giới là đang được sản xuất tại Việt Nam.

Một trong những xu thế lớn tác động đến Việt Nam phải kể đến tại thời điểm này đó là xu hướng các "ông lớn" rời chuỗi cung ứng ra khỏi các khu vực có sự bất ổn chính trị do chiến tranh giữa Nga và Ukraina bắt đầu từ năm 2022.

Xu thế này đã tạo cơ hội đáng kể cho Việt Nam trong việc tiếp cận tốt hơn thị trường Tây Âu mà các doanh nghiệp nước ngoài khi rời khỏi Nga đã bỏ lại khoảng trống thị phần, cũng như tiếp nhận thêm nguồn FDI có xu hướng di chuyển vào khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á nơi có chính sách hợp lý và chính trị ổn định, trong đó có Việt Nam.

Tận dụng tất cả những cơ hội trên cùng với vị thế địa chính trị của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới thì Việt Nam hoàn toàn có cơ hội chiến lược trong chuỗi cung ứng khi trọng tâm của nền kinh tế thế giới đang dịch chuyển về phía Đông và phía Nam. Biển Đông là một vị trí chiến lược đối với các nước thuộc Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Giao thông đường biển thuận lợi sẽ là huyết mạch chiến lược để giao thông thương mại và vận chuyển quốc tế phát triển thuận lợi.

Với vị trí địa lý thuận lợi đó, cùng với sự ổn định chính trị đi kèm với đội ngũ lao động trẻ, cơ sở hạ tầng từng bước được cải thiện, chính sách đổi mới toàn diện sẽ là một trong những điểm sáng thu hút các nhà sản xuất, nguồn vốn đầu tư và công ty mua hàng khắp nơi trên thế giới.

Đi đôi với cơ hội, ông Vượng cũng cho rằng Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều thách thức, như sản phẩm Việt Nam đang phải cạnh tranh trên chính thị trường nội địa, yêu cầu về tăng năng suất, chất lượng tạo sức ép không nhỏ cho doanh nghiệp, tạo áp lực đổi mới về thể chế và chất lượng nguồn nhân lực cũng như sức ép về sự đổi mới phương thức quản lý nguồn nhân lực, sức ép về gia tăng vốn đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng...

"Với những xu thế phát triển toàn cầu hóa như hiện nay, bên cạnh những cơ hội đang mở ra cùng những thách thức, khó khăn lớn, chúng ta cần phải có những giải pháp để Việt Nam thực sự phát triển, trở thành địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của thể giới", ông Vượng nhấn mạnh.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ong-lon-cong-nghe-my-chuyen-loat-nha-may-san-xuat-sang-viet-nam-205176.html