Ông lớn dầu khí lo triển vọng không khả quan 2020
Dù đã về đích trước thời hạn chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2019, song trước diễn biến bất định của kinh tế thế giới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng như các doanh nghiệp trong ngành đang tỏ ra khá thận trọng trước triển vọng tăng trưởng 2020.
Số liệu từ PVN cho thấy, tính đến hết tháng 11, có 4 chỉ tiêu đã hoàn thành kế hoạch năm, bao gồm gia tăng trữ lượng dầu khí; tổng doanh thu toàn Tập đoàn; nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn và lợi nhuận sau thuế hợp nhất.
Các chỉ tiêu còn lại hoàn thành vượt 5 - 8% kế hoạch đề ra; trong đó, khai thác dầu trong nước vượt 7,5%, khai thác khí vượt 8,0%, sản xuất đạm vượt 8,0%, sản xuất điện vượt 5,5%, xăng dầu vượt 6,2%.
Cụ thể, theo số liệu được PVN vừa công bố, tổng doanh thu toàn Tập đoàn 11 tháng 2019 ước đạt 685.010 tỷ đồng, vượt 11,9% kế hoạch năm, dự kiến cả năm đạt 708.500 tỷ đồng.
Về sản lượng, sản xuất điện 11 tháng năm 2019 ước đạt 20,61 tỷ kWh, bằng 95,4% kế hoạch năm; sản xuất đạm 11 tháng năm 2019 ước đạt 1,416 triệu tấn, bằng 97,9% kế hoạch năm; sản xuất xăng dầu 11 tháng năm 2019 ước đạt 10,523 triệu tấn, bằng 92,7% kế hoạch năm.
Trước đó, số liệu kinh doanh 10 tháng được PVN công bố cho thấy, tổng doanh thu toàn Tập đoàn 10 tháng ước đạt 627.740 tỷ đồng, vượt 2,5% kế hoạch năm.
Như vậy, PVN đã về đích sớm kế hoạch doanh thu năm 2019 trước 2 tháng.
Một số đơn vị thành viên của PVN như Vietsovpetro, PVEP, Rusvietpetro, Biển Ðông POC, PV GAS, BSR, PVCFC, PV Power tính đến thời điểm này đã hoàn thành các chỉ tiêu sản lượng sản xuất.
Ðáng chú ý, 5 đơn vị thành viên gồm PV GAS, Rusvietpetro, PVTrans, PTSC và PVI đã hoàn thành kế hoạch cả năm trước 3 chỉ tiêu: Tài chính hợp nhất doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, PVCFC đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước. DMC, PV Power đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất.
Ðánh giá về tình hình tăng trưởng ngành năm 2019 và triển vọng 2020, đại diện PVN cho rằng, đây là năm Tập đoàn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh thị trường dầu khí có nhiều biến động, kinh tế thế giới tiềm ẩn không ít rủi ro.
Nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời.
Hoạt động trên biển có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí của Tập đoàn, cũng như ảnh hưởng đến việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí.
Ðặc biệt, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài khiến giá dầu thế giới giảm khá lớn (trên 7 USD/thùng) đã có những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn.
Ðặc biệt, theo nhận định của Bộ Công thương, hoạt động khai thác đang ngày càng khó khăn đối với ngành dầu khí khi trữ lượng, tiềm năng dầu khí ở vùng nước nông không còn nhiều.
Hoạt động khai thác ở các mỏ chủ lực trong năm 2019 đang trong giai đoạn suy kiệt, sản lượng giảm mạnh; các mỏ mới phát hiện đều khá nhỏ, là những mỏ nhỏ cận biên, điều kiện phát triển, vận hành phức tạp, chi phí cao...
Trong năm 2019, những khó khăn này đã ảnh hưởng trực tiếp, làm suy giảm mức tăng trưởng sản lượng dầu thô khai thác của Tập đoàn và sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2020 khi các xu hướng căng thẳng thương mại không hạ nhiệt, mà lại tăng lên giữa các cường quốc sẽ tiếp tục tác động tới giá dầu thế giới, ảnh hưởng tới sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn trong năm tới.
Trong lĩnh vực vận tải dầu khí, ông Nguyễn Viết Long, Phó tổng giám đốc PVTrans cho biết, năm 2019, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh do tình hình cạnh tranh trên thị trường vận tải biển ngày càng khốc liệt, nhất là trong lĩnh vực vận chuyển dầu thô, xăng dầu sản phẩm, dịch vụ offshore...
Ðại diện PVTrans khá thận trọng cho rằng, trong thời gian tới thị phần trong ngành dầu khí sẽ giảm chỉ còn khoảng 30% và có thể tiếp tục giảm sút.
Ðể có thể duy trì và phát triển trong bối cảnh ngày càng khó khăn, ông Long cho hay, PVTrans sẽ tập trung phát triển mạnh thương hiệu cũng như xây dựng đội tàu trẻ để có thể mở rộng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Ðịnh hướng của PVT trong thời gian tới là tập trung xây dựng thương hiệu song hành với cải thiện quản trị doanh nghiệp và xây dựng văn hóa doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó, tiếp tục đầu tư mở rộng thị trường vận tải biển trong nước và quốc tế, thay vì chỉ tập trung vào thị trường trong nước đã dần đến ngưỡng”, ông Long cho biết.