'Ông lớn' dầu khí toàn cầu đặt cược vào các dự án xa bờ
Các tập đoàn dầu khí toàn cầu đang bơm hàng tỉ đô la vào hoạt động khoan dầu ngoài khơi xa, đảo ngược sự sụt giảm đầu tư kéo dài cho những dự án phát triển dầu khí xa bờ, bao gồm một số dự án ở vùng biển băng giá ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương của Canada.
Các mỏ dầu xa bờ cũng được thiết kế để bơm dầu trong nhiều thập niên và điều này có thể khiến chúng đối mặt với rủi ro tài chính ngày càng gia tăng khi thế giới thúc đẩy mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức zero ròng vào năm 2050 để chống biến đổi khí hậu.
Chi phí đầu tư đắt đỏ, giá dầu hòa vốn thấp
Giá dầu cao cùng với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của châu Âu khi cuộc chiến Ukraine-Nga kéo dài đang khuyến khích các khoản đầu tư này. Chi phí phát triển các mỏ dầu khí ngoài khơi đắt đỏ hơn nhiều so với các dự án dầu đá phiến ở trên bờ, nơi tập trung vốn đầu tư của các “ông lớn” năng lượng toàn cầu trong một thập niên qua.
Nhưng một khi các mỏ dầu xa bờ đi vào hoạt động, các công ty dầu khí có thể thu lợi nhuận ở mức giá dầu thấp hơn mức hòa vốn của các hình thức sản xuất khác, theo công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy.
Dự án Bay du Nord cách bờ biển tỉnh Newfoundland và Labrador của Canada 500 km là một trong những dự án mỏ dầu xa bờ nhất hiện nay. Tập đoàn năng lượng Equinor của Na Uy sắp đi đến quyết định cuối cùng về dự án này.
Bất chấp chi phí đầu tư cao, các dự án như Bay du Nord vẫn thu hút sự quan tâm của các công ty dầu khí vì trữ lượng 500 triệu thùng dầu của nó sẽ bảo đảm thời gian khai thác đến 20 năm.
Equinor cho biết đến cuối năm 2030, các dự án lớn của tập đoàn này sẽ có mức hòa vốn với giá dầu dưới 35 đô la/thùng.
Theo Rystad, hoạt động sản xuất dầu ở các dự án xa bờ có giá hòa vốn trung bình là 18,10 đô la/thùng dầu, so với mức giá hòa vốn trung bình 28,2 đô la/thùng ở các dự án trên đất liền.
Dự án Bay du Nord nằm cách xa bờ biển đến mức nó nằm trong vùng biển quốc tế, đòi hỏi Canada phải trả phí khai thác khoáng sản cho Liên hợp quốc. Điều này cho thấy các nhà sản xuất sẵn sàng tiếp cận các trữ lượng dầu xa bờ có thời gian khai thác có thể kéo dài tới ba thập niên.
Canada đã đặt mục tiêu giảm lượng khí thải nhà kính từ 40-45% vào năm 2030 so với mức năm 2005, nhưng Ottawa vẫn phê duyệt dự án Bay du Nord của Equinor có tổng vốn đầu tư 16 tỉ đô la Canada (12,27 tỉ đô la Mỹ) hồi tháng 4 vì cho rằng sẽ không có
những vấn đề lớn liên quan đến môi trường.
Ottawa có thể phê duyệt nhiều dự án xa bờ như vậy miễn là chúng có mức phát thải carbon thấp, sử dụng công nghệ tốt nhất và có thể đạt mục tiêu zero ròng về phát thải carbon vào năm 2050, Jonathan Wilkinson, Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Canada, cho biết.
Theo ước tính của Equinor, dự án Bay du Nord sẽ phát thải dưới 8 kg carbon, thấp hơn một nửa so với mức trung bình quốc tế.
Đe dọa môi trường biển
Dự án Bay du Nord, nơi dự kiến sản xuất những thùng dầu đầu tiên vào cuối thập niên này, có thể là dự án đầu tiên trong nhiều dự án lớn ngoài khơi bờ biển tỉnh Newfoundland và Labrador.
Jim Keating Giám đốc điều hành OilCo, công ty dầu khí của chính quyền Newfoundland, cho biết công ty đã xác định 20 dự án xa bờ tiềm năng với trữ lượng 1 tỉ thùng mỗi dự án.
Những dự án như vậy sẽ đi kèm với những thách thức chưa từng thấy. Theo Equinor, kho nổi sử dụng để lưu trữ và xuất dầu của dự án Bay du Nord có kích thước tương đương một khu phố, sẽ sản xuất dầu thô ở vùng biển băng giá với những con sóng cao tới 15 mét vào mùa đông. Các tảng băng trôi qua khu vực này trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7, và hai loài rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng đang sống trong vùng biển này.
Nhà phân tích Marcelo de Assis của hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, nói: “Canada đã có mỏ sản xuất dầu xa bờ có lợi nhuận với mẫu hình thời tiết tương tự”. Assis lưu ý độ sâu đáy biển từ 650 đến 1.170 mét của dự án Bay du Nord thấp hơn nhiều so với các mỏ dầu xa bờ ở những nơi khác, có độ sâu lên tới 3.000 mét.
Theo Rob Strong, nhà tư vấn lâu năm trong ngành công nghiệp dầu mỏ ở Newfoundland, dự án Bay du Nord cách xa bờ biển đến mức các máy bay trực thăng chở công nhân trong ca làm việc ba tuần có thể chỉ chở tám người, thấp hơn một nửa so với con số thông thường, để bảo đảm đủ nhiên liệu cho chuyến bay.
Các “ông lớn” dầu khí khác cũng đang quan tâm đến dự án xa bờ ở Canada. Tập đoàn BP của Anh đã mua cổ phần ở dự án Bay du Nord và Công ty dầu khí Cenovus Energy (Canada) đã khởi động lại một dự án xa bờ bị đình trệ.
Rystad ước tính đầu tư cho các dự án mỏ dầu xa bờ trên toàn cầu sẽ đạt mức 173 tỉ đô la vào năm 2024, tăng 27% so với năm 2021, đảo ngược một thập niên suy giảm đầu tư và tăng trưởng nhanh hơn một chút so với đầu tư cho các dự án mỏ dầu trên đất liền.
Gretchen Fitzgerald, Giám đốc phụ trách Đại Tây Dương của Sierra Club, một tổ chức vận động bảo vệ môi trường ở Mỹ, cho biết các dự án xa bờ vẫn tiềm ẩn những rủi ro lớn về môi trường. Nếu xảy ra một sự cố tràn dầu ở dự án Bay du Nord, Equinor sẽ khó có thể khống chế các vệt dầu loang do sóng biển ở khu vực này rất mạnh, thay vào đó, phải sử dụng hóa chất để phân tán và làm tan rã dầu loang.
Theo Fitzgerald, cách tiếp cận như vậy có thể gây hại cho loài cá voi mũi chai phương Bắc và các rạn san hô dưới biển sâu. Người phát ngôn của Equinor cho biết sẽ chỉ phê duyệt các dự án xa bờ nếu có thể bảo đảm chúng an toàn và với môi trường.
Khả năng kiếm lợi nhuận trong dài hạn vẫn là một dấu hỏi
Khả năng sinh lời của các dự án mỏ dầu xa bờ phụ thuộc vào nhu cầu dầu trong tương lai với các dự báo rất khác nhau. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vào năm 2021 khuyến cáo các dự án nhiên liệu hóa thạch mới trên thế giới sẽ đối mặt áp lực lớn nếu hoạt động vận tải toàn cầu chuyển sang phụ thuộc vào xe điện và nhiên liệu tái tạo
vào giữa thế kỷ này, khiến nhu cầu dầu sẽ giảm 75% xuống mức 25 triệu thùng/ngày.
Jean-Francois Mercure, một giáo sư về chính sách biến đổi khí hậu ở Đại học Exeter của Anh, cho biết dự án Bay du Nord có thể trở thành một tài sản bị mắc kẹt trước khi kết thúc vòng đời của nó nếu nhu cầu dầu thế giới đạt đỉnh trong giai đoạn 2025-2030 và nhu cầu dầu thô của thế giới sẽ được đáp ứng bởi các khu vực có chi phí đầu tư thấp hơn như Trung Đông.
Tuy nhiên, Wood Mackenzie ước tính nhu cầu dầu chỉ có thể giảm 50% và thậm chí có thể tăng lên ngay cả trong kịch bản chuyển đổi năng lượng tham vọng nhất vào năm 2050.
Cả Shell và BP đều có kế hoạch giảm sản lượng dầu thô theo thời gian nhưng cho biết sẽ tiếp tục đầu tư cho các dự án xa bờ. Cả hai tập đoàn này đã bổ sung thêm giàn khoan dầu mới ở Vịnh Mexico (Mỹ) trong năm nay.
Các dự án xa bờ cung cấp khoảng 1/3 sản lượng dầu của thế giới, nhưng con số này có thể tăng lên trong những năm tới. Nhà phân tích Marcelo de Assis nói: “Chuyển đổi năng lượng có thể mất 25-30 năm. Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay ở châu Âu
là một lời nhắc nhở về điều đó”.
Theo Reuters
Lê Linh
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ong-lon-dau-khi-toan-cau-dat-cuoc-vao-cac-du-an-xa-bo/