Ông lớn Vinachem lỗ nặng, sa lầy tại loạt dự án nghìn tỷ đồng
Trong khi loạt dự án yếu kém vẫn đè nặng lên Vinachem thì dịch COVID-19 cùng thời tiết bất lợi khiến ông lớn này rơi vào thua lỗ khoảng 1.025 tỷ đồng từ đầu năm.
Lỗ nặng hơn 1.000 tỷ đồng
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 với con số kém khả quan. Theo đó, Vinachem ước doanh thu quý II đạt 10.432 tỷ đồng, ước lỗ 442 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Vinachem ước doanh thu đạt 19.971 tỷ đồng và lỗ 1.025 tỷ đồng.
Nguyên nhân, theo Vinachem, 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các yếu tố như thời tiết diễn biến bất lợi (mưa đá ở miền Bắc, hạn hán tại Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long..) ảnh hưởng trực tiếp đến việc canh tác, giảm nhu cầu phân bón. Nguyên liệu đầu vào, vốn và điều kiện sản xuất, cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng là khó khăn lớn đối với Vinachem.
Vẫn theo Vinachem, nửa đầu năm, tập đoàn sản xuất và cung ứng cho thị trường 1,5 triệu tấn phân bón các loại, 1,4 triệu lốp ô tô, hơn 2,3 triệu chiếc săm lốp xe máy,137 ngàn tấn chất giặt rửa và nhiều sản phẩm hóa chất…
Kế hoạch kinh doanh quý III/2020, Vinachem dự kiến doanh thu đạt 10.210 tỷ đồng và lỗ 546 tỷ đồng.
“Sa lầy” tại loạt dự án lớn
Vinachem đang gánh 4 “cục nợ” lớn là Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 2 Lào Cai, DAP Hải Phòng – những dự án thua lỗ nằm trong 12 dự án yếu kém ngành Công Thương.
Theo báo cáo quý I, doanh thu Vinachem ước đạt hơn 9.000 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ. Trong đó, 4 doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém trên tiếp tục lỗ khoảng hơn 800 tỷ đồng, tăng tới 246% so với cùng kỳ 2019.
Theo đánh giá của Vinachem, tình hình 4 doanh nghiệp, dự án yếu kém sẽ còn tiếp tục khó khăn nếu dịch bệnh không sớm kết thúc.
Nguyên nhân khiến 4 doanh nghiệp kể trên lỗ nặng là vì năm 2020 khấu hao và chi phí tài chính tăng cao, giá bán giảm. Cụ thể, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc chi phí khấu hao tăng hơn 440 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 122 tỷ đồng so với năm 2019.
Công ty cổ phần DAP Vinachem chi phí khấu hao tăng 47 tỷ đồng so với năm 2019, Công ty cổ phần DAP số 2 Vinachem chi phí khấu hao tăng 131 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình chi phí khấu hao tăng hơn 436 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Dự án Đạm Ninh Bình là hơn 13.000 tỷ đồng
Theo báo cáo của Chính phủ được gửi tới Quốc hội mới đây, dự án đạm Ninh Bình có vốn điều lệ là 2.500 tỷ đồng và Vinachem mới góp thực tế vào công ty 2.314 tỷ đồng (186 tỷ đồng dự kiến để thanh toán cho các nhà thầu).
Dự án khởi công tháng 5/2008, đến tháng 9/2012 được bàn giao tạm thời và đưa vào vận hành thương mại, đến tháng 11/2013, vận hành đạt trên 90% công suất, cơ bản đạt các thông số kỹ thuật theo yêu cầu (đạt 41/46 thông số).
Tháng 7/2016, nhà máy dừng sản xuất do không đủ vốn lưu động và thua lỗ kéo dài. Đến hết năm 2019, Công ty Đạm Ninh Nình có vốn chủ sở hữu âm 3.392 tỷ đồng (tổng tài sản là 9.837 tỷ đồng, nhưng tổng nợ phải trả là 13.184 tỷ đồng), lỗ lũy kế là 5.706 tỷ đồng.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án gặp nhiều khó khăn, chi phí tài chính lớn, chiếm trên 30% giá thành sản phẩm, không cân đối được nguồn tiền để trả các khoản nợ đến hạn, chưa giải quyết được các tranh chấp hợp đồng EPC, chưa quyết toán được dự án.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/ong-lon-vinachem-lo-nang-sa-lay-tai-loat-du-an-nghin-ty-dong-ar558008.html