Ông Mai Văn Trinh: Có 18 học sinh lớp 12 mắc COVID -19
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, đến thời điểm này có 18 học sinh lớp 12 mắc COVID -19, 394 trường F1, chủ yếu ở 4 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Điện Biên.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT).
Sáng 27/5, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với 64 điểm cầu để bàn về kế hoạch tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chuẩn bị cho kỳ thi cần phân công rõ trách nhiệm từng thành viên ban chỉ đạo thi. Công tác in sao đề thi là khâu thách thức hơn năm trước, bởi ngoài đảm bảo an toàn phải có biện pháp đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Ông Trinh cũng lưu ý, các địa phương tập huấn kỹ cán bộ, giáo viên coi thi vì năm ngoái vẫn có cán bộ mắc lỗi, buộc phải tổ chức thêm ngày thi dự phòng. Năm nay, bộ đã đưa thêm danh mục công việc cán bộ coi thi cần làm để tránh sai sót.
Năm nay vì ảnh hưởng dịch bệnh, học sinh một số địa phương không tới trường, phải học trực tuyến có những khó khăn nhất định. Do đó, các địa phương cần có giải pháp để hỗ trợ học sinh ôn tập. Các nhà trường, giáo viên cần lưu ý thí sinh về quy chế thi, đặc biệt những vật dụng không được phép mang vào phòng thi để tránh những vi phạm không đáng có.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến thời điểm hiện tại, trong số học sinh lớp 12 có 18 trường hợp F0, 394 trường F1, chủ yếu ở 4 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Điện Biên.
“Chúng ta đã có trải nghiệm của năm 2020, đặc biệt là kinh nghiệm tổ chức kỳ thi đợt 2 của các địa phương như Đà Nẵng..., nên chúng ta quyết tâm tổ chức kỳ thi năm nay nhưng với tiêu chí đề cao an toàn, nghiêm túc”, ông Trinh nói.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương có kịch bản để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch COVID-19. Cùng với đó là rà soát, phân loại học sinh liên quan đến dịch bệnh.
Ông Trinh cũng cho biết, Bộ GD&ĐT đã xây dựng các kịch bản sẵn sàng ứng phó với các tình huống khác nhau. Trong đó, tổ chức kỳ thi đảm đảm an toàn, tránh lây chéo.
Để làm được như vậy, đề nghị đối tượng học sinh F1 các tỉnh chủ động dự kiến 1 điểm thi riêng, đặt trong hoặc ngoài khu cách ly; Đối tượng là F2 bố trí thi phòng thi riêng. Tùy điều kiện, địa phương có thể bố trí điểm thi riêng cho cả F2. Từng nhóm đối tượng sẽ có giải pháp y tế kèm theo.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần chủ động thực hiện các giải pháp an toàn như: phun khử trùng, khử khuẩn phòng thi; thực hiện tốt biện pháp 5K như: không tụ tập đông người; cố gắng sắp xếp trong phòng thi giãn cách; đo thân nhiệt; trang bị cồn rửa tay từng phòng thi; mỗi điểm thi có bộ phận trực y tế; có bác sĩ kèm vật tư xử lý khi có tình huống bất thường.
Riêng thí sinh F1 buộc phải bố trí điểm thi riêng. Nếu điểm thi cách xa khu vực cách ly, địa phương phải tính toán phương án chống lây nhiễm chéo. “Như năm ngoái, Đà Nẵng cho thí sinh, cán bộ coi thi mặc đồ bảo hộ. Rồi phương án xử lý bài thi, chấm thi đối tượng F1 cũng cần có giải pháp an toàn. Chúng ta sẽ cố gắng tổ chức kỳ thi an toàn, trường hợp bất khả kháng, mới tính toán tổ chức thêm đợt thi”, ông Trinh nói.