'Ông mụ' quân hàm xanh, xóa bỏ tục ... 'đẻ chòi'
Phụ nữ ở Pa Lin, bản nằm lẻ loi giữa núi rừng Quảng Trị, hàng trăm năm qua bị ám ảnh bởi tục... đẻ chòi. Rằng, đến kỳ sinh nở, họ chỉ có một mình trong chiếc chòi ở giữa rẫy, tự sinh đẻ, tự cắt dây rốn cho con và đối diện bao hiểm nguy. Nhưng sự xuất hiện của 'bộ đội Vũ', một người lính biên phòng, đã làm tất cả đổi thay.
Hủ tục ám ảnh
Huyện Đakrông nằm trong danh sách 74 huyện nghèo nhất nước, xã A Vao là một trong những xã nghèo nhất huyện Đakrông nhưng Pa Lin lại là bản... nghèo và xa nhất của A Vao. Dông dài vậy để thấy sự xa ngái của vùng đất bị bao bọc bởi bốn bề rừng núi này. Con đường bê tông độc đạo bé tí và dài gần 30 km, nối trung tâm xã vào Pa Lin cũng chỉ mới hoàn thành vài ba năm trở lại đây nhưng mùa mưa đến cũng sạt lở triền miên. Còn trước khi có đường, di chuyển vào ra là một nỗi ác mộng, với người dân, với cả những người lính biên phòng đồn trú ở nơi này.
Pa Lin có 175 hộ/756 khẩu, chủ yếu là người Pa Kô, sống nhờ nương rẫy. Vì địa hình hiểm trở, dân trí thấp, “con ma bệnh” đã tác oai tác quái ở vùng đất này hàng trăm năm qua. Ốm đau nặng nhẹ đều lụy vào... thầy mo. Mãi đến năm 2014, Trạm Quân dân y Pa Lin mới hình thành nhưng biên chế cũng chỉ 2 quân y sĩ.
Còn đối với sản phụ, “đẻ chòi” là một nỗi ám ảnh. Hồ Côn Nhắc, Trưởng Ban mặt trận thôn Pa Lin, vẫn còn rùng mình khi nhớ lại: “Trước đây, khi phụ nữ đến ngày sinh nở, người thân làm cho 1 cái chòi cạnh bìa rừng. Sản phụ tự sinh, nếu sống thì được đưa lên nhà, còn không may thì... tự xử lý. Cũng có nhiều trường hợp rủi ro cả mẹ lẫn con”.
Thế nhưng, ít ai ngờ, sự xuất hiện của 1 y sĩ của bộ đội biên phòng, với vóc người nhỏ nhắn, cũng chẳng có trình độ chuyên môn về sản khoa, lại có thể đẩy lùi và xóa bỏ được thứ hủ tục ăn sâu vào tiềm thức người dân nơi chốn này hàng trăm năm. Đó là Thiếu tá Trần Minh Vũ (52 tuổi), cán bộ quân y Đồn Biên phòng A Vao, phụ trách Trạm quân dân y Pa Lin. Với 31 năm đời lính quân hàm xanh, lăn lộn từ đồn rừng xuống đồn biển, thậm chí là đảo Cồn Cỏ, Thiếu tá Vũ bật mí bí quyết làm được những điều không tưởng: “Tôi đến với bà con bằng tấm lòng mình, bằng sự chân thành, chứ không có gì hơn”.
Những pha đỡ đẻ... nghẹt thở
Câu chuyện mà Thiếu tá Vũ kể về những đổi thay trong việc sinh nở của đồng bào Pa Kô ở bản Pa Lin nghe có vẻ nhẹ nhàng, nhưng thực tế đó là cả một quá trình “mưa dầm thấm lâu”.
3 năm được phân công lên đồn trú ở Pa Lin, dấu chân của vị y sĩ biên phòng này in khắp bản làng. Thiếu tá Vũ cùng các đồng đội của mình đến được với những ngôi nhà sàn xa nhất bản, nếu ở đó có những sản phụ sắp sinh. Họ đến để nói với người dân rằng muốn sinh đẻ an toàn thì phải ra trung tâm y tế ở huyện, xã...
Qua cách nói gần gũi của Thiếu tá Vũ, bà con răm rắp nghe theo. Nhưng ngặt nỗi, hầu hết các sản phụ sống ở Pa Lin đều không biết ngày dự sinh, bởi họ cũng chưa được đi siêu âm bao giờ. Chỉ đến khi đau bụng, thậm chí vỡ ối thì người nhà mới cuống cuồng đi tìm gọi bộ đội Vũ.
“3 năm lên đây tôi đỡ đẻ 6 ca nhưng ca nào cũng lâm vào... thế đã rồi, không thể đưa ra ngoài trung tâm. Tôi lâm vào tình thế... không đỡ cũng phải đỡ”, anh Vũ kể.
Vì thế, dù là y sĩ, kiến thức về sản khoa giới hạn, nhưng anh đã xắn tay đỡ đẻ. Ngoài lần đỡ đẻ đầu tiên còn bỡ ngỡ, Thiếu tá Vũ đã tìm hiểu thêm sách vở, làm quen với các bác sĩ sản khoa, nữ hộ sinh để học hỏi thêm kinh nghiệm đỡ đẻ. “Tôi có thể không giỏi nhưng ít nhất là hơn mấy “bà mụ” ở trong bản và càng tốt hơn là để các sản phụ đi... đẻ chòi”, anh tự tin nói.
Thế nhưng vị y sĩ biên phòng này không sao quên được một pha đỡ đẻ gay cấn nhất cuộc đời mình. Đó là 2 giờ sáng ngày 9/10/2023, trời mưa tầm tã, khi ông đang trực ở trạm thì nghe tiếng đập cửa mạnh. Mở cửa thì thấy chồng sản phụ Hồ Thị Lao ướt như chuột lột, mếu máo: “Bộ đội Vũ ơi, cứu vợ con em với”.
Thiếu tá Vũ vớ ít dụng cụ y tế và túi thuốc, lao đi giữa đêm mưa. “Qua thăm khám thì sản phụ Lao đã vỡ ối. Trong lúc này, việc ra trung tâm y tế xã chắc chắn không kịp, nhưng vì nhà sản phụ cách trạm quân dân y chừng 3 km nên tôi nghĩ đưa sản phụ qua trạm dù gì cũng đầy đủ hơn ở nhà. Nhưng khổ nỗi sản phụ mới ra khỏi nhà hơn 1 km thì đau dữ dội, không thể chịu thêm được.
Tôi phải dừng lại để xem thì phát hiện đầu thai nhi đã lọt qua cổ tử cung nên vội vàng bảo với người nhà lấy áo mưa che cho sản phụ và triển khai hỗ trợ đẻ ngay bên đường. Trong lúc đó trời đang mưa rất to, gió lớn làm tung cả áo mưa.
Bản thân tôi không kịp đeo găng tay, khẩn trương vào hỗ trợ sản phụ. Sau chưa đầy 10 phút thì ca đẻ thành công. Khổ nỗi, người nhà không đem theo một tấm chăn hoặc khăn nào cả nên tôi phải lấy áo mình mặc trùm kín sản phụ rồi đưa đến trạm...”, Thiếu tá Vũ kể.
Cha của những đứa trẻ có tên “lạ”
Hồ Biên Cương, Hồ Biên Thùy, Hồ Thị Vũ Trang, Hồ Thị Hòa Bình, Hồ Thị Hạnh Phúc, Hồ Hoàng Trường Sa... là tên của 6 đứa trẻ do Thiếu tá Vũ đỡ thành công nơi miền sơn cước này. Các cháu mang những cái tên không thể lẫn vào đâu được.
Anh Vũ kể rằng, sau khi sinh nở thành công, mẹ tròn con vuông, người nhà của các sản phụ đều muốn anh làm “cha đỡ đầu” và đặt tên cho tụi nhỏ. “Tôi cũng áp lực lắm. Nghĩ mãi không biết đặt tên gì. Cuối cùng tôi đã chọn các tên như vậy, chúng gắn với đất nước mình, với vùng sâu vùng xa, với nguyện ước khi nào các cháu lớn lên thì cùng với bộ đội biên phòng xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh”, Thiếu tá Vũ cho biết.
Chị Hồ Thị Thức, mẹ của cháu Hồ Thị Hạnh Phúc (sinh năm 2023) không nghĩ nhiều như Thiếu tá Vũ. Chị chỉ biết rằng nếu không có người lính quân y biên phòng này, chưa chắc chị và con còn ngồi đây nói chuyện. “Với chúng tôi, bộ đội Vũ như là... trưởng bản, già làng. Bộ đội Vũ nói, chúng tôi nghe”, chị Thức nói.
Thiếu tá Vũ cũng đã từng cứu mạng đồng đội trong 1 tình huống cực kỳ ngặt nghèo. Đó là vào trận lũ lịch sử năm 2020 (đêm 19/10/2020), gây sạt lở đất nghiêm trọng, chia cắt bản Pa Lin với trung tâm. Trong tình huống đó, 1 chiến sĩ bị ốm nặng.
Qua thăm khám, y sĩ Vũ chẩn đoán chiến sĩ bị viêm ruột thừa cấp. “Khi đó tôi rất căng thẳng vì nếu tôi chẩn đoán đúng thì đã đành, nếu sai thì vất vả cho anh em đồng đội, vì đơn vị phải điều động nhân lực để đưa đồng đội lên tuyến trên. Để lên tuyến trên phải vận chuyển bệnh nhân bằng võng, qua 20 km đường rừng, vì các phương tiện cơ giới không thể vào được”, Thiếu tá Vũ nói.
Cuối cùng, Đồn Biên phòng A Vao vẫn thành lập tổ công tác đặc biệt 10 người, vượt núi băng rừng đưa chiến sĩ bị ốm ra ngoài. Sau hơn 3 giờ, đoàn đến được địa điểm xe cứu thương của BĐBP tỉnh Quảng Trị chờ sẵn.
“Tôi lên xe cùng bệnh nhân di chuyển tiếp về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Qua siêu âm chẩn đoán, đúng là đồng chí ấy bị viêm ruột thừa, trễ tí nữa thì nguy hiểm đến tính mạng. May mắn, mọi sự đều ổn”, anh Vũ cho biết.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ong-mu-quan-ham-xanh-xoa-bo-tuc-de-choi-185767.htm