Ông Nguyễn Chí Thường gương mẫu làm kinh tế để con cháu noi theo
Với động lực lớn nhất là làm tấm gương sáng cho con cháu noi theo, ông Nguyễn Chí Thường, sinh năm 1965, ở thôn Cây Tre, xã Xuân Lai đã không ngừng nỗ lực tìm tòi những cách làm hay để áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương nông thôn mới Yên Bình.
Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, vợ chồng ông Thường chọn hướng phát triển chăn nuôi và trồng rừng kinh tế để nâng cao thu nhập. Sau khi tham khảo, nhận thấy diện tích đồi trống bỏ hoang của gia đình còn nhiều, ông Thường chọn cây keo trồng trên diện tích hơn 4ha.
Ông Thường chia sẻ: "Cây keo có đặc tính sinh trưởng và phát triển nhanh, chi phí trồng và chăm sóc thấp, mỗi héc - ta chỉ cần đầu tư khoảng 15 triệu đồng cho chi phí trồng và chăm sóc, sau từ 5 - 7 năm, cây keo đã có thể khai thác. Thời điểm hiện tại, cây keo từ 5 năm tuổi sẽ cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng/ha; cây từ 6 năm tuổi cho thu nhập 100 triệu đồng/ha và cây trên 7 năm tuổi cho thu nhập đến 130 triệu đồng/ha”.
Tìm hiểu thị trường, vợ chồng ông Thường còn mạnh dạn đầu tư nuôi trâu vỗ béo và duy trì đàn với số lượng khoảng 5 - 10 con. Để đàn trâu phát triển tốt, bên cạnh chú trọng chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, ông trồng gần 2.000 m2 cỏ voi, trồng thêm chuối, mua thêm rơm của người dân để làm thức ăn cho trâu thêm phong phú và luôn được bảo đảm quanh năm.
Ngoài ra, ông nuôi thêm 40 - 60 con lợn/lứa, mỗi năm xuất chuồng 2 lứa; duy trì nuôi gà, vịt thường xuyên có trên 100 con để phục vụ sinh hoạt gia đình và cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó, ông Thường quyết định bỏ diện tích gần 1.000 m2 trồng lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá.
Với đức tính cần cù, năng động, ông Thường luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi để áp dụng vào thực tế, nên đàn gia súc, gia cầm của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu nhập ổn định.
Trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt, gia đình ông Thường tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất như: khử trùng chuồng trại để phòng tránh bệnh dịch; không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế; chú trọng thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường; không xả thải các chất thải ra ngoài môi trường để làm ảnh hưởng xấu đến môi trường nông thôn và việc chăn nuôi của gia đình, làng xóm.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, ông Thường còn nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực tuyên truyền, vận động bà con nâng cao nhận thức, đổi mới cách làm, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và đóng góp các loại quỹ theo quy định và quỹ do địa phương phát động.
Với tinh thần quyết tâm cao, không ngại khó khăn vươn lên làm giàu, mô hình kinh tế tổng hợp của ông Thường ngày càng phát triển và không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình, mà còn là động lực để nhiều hội viên, nông dân trong xã học tập, noi theo, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Hiện nay, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp nuôi cá, trồng rừng kinh tế đã mang lại cho gia đình ông thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Nhiều năm liền, gia đình ông Thường đạt hộ nông dân tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi, được các cấp biểu dương, khen thưởng.
Ông Triệu Văn Kham - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lai cho biết: bằng quyết tâm, nghị lực và sự cần cù, sáng tạo trong sản xuất, gia đình ông Nguyễn Chí Thường đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao.
Từ khó khăn, gia đình ông đã vươn lên thành hộ khá giả và từng bước làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương. Với những thành tích đạt được trong phát triển kinh tế, hằng năm gia đình ông đều đạt danh hiệu "Sản xuất, kinh doanh giỏi”. Với họ hàng, gia đình, làng xóm, ông Thường đã trở thành một nông dân, người ông, chú, bác, người cha mẫu mực về lối sống, tiêu biểu về ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.