Ông Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch VCM và VinCommerce
Dữ liệu của VietTimes cập nhật đến ngày 12/2/2020 cho thấy, các cổ đông ngoại là quỹ đầu tư GIC (thuộc Chính phủ Singapore) và Credit Suisse đều không còn nắm giữ cổ phần tại VCM - công ty mẹ của của VinCommerce. Trong khi vị trí cao nhất của 2 doanh nghiệp này đã được tiếp quản bởi Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang.
Tháng 12/2019, CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) đã thông qua việc hoàn tất sáp nhập Masan Consumer Holdings (MCH) và CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (VCM) để thành lập tập đoàn tiêu dùng lớn nhất Việt Nam.
Trong đó, MSN là cổ đông sở hữu 70% cổ phần của công ty mới, đồng thời phát hành quyền chọn được nhận (30%) cổ phần còn lại của pháp nhân này.
Công ty mới nắm giữ 85,7% cổ phần của MCH và 83,74% cổ phần VCM, qua đó gián tiếp sở hữu CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce (đơn vị quản lý chuỗi 134 siêu thị VinMart, 2.888 cửa hàng Vinmart+ và 14 nông trại của VinEco).
Theo bản cáo bạch và các phụ lục chào bán trái phiếu ra công chúng được Masan công bố mới đây, ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc của Masan) hiện đang giữ vai trò Chủ tịch HĐQT tại VCM và VinCommerce.
Bản cáo bạch cho thấy, ông Quang đã bắt đầu đảm trách các vị trí này từ tháng 12/2019, tức ngay khi thương vụ nhận chuyển nhượng từ Vingroup hoàn tất.
Được biết, ngoài các chức vụ đứng đầu tại các doanh nghiệp trên, ông Quang hiện đang đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT của MSCH và Phó Chủ tịch thứ nhất HĐQT của Techcombank.
Liên quan đến thương vụ sáp nhập MCH và VCM, dữ liệu của VietTimes cập nhật đến ngày 12/2/2020 cho thấy, các cổ đông ngoại là quỹ đầu tư GIC (thuộc Chính phủ Singapore) và Credit Suisse đều không còn nắm giữ cổ phần tại VCM.
Trước đó, vào tháng 9/2019, GIC đại diện cho nhóm nhà đầu tư rót 500 triệu USD vào VCM. Cụ thể, thông qua công ty con Ardolis Investment, GIC sở hữu 9,76% vốn, trong khi Credit Suisse chi nhánh Singapore sở hữu 6,5% vốn tại VCM. Theo tính toán của VietTImes, GIC đã định giá VCM hơn 3,075 tỷ USD.
Chưa rõ nhóm nhà đầu tư này đã thoái vốn hoàn toàn hay chuyển đổi cổ phần sang pháp nhân mới.
Đối với Masan, việc sáp nhập VCM giúp tập đoàn này sở hữu hệ thống cửa hàng bán lẻ rộng khắp, thông qua đó góp phần tạo cơ sở để thúc đẩy doanh thu thịt mát - một trong những động lực phát triển mới của Masan - sẽ đạt mức tăng trưởng tốt trong thời gian tới.
Về việc chào bán trái phiếu, Masan dự kiến sẽ chào bán 100 triệu trái phiếu ra công chúng, chia làm 4 đợt, để huy động 10.000 tỷ đồng. Trong đợt 1, Masan sẽ chào bán 30 triệu trái phiếu, tương ứng với 3.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu có thời hạn 3 năm, trả lãi định kỳ 6 tháng/lần với lãi suất năm đầu tiên là 9,3%/năm. Ngày phát hành dự kiến là 9/3/2020.
Về kế hoạch sử dụng vốn, Masan muốn góp thêm vốn 5.000 tỷ đồng vào Công ty TNHH Tầm Nhìn Masan, cấp khoản vay cho MCH là 3.000 tỷ đồng, cấp khoản vay cho MNS Meat Hà Nam 1.000 tỷ đồng và thanh toán nợ vay nội bộ cho Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo 1.000 tỷ đồng./.