Ông Nguyễn Quang Tuấn có được hành nghề y ngay sau khi thụ án xong?
Dư luận quan tâm việc cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn sau khi thụ án 3 năm tù, ông có được hành nghề y ngay hay không?
Chiều 21.4, Tòa án nhân dân (TAND) Hà Nội đã tuyên phạt cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn 3 năm tù giam về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Mức án trên thấp hơn đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Hà Nội (đề nghị 4-5 năm tù) và dưới khung hình phạt truy tố.
Tuyên mức án trên, tòa sơ thẩm nhận định, ông Tuấn là giám đốc bệnh viện từ năm 2015, có trình độ chuyên môn cao và là một trong những chuyên gia đầu ngành về điều trị tim mạch, được đánh giá cao ở trong nước và quốc tế.
Khi công tác, ông Tuấn được tặng nhiều danh hiệu, trong đó có danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú.
"Bị cáo nguyên là đại biểu Quốc hội khóa XIV, trực tiếp điều trị và hướng dẫn chữa trị cho nhiều người, được nhân dân khen ngợi. Đó là những đóng góp lớn cho ngành Y tế và xã hội" - bản án nhận định.
Tuy vậy, bản án công bố không đề cập việc cấm ông Tuấn đảm nhiệm chức vụ hay cấm hành nghề sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Dư luận quan tâm, với trình độ chuyên môn của một giáo sư hàng đầu về tim mạch, sau khi thụ án xong, ông Tuấn có được hành nghề ngay hay không.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội - cho biết, căn cứ quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 29 Luật Khám chữa bệnh năm 2009, chứng chỉ hành nghề bị thu hồi trong trường hợp “Người hành nghề thuộc một trong các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 18 của Luật này”.
Do đó, chứng chỉ bị thu hồi trong: “… trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; Đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự”.
Vì vậy, trong thời gian bị truy tố hoặc bị kết án hoặc trước và trong thời gian chấp hành hình phạt tù, ông Tuấn bị thu hồi chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định về những trường hợp được cấp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các trường hợp như sau: Chứng chỉ hành nghề bị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh; Chứng chỉ hành nghề bị mất hoặc hư hỏng. Căn cứ quy định trên, trường hợp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của ông Tuấn bị thu hồi sẽ được cấp lại theo quy định.
Việc quan tâm của dư luận, xuất phát từ mức án ông Tuấn bị tuyên phạt chỉ 3 năm. Tính từ thời điểm ông Tuấn bị khởi tố, bắt tạm giam đến phiên tòa 21.4, ông này đã thụ án được hơn 1 năm, 4 tháng.
Nếu được xem xét giảm án, tha tù, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội có thể ra sớm hơn quy định.
Từ các dẫn chứng trên, luật sư Khuyên nhấn mạnh, ông Tuấn không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề thì sau khi ra tù có thể hành nghề ngay sau khi được cấp phép chứng chỉ.