Ông Phạm Xuân Thăng nói về những lần nhận tiền từ Việt Á
Liên quan đến cáo buộc nhận tiền từ Phan Quốc Việt, ông Phạm Xuân Thăng cho biết có nhận 100.000 USD vào dịp sau Tết Nguyên đán 2021 và thông qua cấp dưới nhận thêm 3 lần.
Sáng 4/1, TAND Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử đối với cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cùng 35 người trong đại án Việt Á.
Trong vụ án này, ông Long và ông Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký của ông Long) và 4 bị cáo khác bị truy tố về tội Nhận hối lộ.
Cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và cựu Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
29 người còn lại bị cáo buộc tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi và Đưa hối lộ.
Đứng trước bục khai báo, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng trình bày bị cáo gặp ông Nguyễn Thanh Long và được nói về việc tạo điều kiện cho Việt Á tham gia chống dịch ở Hải Dương khi dịch bùng phát tại địa phương vào đầu năm 2021. Sau đó, bị cáo nói lại với Phạm Mạnh Cường (Giám đốc Sở Y tế Hải Dương) về việc này.
Ông Thăng khai không nhớ đã chủ trì bao nhiêu cuộc họp trong giai đoạn tháng 1/2021 đến tháng 4/2021, nhưng tổng cộng đã ban hành 66 văn bản. Ngoài ra, cựu Bí thư Hải Dương cho biết có chỉ đạo một cuộc họp online về chống dịch vào ngày 29/1/2021, cuối giờ trưa ở khách sạn Marriott.
"Từ lời giới thiệu của cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long - là người có chuyên môn nên bị cáo rất tin tưởng để cho Việt Á tham gia chống dịch tại Hải Dương", ông Thăng nói.
Cũng theo ông Thăng, trong cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy do bị cáo chủ trì, có cựu Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt tham gia. "Với tư cách là người chủ trì cuộc họp, bị cáo thấy cần huy động nhiều nguồn để chống dịch. Tuy nhiên, bị cáo không nhớ cá nhân, đơn vị nào tham mưu để Việt tham gia cuộc họp này", cựu Bí thư Hải Dương nói thêm.
Cáo trạng xác định một trong những địa phương có sai phạm nghiêm trọng liên quan Việt Á là Hải Dương. Để chiếm lĩnh thị trường kit test tại địa phương này, Việt đã nhờ ông Nguyễn Thanh Long và Nguyễn Huỳnh tác động đến cựu Bí thư tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng. Được bí thư tỉnh ủy đồng ý, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo phòng chống dịch ban hành nhiều văn bản có nội dung "giao CDC ký hợp đồng với Việt Á".
Quá trình đưa kit xét nghiệm về bán độc quyền tại Hải Dương, Việt còn thỏa thuận chia 20-30% giá trị ngoài hợp đồng cho giám đốc CDC Phạm Duy Tuyến. Ông Tuyến sau đó đồng ý cho Việt Á cung cấp thiết bị trước rồi làm hồ sơ hợp thức, quyết toán sau.
Liên quan đến cáo buộc nhận tiền từ Phan Quốc Việt, ông Phạm Xuân Thăng cho biết có nhận 100.000 USD vào dịp sau Tết Nguyên đán 2021 từ Việt Á, song không nhớ rõ ngày nào. Ngoài ra, bị cáo nhận từ Phạm Duy Tuyến 3 lần, tổng cộng 600 triệu đồng và 50.000 USD. Lần cuối cùng nhận tiền từ Phạm Duy Tuyến là vào tháng 11/2021.
Khi được HĐXX hỏi dùng số tiền đã nhận vào việc gì, ông Thăng cho biết bị cáo dùng tiền vào chi tiêu cá nhân.
Trước đó, được tòa xét hỏi liên quan hành vi nhận của cựu Tổng giám đốc Việt Á 2,25 triệu USD, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày, sau khoảng 9-10 tháng cấp phép tạm thời, thư ký Nguyễn Huỳnh có đưa tiền cho tôi, tôi hỏi lại tại sao đưa, Huỳnh trả lời "do làm ăn được nên đưa cảm ơn".
"Tại sao nói là công tâm, không ưu ái Việt Á trong quá trình cấp phép mà lại nhận tiền", chủ tọa đặt câu hỏi. "Tôi có hỏi ông Huỳnh tại sao lại đưa tiền, thì Huỳnh nói là cảm ơn. Tôi đã nhận và xin lỗi", cựu Bộ trưởng Y tế nói, giọng chậm rãi.
Theo cáo trạng, đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, lợi dụng chủ trương của Nhà nước về việc giao các đơn vị nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch; Phan Quốc Việt đã thông đồng với các bị cáo có chức vụ tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ để Công ty Việt Á được tham gia thực hiện đề tài.
Cáo trạng xác định, để được tham gia nghiên cứu, cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm, hiệp thương giá, Việt bị cáo buộc đưa hối lộ 106 tỷ đồng, trong đó có 3 triệu USD và 4 tỷ đồng (tổng 82 tỷ đồng) chi cho 6 quan chức.
Ngoài ra, Phan Quốc Việt còn chi tiền "cảm ơn" ông Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ) 200.000 USD; ông Chu Ngọc Anh 200.000 USD và ông Phạm Công Tạc 50.000 USD.
Theo nhà chức trách, hành vi nhận tiền "cảm ơn" của ông Trịnh, Ngọc Anh và ông Tạc là tiền hưởng lợi do lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Những người này được xác định không gây khó khăn để Phan Quốc Việt phải đưa tiền, nên không cấu thành hành vi đưa, nhận hối lộ.
Cáo trạng nêu trong năm 2020 và 2021, Công ty Việt Á đã sản xuất 8,7 triệu kit test và tiêu thụ được 8,3 triệu sản phẩm với đơn giá 470.000 đồng. Trong đó, Việt Á đã được thanh toán gần 6 triệu kit test, tổng giá trị hơn 2.235 tỷ đồng.