Ông Phan Đình Trạc: Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực để 'không dám' tham nhũng
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho rằng cần có cơ chế, chính sách để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực để 'không dám' tham nhũng.
Ngày 5-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về nghiên cứu, học tập, quán triệt Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại điểm cầu TP Hà Nội có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương tham dự.
Tại điểm cầu TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải... cũng đã tham dự.
Kiểm soát quyền lực để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực
Trong phiên sáng nay, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã truyền đạt nghị quyết "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới".
Ông Trạc cho biết, Trung ương đã đặt ra 10 giải pháp, nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn như: tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Một trong những nội dung trọng tâm chính của nghị quyết là yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
"Phòng, chống tham nhũng thì từ lâu rồi nhưng đây là lần đầu tiên Trung ương đề ra những giải pháp kiểm soát quyền lực nhà nước”- ông Trạc cho hay.
Ông Trạc nhấn mạnh, Trung ương yêu cầu, thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm.
Quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm, xử lý vi phạm. Kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức.
"Bản chất của tham nhũng, tiêu cực là lợi dụng quyền lực. Cho nên chúng ta kiểm soát quyền lực chính là ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực", ông Trạc nêu.
Bên cạnh đó, Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng nhấn mạnh việc phân định trách nhiệm, quyền hạn và mối quan hệ phối hợp và tự kiểm soát bên trong từng cơ quan cũng như giữa các cơ quan với nhau, giữa cấp trên với cấp dưới, cấp dưới và cấp trên.
Quy định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan hành pháp trong kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp và của cơ quan tư pháp trong kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, lập pháp…
Thực hiện "bốn không" trong phòng, chống tham nhũng
Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, nghị quyết yêu cầu nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ông Trạc nói, việc này đòi hỏi sự công phu, rất khó và phải phù hợp với thể chế chính trị thực tiễn của nước ta.
Một nhiệm vụ khác là cần ban hành các quy định kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý sử dụng tài chính, tài sản công.
Đồng thời thực hiện "bốn không" trong phòng, chống tham nhũng. Cụ thể:
Thứ nhất, hình thành cơ chế, chính sách pháp luật chặt chẽ để "không thể" tham nhũng. “Đó là cơ chế chính, phòng vẫn phải chặt chẽ”- ông Trạc cho hay.
Thứ hai, phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để "không dám" tham nhũng.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức để "không cần" tham nhũng, tiêu cực.
"Đương nhiên việc này góp phần quan trọng thôi chứ không chấm dứt được tham nhũng. Bởi những người tham nhũng vừa rồi là những người giàu. Người giàu mà họ tham nhũng lớn"- ông Trạc nói.
Thứ tư, cần xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để "không muốn" tham nhũng.
Hội nghị được kết nối tới 11.632 điểm cầu các ban, bộ, ngành, đoàn thể, đơn vị ở Trung ương và cấp huyện, cấp cơ sở trên toàn quốc, với trên 1.196.827 cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết.
Dự kiến hội nghị diễn ra trong hai ngày. Các đại biểu sẽ được các báo cáo viên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước truyền đạt 4 chuyên đề. Sau đó, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng sẽ phát biểu kết luận hội nghị.
Các chuyên đề gồm: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại TP.HCM, ngay sau khi chương trình hội nghị kết thúc, các đại biểu sẽ nghe trình bày dự thảo các chương trình hành động của Thành ủy TPHCM về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII.