Ông Putin: Cho Ukraine dùng vũ khí tấn công Nga, phương Tây có muốn xung đột không?
Các nước phương Tây cần hiểu rằng những cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga sử dụng vũ khí mà họ cung cấp cho Ukraine sẽ gây ra những 'hậu quả nghiêm trọng'.
Liệu họ có muốn gây xung đột toàn cầu không?
Hãng tin RT cho biết, lời cảnh báo trên được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra ngày 28/5 nhằm đáp trả việc Ukraine yêu cầu NATO cho phép nước này sử dụng vũ khí tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga và tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg dường như "bật đèn xanh" cho đề xuất này.
Trước đó, phát biểu với tạp chí The Economist, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, giờ là thời điểm các đồng minh phương Tây cởi trói cho Ukraine, cho phép nước này sử dụng vũ khí NATO cung cấp tấn công tầm xa vào các mục tiêu nằm trong lãnh thổ Ukraine.
"Việc từ chối cho Ukraine sử dụng vũ khí tấn công các mục tiêu hợp pháp trên lãnh thổ của Nga trong bối cảnh giao tranh đang dữ dội tại Kharkov, gần biên giới với Nga sẽ khiến Ukraine rất khó để tự vệ", ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh.
Trước bình luận này, ông Putin đáp lại: "Thành thật mà nói, tôi không hiểu Tổng thư ký NATO đang nói gì".
"Những hành động leo thang căng thẳng liên tục như hiện nay có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp xảy ra hậu quả nghiêm trọng trên đất châu Âu, liệu Mỹ sẽ hành xử như thế nào, đừng quên xét đến sự cân bằng về vũ khí chiến lược giữa hai bên? Liệu họ có muốn gây xung đột toàn cầu không?", ông Putin bỏ ngỏ.
Tổng thống Nga Putin lý giải, những cuộc tấn công chính xác tầm xa sẽ đòi hỏi phải có các thiết bị trinh sát ngoài không gian trong khi Kiev không sở hữu nhưng Mỹ lại có. Chính vì thế, việc đó chỉ có thể được thực hiện bởi "những chuyên gia đạt tiêu chuẩn cao" của phương Tây.
"Chính vì thế, những quốc gia đại diện cho NATO, đặc biệt là các quốc gia châu Âu có lãnh thổ nhỏ cần phải hiểu rõ họ đang đùa với ai", ông Putin cảnh báo và nói thêm có rất nhiều quốc gia châu Âu có lãnh thổ nhỏ nhưng lại có rất đông dân cư.
Tổng thống Putin cũng tố cáo nhiều quốc gia phương Tây phớt lờ thực tế Ukraine đang tấn công Belogrod và nhiều khu vực của Nga dọc biên giới Ukraine mà chỉ chăm chăm quan tâm đến những bước tiến của Nga tại Kharkov.
Ông Putin lý giải vì sao ông Zelensky không còn là Tổng thống Ukraine
Tổng thống Nga Putin nhắc lại quan điểm rằng Tổng thống Ukraine Zelensky không còn quyền lực hợp pháp do nhiệm kỳ của ông đã kết thúc ngày 20/5 và chính quyền Kiev chưa tổ chức bầu cử lại theo quy định của Hiến pháp.
Chính vì thế, ông Putin nhấn mạnh, theo Điều 111 của Hiến pháp Ukraine, ông Zelensky phải trao lại quyền lực cho Chủ tịch Quốc hội và Quốc hội Ukraine hiện là cơ quan duy nhất nắm quyền điều hành đất nước.
Trước đó, Tổng thống Zelensky cho rằng, quyền lực của ông đã được tự động gia hạn bởi quốc gia đang trong tình trạng thiết quân luật và Ukraine không thể tổ chức bầu cử Tổng thống trong thời chiến.
Đáp lại, ông Putin khẳng định, Hiến pháp Ukraine không hề đề cập đến việc dừng cuộc bầu cử Tổng thống trong điều kiện đất nước có chiến tranh. Hiến pháp Ukraine chỉ cấm tổ chức bầu cử Quốc hội. Điều này đồng nghĩa, chỉ có nhiệm kỳ của Quốc hội Ukraine mới được tự động gia hạn trong hoàn cảnh này.
Đây cũng chính là lý do ông Putin khẳng định Nga vẫn để ngỏ khả năng tham gia "các cuộc đàm phán thực chất" nhưng vẫn chưa thể thực hiện được bởi Moscow không biết phải đàm phán với ai khi ông quyền lực của Tổng thống Zelensky đã hết hiệu lực.
Ông Putin cũng bác bỏ những nỗ lực của phương Tây trong việc công nhận tình trạng hợp pháp của chính quyền Kiev để ông Zelensky tham gia đàm phán hòa bình tại Thụy Sĩ vào tháng 6 tới và cho rằng hành vi này là "vô nghĩa".