Ông Putin: Nếu Nga thực sự đầu độc ông Navalny, ông ấy đã chết
Tổng thống Putin nói ông Navalny nhận hậu thuẫn từ tình báo Mỹ và nếu thực sự đặc vụ Nga muốn đầu độc ông ấy thì ông ấy đã chết.
Hôm 17-12, phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo cuối năm thường niên, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny đang nhận hậu thuẫn từ tình báo Mỹ. Ông Putin nói thêm nếu thực sự đặc vụ Nga muốn đầu độc ông Navalny thì chắc chắn ông ấy đã phải chết rồi, theo đài CNN.
Nếu Nga muốn giết ông Navalny thì ông ấy sẽ chết
Những tuyên bố trên của ông Putin nhằm trả lời câu hỏi của báo giới sau một cuộc điều tra về vụ ám hại ông Navalny do nhóm điều tra Bellingcat và CNN công bố hôm 14-12. Cuộc điều tra tiết lộ bằng chứng Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thành lập một đội tinh nhuệ có chuyên môn cao về chất độc thần kinh và đã theo dõi ông Navalny trong nhiều năm.
Trong bình luận đầu tiên của ông về cuộc điều tra, Tổng thống Putin không bác bỏ bất kỳ chi tiết nào của cuộc điều tra ngoại trừ về cơ bản xác nhận các đặc vụ FSB quả thật có theo dõi ông Navalny.
Theo ông Putin, vì ông Navalny nhận hậu thuẫn từ tình báo Mỹ nên các đặc vụ Nga cần phải để mắt đến ông này.
“Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa cần phải đầu độc anh ta, ai cần anh ta chứ? Nếu ai đó muốn đầu độc anh ta thì họ sẽ kết liễu anh ta” – ông Putin nói thêm.
“Nhưng trong trường hơp này, vợ anh ta đã yêu cầu tôi và tôi lập tức ra lệnh đưa anh ta ra khỏi Nga để tới Đức điều trị. Đây là một thủ thuật để công kích các nhà lãnh đạo Nga” – ông Putin nhấn mạnh.
Ông Putin tránh gọi trực tiếp Navalny trong cuộc họp báo mà chỉ gọi là “bệnh nhân ở phòng khám Berlin” khi đề cập nhân vật đối lập này.
Nhà lãnh đạo Nga mô tả các báo cáo về trường hợp ông Navalny là “những câu chuyện được cấy ghép".
“Thực tế chẳng có gì đáng ngạc nhiên về việc những câu chuyện được cấy ghép này đang diễn ra. Chúng đã và luôn sẽ như vậy” – ông Putin nói.
Ông Putin đã tổ chức cuộc họp báo cuối năm thường niên tại nơi ở của ông ở Novo-Ogaryovo thuộc vùng Moscow. Một nhóm nhà báo được chọn lọc, những người phải trải qua kiểm dịch trước khi tham dự đã có mặt trong phòng cùng với Tổng thống Putin. Các nhà báo khác và người dân đặt câu hỏi thông qua liên kết video từ Moscow và các nơi khác.
“Chiến tranh thông tin”
Trong một phiên hỏi đáp ngắn sau cuộc họp báo kéo dài 4-5 tiếng đồng hồ, ông Putin tuyên bố cuộc điều tra của CNN và Bellingcat xác định một nhóm điệp viên FSB theo dõi ông Navalny bằng cách sử dụng dữ liệu hóa đơn điện tử mà Bellingcat thu được là một hình thức “chiến tranh thông tin” do tình báo nước ngoài đơn giản hóa.
Khi được hỏi liệu ông có tin dữ liệu cá nhân của các sĩ quan an ninh Nga bị các cơ quan tình báo khác “đánh cắp” là “chuyện thường ngày” hay không, ông Putin trả lời:
“Chuyện này xảy ra mọi lúc mọi nơi, chúng tôi biết rằng họ thậm chí không che giấu điều đó và một số cựu nhân viên của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) thường nói về chuyện này, không chỉ về chúng tôi mà còn về công dân của chính họ”.
“Đây là cách tình báo hoạt động ở đó. Thành thật mà nói, tôi không nhìn thấy bất cứ điều gì đặc biệt trong chuyện này, đây chỉ là một bãi rác nơi mọi thứ được đổ vào với hy vọng sẽ gây ấn tượng với người dân và gây ngờ vực đối với giới lãnh đạo chính trị. Đây là một trong những hình thức chiến tranh thông tin” – ông Putin nói thêm.
Ông Dmitry Peskov - phát ngôn viên của ông Putin cũng nhận được câu hỏi tại sao ông Navalny bị một nhóm đặc vụ FSB theo dõi như được xác định trong cuộc điều tra của CNN-Bellingcat.
“Tổng thống đã cho biết tại sao họ theo dõi anh ta. 'Đôi tai' ngày càng nhạy của các đặc vụ nước ngoài và nhiều tuyên bố khác nhau về việc lật đổ chính phủ mà như chúng tôi đã nhiều lần đề cập cũng đặt ra nhiều câu hỏi” – ông Peskov nói.
Trong khi đó, ông Navalny – người tiếp tục hồi phục tại Đức sau nhiều tuần hôn mê tại bệnh viện Charité (Berlin) hôm 17-12 lần đầu tiên trả lời câu hỏi từ chính phủ Nga về vụ đầu độc.
“Tôi đã dành toàn bộ nửa ngày đầu tiên tại văn phòng công tố Đức. Họ tra hỏi tôi theo yêu cầu của phía Nga” – ông Navalny viết trên Facebook.
“Chính phủ Nga đã yêu cầu phía Đức tra hỏi tôi và gửi tới những câu hỏi của họ. Tôi được hỏi những câu hỏi này, câu trả lời đã được soạn và sẽ được gửi tới Moscow” – ông Navalny cho biết thêm.
Chính phủ Nga trong nhiều tháng đã yêu cầu tài liệu từ cuộc điều tra của Đức.
Theo kết luận của các chuyên gia Đức, ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok hồi tháng 8 tới mức suýt chết. Sau khi được điều trị ban đầu tại bệnh viện Omsk (vùng Siberia), ông được đưa tới bệnh viện ở Berlin (Đức) để điều trị thêm. Điện Kremlin nhiều lần phủ nhận mọi liên quan trong vụ ám hại này.