Ông Putin nhận lời thăm Philippines, Trung Quốc-Mỹ lo lắng gì?
Ông Putin sẽ là tổng thống Nga đầu tiên thăm Philippines sau hơn 40 năm.
Theo thông báo từ đại sứ Nga tại Philippines Igor Khovaev cuối tuần rồi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chấp nhận lời mời sẽ sang thăm Philippines. Thông báo này nhanh chóng được chính phủ Philippines ngay lập tức hoan nghênh. Nếu chuyến thăm diễn ra, ông Putin sẽ là tổng thống Nga đầu tiên thăm Philippines trong hơn 40 năm.
Cựu Đại sứ Philippines tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Lauro Baja – người từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ – cho rằng đây là một diễn biến lịch sử đáng hoan nghênh.
Ông Baja nói với báo SCMP rằng ông chưa hề thấy có một tổng thống Nga nào thăm Philippines trong hơn 40 năm ông làm ở Bộ Ngoại giao Philippines.
“Philippines lúc đó hầu như là một kẻ vô danh tiểu tốt trong suy nghĩ của Nga, có lẽ giờ Nga đã nhận ra tầm quan trọng chiến lược của Philippines trong chính trị khu vực” – theo ông Baja.
Trung Quốc sẽ không yên
Chưa có thông tin chi tiết về ngày ông Putin sẽ sang Philippines, tuy nhiên theo nhiều nhà quan sát, thời điểm Nga đưa ra thông báo về chuyến thăm của ông Putin đã khiến nhiều người đặt câu hỏi. Lý do nó đến ngay trước khi diễn ra cuộc đối thoại song phương giữa Philippines và Trung Quốc về hợp tác thăm dò khai thác dầu mỏ ở biển Đông.
Các đại diện Philippines và Trung Quốc dự kiến sẽ gặp nhau trong tuần này bàn về thỏa thuận hợp tác thăm dò khai thác dầu mỏ ở biển Đông. Trung Quốc đề xuất ăn chia 40% cho mình và 60% cho Philippines, theo Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon.
Trong lần gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi tháng 8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói các nước có thể có “bước đi lớn hơn” trong hợp tác phát triển các nguồn tài nguyên dầu khí nếu có thể xử lý tốt bất đồng tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. Tuy nhiên, thăm Nga tháng trước, ông Duterte đã mời tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Rosneft đến thăm dò dầu ở các vùng biển Philippines kiểm soát – trong đó có có một số vùng biển Đông nơi đang có tranh chấp. Nhiều nhà phân tích quốc phòng và an ninh cho rằng ông Duterte đang chơi một trò chơi mạo hiểm với bước đi này.
Nói với báo SCMP, cựu Đại sứ Philippines tại Liên Hiệp Quốc Baja cho rằng Trung Quốc và Nga là các đối thủ cạnh tranh gay gắt vì ảnh hưởng và quyền lợi. Nga biết rõ sự tiếp cận của Trung Quốc với Philippines, và có thể Nga đang nhắm đến một số dự án với Philippines.
“Tôi nghĩ Nga có một số mục tiêu trong đầu như bán vũ khí và tìm kiếm các thỏa thuận công nghệ” – ông Baja nhận xét, tuy nhiên thừa nhận tình hình vẫn chưa có gì rõ ràng.
“Đây là một diễn biến thú vị nhưng mọi thứ vẫn còn quá sớm…Đến lúc này đây vẩn chỉ là một lời mời của ông Duterte và được ông Putin chấp nhận trên nguyên tắc” – ông Baja thận trọng.
Mỹ cũng lo
Theo nhiều nhà quan sát, không chỉ Trung Quốc mà Mỹ cũng sẽ quan sát các diễn biến ở Philippines.
“Nga đang chú trọng nâng tầm ảnh hưởng ở khu vực, và không nghi ngờ gì làm thế với một đồng minh lâu dài của Mỹ là một phần thưởng với Nga. Không có gì ngăn chặn Philippines hợp tác an ninh với Nga, nhưng điều quan trọng là chi tiết hợp tác sẽ như thế nào” – theo chuyên gia Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc tổ chức Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS-Mỹ).
Thăm dò cho thấy Mỹ sẽ không khỏi lo lắng nếu sự hợp tác Nga-Philippines bao gồm cả hợp tác hạ tầng quân sự và không tương thích với hạ tầng và nguyên tắc quân sự Philippines và Mỹ cũng như các đối tác khác (Úc, Nhật, Hàn Quốc) đã sử dụng.
“Mỹ cũng sẽ quan ngại nếu bất kỳ sự mua bán hay hợp tác nào với Nga có thể đe dọa đến an ninh thông tin và hợp tác tình báo giữa Mỹ và Philippines” – ông Poling nói.
“Và cuối cùng, nhiều khả năng Mỹ sẽ trừng phạt Philippines nếu nước này mua bất kỳ hạ tầng quân sự lớn nào từ Nga, trừ khi có lệnh miễn trừng phạt, mà chính phủ Mỹ thì không rộng rãi trong việc ban hành lệnh miễn trừng phạt, vì họ xác định được sức hiệu quả của cơ chế trừng phạt” – ông Poling nhận định về viễn cảnh sắp tới.
Nga tuần trước đề nghị được giúp Philippines sản xuất vũ khí cho cả sử dụng nội địa và xuất khẩu, với sự giúp sức của công nghệ Nga. Nhà tham vấn an ninh Max Montero (người Philippines, hiện ở Úc) nhận xét đề nghị này như là “một cú đánh vào Mỹ”.
“Tưởng tượng một cứ điểm và một đồng minh lâu dài đồng thời là thuộc địa cũ của Mỹ trở thành một trung tâm sản xuất vũ khí Nga. Và tệ hơn nữa nếu Philippines mua chúng. Làm suy yếu các liên minh của Mỹ ở châu Á sẽ có lợi cho Nga, trong bối cảnh Nga là một nhà cạnh tranh của Mỹ trong cả bán vũ khí và về ảnh hưởng địa chính trị” – ông Montero nhận định.
Phần mình, Philippines sẽ được hưởng lợi nếu việc dàn xếp này diễn ra, vì nước này đang rất “lạc hậu về công nghệ quốc phòng”, theo ông Montero. Tuy nhiên ông dự đoán quân đội Philippines dù sao tới đây cũng sẽ thận trọng, với cách ứng xử tiếp tục mua vũ khí từ Mỹ và nhận tài trợ vũ khí Mỹ, cũng như hạn chế thị trường nội địa cho vũ khí Nga.