Ông Putin nói gì về nền tảng thật sự của chủ quyền quốc gia?

Trong bối cảnh Nga đang phải chịu áp lực từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Vladimir Putin ngày 26/5 tái khẳng định tầm quan trọng của độc lập kinh tế đối với chủ quyền quốc gia.

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây nhấn mạnh vai trò then chốt của giới doanh nghiệp trong củng cố chủ quyền quốc gia, đồng thời tuyên bố Moscow đã học cách “miễn nhiễm” với trừng phạt của phương Tây.

Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp hôm 26/5. Ảnh: RT

Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp hôm 26/5. Ảnh: RT

Trong bối cảnh Nga đang phải chịu áp lực từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Vladimir Putin ngày 26/5 tái khẳng định tầm quan trọng của độc lập kinh tế đối với chủ quyền quốc gia.

Phát biểu tại cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp Nga hôm 26/5, Tổng thống Putin cho rằng không một hình thức chủ quyền nào, từ chính trị, quân sự đến công nghệ, có thể tồn tại nếu thiếu nền tảng kinh tế vững chắc.

“Nếu không có chủ quyền kinh tế, chúng ta sẽ không thể có bất kỳ chủ quyền nào khác” - ông Putin cho hay.

Người đứng đầu Điện Kremlin cũng đánh giá cao đóng góp của giới doanh nhân, đặc biệt là các doanh nhân trẻ, trong việc vực dậy nền kinh tế Nga giữa bối cảnh thế giới nhiều biến động. Ông Putin nói rằng chính các doanh nghiệp đã góp phần củng cố chủ quyền công nghiệp, công nghệ và tài chính, những trụ cột của nền độc lập quốc gia trong thế kỷ 21.

Kinh tế Nga thăng hạng

Theo ông Putin, việc Nga hiện xếp thứ tư thế giới về sức mua tương đương (PPP) là thành quả trực tiếp của các doanh nghiệp và nhà máy trên khắp cả nước. "Thành tích ấn tượng này không đến từ một vài doanh nghiệp lớn, mà là kết quả từ nỗ lực chung của “hàng triệu người trên toàn quốc”.

“Đây là thành tựu của toàn xã hội, từ công nhân, kỹ sư đến giới doanh nhân, đã đóng góp để đưa nền kinh tế Nga đạt vị trí hàng đầu thế giới” – Tổng thống Putin phát biểu.

Dữ liệu do chính phủ công bố cho thấy, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng 4,1% trong năm 2023 và tiếp tục đạt mức 4,3% trong năm 2024, bất chấp tác động tiêu cực từ các lệnh cấm vận của phương Tây. Tăng trưởng được ghi nhận trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tài chính cho đến công nghệ số.

Tổng thống Putin lưu ý thêm rằng trong khi một số công ty phương Tây “bỏ rơi” thị trường Nga do lo ngại ảnh hưởng từ biện pháp trừng phạt, nhiều doanh nghiệp trong nước không chỉ duy trì sản xuất mà còn tích cực mở rộng ra thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh nhiều công ty châu Âu rút lui, ông Putin đánh giá cao việc một số doanh nghiệp Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ và bảo dưỡng thiết bị y tế tại Nga. “Các công ty Mỹ không ngừng hợp tác, trong khi nhiều đối tác châu Âu lại chùn bước,” ông Putin cho hay.

Moscow ‘miễn nhiễm’ với lệnh trừng phạt của phương Tây

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mới đây khẳng định Nga đã “thích nghi hoàn toàn” với áp lực từ phương Tây. Phát biểu với kênh truyền hình Rossiya 1 hôm 10/5, ông Peskov cho biết Moscow đã có kinh nghiệm và chiến lược cụ thể để hóa giải tác động tiêu cực từ các gói trừng phạt mới.

Quan chức Điện Kremlin cũng bác bỏ hiệu quả của các lệnh trừng phạt, đồng thời cảnh báo tác dụng ngược với châu Âu khi chi phí năng lượng và lạm phát gia tăng.

Theo Tổng thống Putin, tính đến tháng 3/2025, phương Tây đã áp đặt tổng cộng hơn 28.500 biện pháp trừng phạt nhằm vào cá nhân và doanh nghiệp Nga, cao hơn tổng số các lệnh trừng phạt của tất cả các nước trên thế giới cộng lại.

Ông Putin cho biết, mục tiêu thực sự của phương Tây là muốn loại Nga khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu và làm suy yếu vai trò địa chính trị của Moscow. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga khẳng định thực tế đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại.

Người đứng đầu Điện Kremlin cho biết, nền kinh tế Nga đang trở nên vững vàng hơn trước các cú sốc và đã học được cách phát triển trong nghịch cảnh.

Chính phủ Anh hôm 9/5 đã công bố gói trừng phạt mới lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào ngành dầu mỏ Nga, trong đó có việc liệt kê gần 100 tàu chở dầu bị cho là một phần của “hạm đội bóng tối” (hệ thống tàu vận chuyển độc lập ngoài vòng kiểm soát bảo hiểm phương Tây).

Phát biểu mới nhất của Tổng thống Putin cùng phản ứng từ Điện Kremlin phản ánh xu thế rõ rệt trong chính sách kinh tế Nga kể từ khi bùng phát xung đột với Ukraine hồi tháng 2/2022: giảm phụ thuộc vào phương Tây, tăng cường nội lực và hướng tới các đối tác mới ở châu Á, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh. Việc Nga vươn lên top 4 nền kinh tế toàn cầu theo PPP và duy trì tăng trưởng tích cực trong 2 năm gần đây là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của chiến lược này.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ong-putin-noi-gi-ve-nen-tang-that-su-cua-chu-quyen-quoc-gia.717393.html