Ông Putin nói Nga 'miễn nhiễm' với trừng phạt, nhất trí cách xử lý khủng hoảng Ukraina
Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, không có biện pháp trừng phạt mới nào có thể ngăn cản Nga làm những gì họ muốn, vì Moscow đã có kinh nghiệm đối phó với chúng nhiều năm qua.
Báo RT đưa tin, ông Putin đã có phát biểu trên trong một cuộc họp báo hồi cuối tuần với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Lãnh đạo Nga nhận định, Moscow không thể tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây vì chúng không chỉ nhằm thay đổi cách hành xử của Điện Kremlin. Theo quan điểm của ông, chúng thực chất là một kế hoạch nhằm cản trở sự phát triển kinh tế của Nga.
"Các biện pháp trừng phạt sẽ được triển khai trong bất kỳ trường hợp nào. Dù họ (phương Tây) hôm nay có lí do, chẳng hạn như liên quan đến các sự kiện ở Ukraina, hay không thì họ vẫn tìm cách áp trừng phạt", ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Nga lưu ý, Moscow tin những biện pháp trừng phạt như vậy là vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời cáo buộc chúng là công cụ cạnh tranh bất công bằng của Mỹ và các đồng minh.
Washington và các đồng minh châu Âu đã áp trừng phạt, kể cả cấm vận kinh tế với Moscow vào năm 2014, sau cuộc đảo chính ở Ukraina và việc bán đảo Crưm sáp nhập vào Nga.
Nga - Pháp nhất trí các biện pháp giải quyết khủng hoảng Ukraina
Điện Elysee ngày 20/2 ra tuyên bố cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Nga Putin đã đồng ý thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn leo thang xung đột ở miền đông Ukraina.
Trong cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ theo đề nghị của Paris, ông Macron và ông Putin nhất trí khôi phục hành động trong khuôn khổ Normandy, bao gồm các lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraina. Hai bên cũng quyết định sẽ tổ chức một cuộc họp của nhóm liên lạc 3 bên “trong vài giờ tới” để “có được cam kết từ tất cả các bên liên quan” về việc ngừng bắn ở miền đông Ukraina.
Theo Paris, cuộc đối thoại giữa Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov sẽ diễn ra "trong vài ngày tới", với công việc ngoại giao nói chung đang được tăng cường. Bộ Ngoại giao Nga sau đó tiết lộ với báo RT rằng, hai bên đã lên kế hoạch cho cuộc điện đàm vào ngày 21/2.
Điện Elysee cho biết thêm, sự kiện quan trọng sắp tới sẽ quy tụ sự tham gia của tất cả các bên liên quan, ví dụ như châu Âu, Mỹ và các đồng minh, Nga, Ukraina và sẽ sẵn sàng, tùy thuộc vào các điều kiện đáp ứng, tạo thành “một cuộc tiếp xúc ở cấp cao nhất để xác lập một trật tự mới của hòa bình và an ninh ở châu Âu".
Điện Kremlin xác nhận, hai lãnh đạo Nga - Pháp đã đồng ý duy trì liên lạc ở nhiều cấp độ, nhưng không tiết lộ thêm các chi tiết cụ thể. Ông Putin cũng bày tỏ quan ngại về tình hình xấu đi nhanh chóng ở vùng ly khai Donbass, miền đông Ukraina, đồng thời hướng sự chú ý của ông Macron tới "các loại vũ khí hiện đại và đạn dược do các nước thành viên NATO chuyển giao cho Kiev". Moscow coi những động thái này "đang cổ vũ Kiev theo đuổi giải pháp quân sự" cho vấn đề Donbass.
Nhà chức trách Nga cũng cho rằng, do quân đội Ukraina gia tăng tấn công vào Donbass nên dân thường ở đây đang phải sơ tán sang Nga lánh nạn.
Tổng thống Pháp điện đàm với lãnh đạo Ukraina và Mỹ
Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, ngay sau cuộc điện đàm với ông Putin, ông Macron đã gọi điện cho Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Ông Zelensky khẳng định, Kiev sẽ không phản ứng trước những hoạt động khiêu khích và sẽ tôn trọng lệnh ngưng bắn.
Tối cùng ngày, ông Macron đã điện đàm trong 15 phút với Tổng thống Mỹ Joe Biden để thông báo về nội dung các cuộc đối thoại trước đó với người đồng cấp Nga và Ukraina.
Nhà Trắng chỉ cho hay, ông Biden và ông Macron “đã thảo luận về các nỗ lực ngoại giao và răn đe nhằm đáp trả việc Nga tăng cường quân sự ở biên giới Ukraina”. Điện Elysee vẫn chưa đưa ra bình luận về cuộc gọi.