Ông Putin nói Nga thất vọng vụ Mỹ thử tên lửa mới

Nga và Trung Quốc yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn để thảo luận về các kế hoạch của Mỹ thử và triển khai tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất mới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21-8 nói rằng Nga lấy làm tiếc trước các nỗ lực của Mỹ phát triển và chế tạo những tên lửa vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), theo hãng tin Sputnik.

“Chúng tôi thất vọng trước những gì chúng tôi đang chứng kiến. Vụ thử nghiệm tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất là sự vi phạm hiệp ước INF (hiện không còn tồn tại) và làm trầm trọng thêm tình hình an ninh nói chung và của châu Âu nói riêng” - Tổng thống Putin nói với báo giới tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto hôm 21-8.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: SPUTNIK

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: SPUTNIK

Tổng thống Putin cũng cho rằng vụ thử tên lửa mới đây cho thấy Mỹ đã phát triển loại tên lửa từng bị cấm trong hiệp ước INF suốt một thời gian dài trước khi ra tuyên bố rút khỏi hiệp ước này.

“Mỹ thử tên lửa quá nhanh, không lâu sau khi họ tuyên bố rời khỏi INF. Vì thế, chúng tôi có lý do để tin rằng quá trình biến một tên lửa phóng từ trên biển thành tên lửa phóng từ mặt đất đã bắt đầu từ lâu trước khi Mỹ tìm lý do để rút khỏi hiệp ước (INF)” - ông Putin nhận định.

Ông Putin nói thêm rằng Nga lo ngại việc Mỹ có thể triển khai những tên lửa hành trình phóng từ mặt đất mới ở Romania và Ba Lan, rằng Moscow sẽ xem việc triển khai như vậy là mối đe dọa trực tiếp cho an ninh của Nga.

Moscow sẽ đưa ra các bước đi phù hợp và “tương xứng” để đáp trả nếu Mỹ thực thi những kế hoạch như vậy. Tuy nhiên, Nga sẵn sàng đối thoại với Mỹ và các đối tác châu Âu về vấn đề này - ông Putin nhấn mạnh.

Chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh Nga đặc biệt quan tâm tới việc “khôi phục quan hệ toàn diện với Liên minh châu Âu” và hy vọng giới lãnh đạo mới của khối này đổi lại sẽ “thể hiện thái độ tích cực đối với việc duy trì quan hệ đối tác cùng có lợi với đất nước chúng tôi”.

Mỹ thử tên lửa hành trình tầm trung thông thường phóng từ mặt đất mới ngày 18-8 tại đảo San Nicolas, bang California. Ảnh: AP

Mỹ thử tên lửa hành trình tầm trung thông thường phóng từ mặt đất mới ngày 18-8 tại đảo San Nicolas, bang California. Ảnh: AP

Lầu Năm Góc trước đó xác nhận tên lửa phóng hôm 18-8 là phiên bản sửa đổi của tên lửa hành trình Tomahawk. Tên lửa này thường được triển khai trên các tàu chiến và tàu ngầm. Vụ phóng diễn ra chỉ hai tuần sau khi hiệp ước INF chính thức hết hiệu lực vào ngày 1-8.

Tên lửa của Mỹ đã phóng thành công tới mục tiêu ở cách xa hơn 500 km, trong khi hiệp ước INF do Nga và Mỹ ký năm 1987 cấm tất cả tên lửa phóng từ mặt đất với tầm phóng 500-5.500 km.

Cần cứu Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START)

Cũng trong ngày 21-8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng chia sẻ những lo ngại của Tổng thống Putin. Ông Lavrov nói rằng vụ thử tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất của Mỹ hôm 18-8 đã tạo ra nguy cơ về sự bất ổn chiến lược toàn cầu, thêm rằng vụ thử nghiệm này có thể khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu.

“Nhiều năm qua chúng tôi đã nói rằng khi Mỹ quyết định triển khai những hệ thống này như một phần trong lá chắn phòng thủ tên lửa của mình ở châu Âu thì bệ phóng MK-41 không chỉ được dùng để phóng tên lửa chống tên lửa đạn đạo mà còn phóng tên lửa hành trình tấn công, và chúng tôi đã nhấn mạnh rằng điều này sẽ là sự vi phạm trực tiếp INF” - ông Lavrov nói.

Nhân viên quân sự Mỹ quét dọn thảm đỏ trước khi diễn ra lễ khánh thành trạm chống tên lửa Aegis Ashore của Mỹ ở Romania tại căn cứ quân sự Deveselu, Romania năm 2016. Ảnh: AFP

Nhân viên quân sự Mỹ quét dọn thảm đỏ trước khi diễn ra lễ khánh thành trạm chống tên lửa Aegis Ashore của Mỹ ở Romania tại căn cứ quân sự Deveselu, Romania năm 2016. Ảnh: AFP

Ông Lavrov lưu ý Nga đã yêu cầu phía Mỹ thực hiện các bước đi cụ thể nhằm cứu Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) sẽ hết hạn vào năm 2021. Hiện giờ đây là thỏa thuận vũ khí chiến lược lớn cuối cùng giữa Nga và Mỹ sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 2020 và INF đầu tháng 8.

“Không có nhiều thỏa thuận còn tồn tại trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí và chúng phải được trân trọng. Chúng tôi đã yêu cầu Mỹ thực hiện những bước đi cụ thể để đảm bảo việc gia hạn nó và chúng tôi đang chờ câu trả lời” - ông Lavrov nhấn mạnh.

Một số quan chức Mỹ, trong đó có Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton gần đây cho hay Washington có thể sẽ không gia hạn New START. Ông Bolton gọi thỏa thuận này là “thiếu sót” bởi nó “không bao gồm các vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm trung hay hệ thống phân phối mới của Nga”.

Hôm 20-8, Phó Đại diện thường trực Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyanskiy cho biết Nga và Trung Quốc đã gửi đề nghị chính thức tổ chức một cuộc họp của Hội đồng Bảo an liên quan tới các tuyên bố của Mỹ về kế hoạch thử và triển khai các tên lửa tầm trung.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 20-8 nói rằng vụ thử tên lửa mới đây của Mỹ cho thấy Washington đang châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang mới cũng như sẽ gây ra tác động tiêu cực nghiêm trọng tới an ninh khu vực và toàn cầu, theo kênh Al Jazeera.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/ong-putin-noi-nga-that-vong-vu-my-thu-ten-lua-moi-853611.html