Ông Sáu Dân và câu chuyện lòng dân
Không chỉ có nhiều đóng góp to lớn trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tên thân mật là Sáu Dân) còn là một trong những vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết lòng vì nước, vì dân và được quần chúng nhân dân yêu mến, kính trọng.
Gần 15 năm sau ngày ông đi xa, những câu chuyện cảm động, đời thường về Cố Thủ tướng vẫn làm nhiều người rưng rưng.
Quan tâm đến thế hệ trẻ
Chiều cuối năm, trong căn nhà nhỏ ở ngoại ô Sài Gòn, ông Lê Hoài Trung - nguyên Phó Giám đốc thường trực Sở Nội vụ TPHCM bồi hồi lần giở những kỷ vật đã ố màu thời gian. Mỗi khi hoài niệm những chuyện thăng trầm đã trải qua trong đời, người cán bộ Đoàn năm xưa lại nhớ đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Ông Trung kể, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) thành phố được giao đào kênh mương thủy lợi, khai hoang các nông trường ở Hóc Môn, Bình Chánh... Riêng ông Lê Hoài Trung được cấp trên giao chỉ huy gần 4.000 thanh niên đào kênh Trần Quang Cơ ở huyện Hóc Môn (nay thuộc địa bàn quận 12). Đất nước vừa trải qua chiến tranh, đối mặt với bao vây, cấm vận, tình hình kinh tế TPHCM thời điểm ấy vô cùng khó khăn. Đào kênh mương là một trong những công việc hết sức nặng nhọc, vất vả nhưng các anh chị TNXP chỉ được trang bị các dụng cụ lao động thô sơ như cuốc, xẻng. Máy móc hầu như không có. Đặc biệt, với khẩu phần hàng ngày vô cùng khiêm tốn, cái đói luôn ám ảnh thường trực những người đang ở độ tuổi thanh xuân trên công trường.
Một buổi trưa, ông Võ Văn Kiệt, khi ấy đang là Bí thư Thành ủy TPHCM bất ngờ đến thị sát công trường. Ông Lê Hoài Trung nhớ lại: Chú Sáu đi thẳng xuống kiểm tra bếp ăn, hỏi chuyện một số anh em rất thân tình. Trong buổi làm việc chớp nhoáng với Bí thư Thành ủy, ông Trung đã mạnh dạn báo cáo về những khó khăn tại công trường.
“Chú Sáu lặng đi, đôi mắt đỏ hoe. Tôi cứ lo sau buổi làm việc đó, mình sẽ bị lãnh đạo thành phố kiểm điểm, phê bình. Không ngờ, ngay trong đêm đó, lúc mọi người đang ngủ say sau một ngày làm việc nặng nhọc thì xe của Công ty Lương thực TPHCM ùn ùn chở gạo đến công trường. Sau này tôi mới biết đích thân chú Sáu gọi điện cho bà Ba Thi, giám đốc công ty” - ông Trung bồi hồi nhớ lại.
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo kể, những năm đầu giải phóng bà làm công tác thiếu nhi. Ngày đó, ông Võ Văn Kiệt và lãnh đạo TPHCM đã dành những ngôi nhà đẹp nhất để làm nơi sinh hoạt thiếu nhi. Ông dành cả ngôi nhà ông đang ở để làm nhà trẻ, Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ, luôn được ông coi trọng như một ngày hội lớn. Ông rất quan tâm đến Tổng phụ trách Đội, các thanh niên tiên tiến. Có lần, ông mời tất cả Tổng phụ trách Đội vào Hội trường Thống Nhất chiêu đãi.
Bà Phạm Phương Thảo nhớ lại: Khi đã làm Thủ tướng, có lần chú Sáu nói với tôi: Trong đời chú làm chủ tọa nhiều hội nghị, nhiều lần ngồi ghế chủ tịch đoàn nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là ngồi chung với “Bảy đầu bò”, một thiếu nhi ở quận 4, trước giải phóng vào đời sớm, sống kiểu anh chị, trong nhóm có “đại ca”, “đại bàng”. Sau giải phóng, “Bảy đầu bò” được cảm hóa tham gia vào các hoạt động của Đội Thiếu niên và trở thành Cháu ngoan Bác Hồ. Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ năm 1977, “Bảy đầu bò” được ngồi ghế chủ tịch đoàn cạnh chú Sáu.
“Sau này khi không còn làm Thủ tướng, chú hỏi chúng tôi địa chỉ của “Bảy đầu bò”. Chúng tôi đã tìm ra. Em sống trong một ngôi nhà nhỏ, trong một con hẻm nhỏ, rộng chỉ 1m ở đường Bến Vân Đồn. Vậy mà chú Sáu đã đến thăm gia đình em vào năm 2003 và còn cho người tới giúp sửa chữa, chống dột và giúp thêm một ít vật dụng trong nhà” - bà Thảo xúc động nhớ lại.
Gần gũi, bao dung
Nhắc đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân lại nhớ đến câu chuyện đời thường trong bữa cơm gia đình ở chiến khu Mã Đà.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại nhiều dấu ấn trong thời kỳ xây dựng đất nước, gắn với những biệt danh như: “Chủ tịch gạo”, “Tướng xé rào”, “Thủ tướng điện”… Thế nhưng, khi biết có bộ phim “Ấn tượng Võ Văn Kiệt” do Nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản, Lê Văn Duy làm đạo diễn thì ông kiên quyết không cho chiếu.
Ông Lê Hoàng Quân kể, năm 1997, Khu ủy miền Đông được khôi phục trùng tu và đón nhận bằng công nhận “Di tích Quốc gia”. Sau khi dự lễ, ông Sáu Dân đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành miền Đông quan tâm khảo sát, tìm lại địa điểm căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại rừng Mã Đà vì đây là di tích lịch sử đặc biệt.
Do địa hình nhiều thay đổi, sau gần ba năm tìm kiếm mới xác định được vị trí căn cứ. Tháng 3/2003, tại đồi bằng lăng của căn cứ Mã Đà, tỉnh Đồng Nai tổ chức thông qua hồ sơ dự án trùng tu khu di tích và tổ chức bữa cơm thân mật với các loại thực phẩm của rừng, suối như: măng tre, lá tàu bay, củ chụp, bắp, cá lăng, tép, rượu đế Vĩnh Cửu. Ông Sáu Dân rất vui. Nhiều câu chuyện vui xoay quanh gian khổ ở miền Đông, kể cả chuyện tiếu lâm làm cho bữa cơm thêm ấm áp.
Ông Lê Hoàng Quân vẫn nhớ, trên bàn hôm ấy có đĩa bưởi Tân Triều tráng miệng. Ông Sáu Phương - Phó ban Chỉ đạo Trùng tu Căn cứ Di tích Trung ương Cục tếu táo xin kể cho ông Sáu Dân nghe giai thoại “bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long”. Đó là: Hàng năm gần Tết, bà con các tỉnh miền Tây chở lúa gạo, khô mắm lên bán ở miền Đông, chuyển về mua gạch ngói, gốm sứ, kể cả bưởi, măng cụt, sầu riêng. Có lão nông ở Vĩnh Long mua một số nhánh bưởi về trồng, khi bưởi có trái chín, nhằm đêm trăng rằm tháng tám, ông lão ngồi xem bưởi, uống trà. Có anh nông dân hẹn với con gái ông, chui rào vào vườn bị ông túm đầu tra hỏi: “Mày đi đâu?”. Anh này trả lời: “Dạ, con ăn cắp bưởi”. “Vậy hả! Tao phạt mày năm roi”. Cũng từ đây, giai thoại bưởi “Năm Roi” ra đời.
“Tháng 5/2020, tôi đến viếng, thắp nén hương cho bác Năm Nổi - người cán bộ già làng dân tộc Châu Ro qua đời ở tuổi 90 tại xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Bên tấm ảnh chụp ông Sáu Dân cùng ông Năm Nổi ì ạch đào củ mài ở đồi “Cũ Chụp” - căn cứ Mã Đà năm 2003, có một chai rượu sâm quý, trên có mảnh giấy ghi “Sáu Dân gửi cho già làng Năm Nổi”. Tết năm 2005, kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, chính chú Sáu đã nhờ tôi chuyển tặng chai rượu nghĩa tình này cho bác Năm. Chai rượu còn nguyên để kỷ niệm một vị lãnh đạo nặng nghĩa ân tình”.
Nguyên Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân
“Nghe xong, chú Sáu Dân bật cười: Chú mày xuyên tạc quê tao. Thấy trên bàn có đĩa bắp còn nóng hổi, chú Sáu hỏi anh Sáu Phương: Đố chú mày, con heo khác con lợn ra sao? Khi anh Sáu Phương chịu thua, chú Sáu mới cười nói: “Con heo ăn bắp, con lợn ăn ngô”, sau đó là những tràng cười sảng khoái sau những năm “Quan nhất thời, dân vạn đại” – ông Lê Hoàng Quân nhớ lại.
Có lần, Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể, ngày miền Nam vừa giải phóng, việc tuyển chọn cố nghệ sĩ Thanh Nga đóng vai Trưng Trắc trong vở diễn “Tiếng trống Mê Linh”, đây đó râm ran nhiều ý kiến phản đối. Trong một cuộc họp của ngành văn hóa, nhiều người cho rằng Trưng Trắc là vị anh hùng dân tộc nên người đóng vai phải là người của cách mạng. Ông Sáu Dân đã nói một câu rất vui mà thấm: “Vậy thì chọn bà Thập, bà Định ra... diễn thôi”. Nhờ đó, nghệ sĩ Thanh Nga đã diễn vai Trưng Trắc một cách xuất sắc và còn lưu truyền đến hôm nay.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ong-sau-dan-va-cau-chuyen-long-dan-post1498920.tpo