Ông Tập Cận Bình có chuyến thăm các đặc khu ở phía nam
Ông Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm tỉnh Quảng Đông từ ngày 12/10. Ông đã tới thành phố Triều Châu và ngày 14/10 sẽ phát biểu kỷ niệm 40 năm ngày thành lập đặc khu Thâm Quyến.
Dịch Covid-19 đa phần đã được kiểm soát ở Trung Quốc đại lục, và các đoạn video từ Triều Châu cho thấy ông Tập và những người dân địa phương ra chào đón ông hầu như không đeo khẩu trang, theo South China Morning Post.
Chuyến đi này của ông Tập diễn ra chỉ vài tuần trước cuộc họp của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ông Tập kêu gọi người dân địa phương hãy lạc quan về tương lai.
Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam dự kiến dẫn đầu phái đoàn tới lễ kỷ niệm ở Thâm Quyến, và sẽ gặp ông Tập tại đây.
Một quan chức cho biết ông Tập tới thăm thành phố Sán Đầu vào ngày 12/10, và dự kiến tới Thâm Quyến ngày 13/10. Ông cũng sẽ thăm Tiền Hải, đặc khu thương mại tự do nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Hong Kong và đại lục, mà ông từng thăm vào các năm 2012 và 2018.
Xie Maosong, giáo sư khoa học chính trị tại trường đại học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nói việc bắt đầu chuyến thăm ở Triều Châu, vốn nằm ở rìa đông của vùng vịnh Quảng Đông - Macau - Hong Kong, cho thấy ông Tập muốn phát triển các cơ hội đến từ kế hoạch kinh tế vùng vịnh.
“Thông điệp rõ ràng... ông Tập muốn kế hoạch kinh tế vùng vịnh có thể giúp khu vực Sán Đầu - Triều Châu ở phía đông và Trạm Giang ở phía tây phát triển, vì đây là những khu nghèo nhất ở tỉnh phát triển nhất Trung Quốc”, chuyên gia này cho biết.
Alfred Wu, giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, thuộc Đại học Quốc gia Singapore, so sánh chuyến thăm với chuyến đi năm 1992 của ông Đặng Tiểu Bình, người vạch ra quá trình mở cửa của Trung Quốc.
Hu Xingdou, chuyên gia kinh tế chính trị độc lập ở Bắc Kinh, nói chuyến thăm của ông Tập diễn ra giữa lúc Trung Quốc đang gặp khó khăn và Thâm Quyến được kỳ vọng là “phiên bản 2.0 về các đặc khu cải cách, mở cửa của Trung Quốc”.
Ông hy vọng ông Tập có thể nói về cải cách chính trị, vốn bị trì hoãn từ lâu ở Trung Quốc, chống chủ nghĩa dân túy, cải thiện hình ảnh quốc tế của Trung Quốc đã bị tổn hại bởi các nhà ngoại giao “mạnh miệng”.
Nhưng Liu Shengjun, đứng đầu Viện Cải cách Tài chính Trung Quốc ở Thượng Hải, nói ông Tập nhiều khả năng chỉ nói về công nghệ và đổi mới sáng tạo, giảm phụ thuộc vào thị trường bên ngoài.
Theo dự đoán của ông, dù ông Đặng Tiểu Bình trong chuyến thăm của mình nói về “cách mà Trung Quốc sẽ giải phóng cho tư tưởng và thực hiện các bước táo bạo trong cải cách... Tôi không nghĩ điều đó sẽ lặp lại lần này”.