Ông Tập Cận Bình: Trung Quốc không định gây chiến tranh lạnh hay nóng với nước nào

Chủ tịch Tập Cận Bình nói Trung Quốc không có ý định gây 'chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng' với bất kỳ quốc gia nào tại kỳ họp thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc không muốn gây chiến tranh lạnh hay nóng với Mỹ và bất cứ nước nào - ảnh: AP

Ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc không muốn gây chiến tranh lạnh hay nóng với Mỹ và bất cứ nước nào - ảnh: AP

Theo Reuters, Chủ tịch Tập Cận Bình nói trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) hôm 22.9 rằng Bắc Kinh “không có ý định gây chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng với bất kỳ quốc gia nào” khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang gia tăng.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thu hẹp sự khác biệt, giải quyết tranh chấp với những nước khác thông qua đối thoại và thương lượng. Chúng tôi sẽ không chỉ tìm cách phát triển bản thân hoặc tham gia vào trò chơi có tổng bằng không”, ông Tập Cận Bình nói trong một tuyên bố được ghi hình trước tại cuộc họp ảo của các nhà lãnh đạo thế giới.

Ngày 21.9, Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện rõ quan điểm của mình về chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump trong tuyên bố trước cuộc họp UNGA.

“Không quốc gia nào có quyền chi phối các vấn đề toàn cầu, kiểm soát vận mệnh của người khác, hoặc giữ tất cả các lợi thế phát triển cho riêng mình. Càng không thể cho phép một nước được làm bất cứ điều gì mình muốn, trở thành bá chủ, kẻ bắt nạt hoặc ông chủ của thế giới. Chủ nghĩa đơn phương là một ngõ cụt”, ông Tập nói.

Căng thẳng âm ỉ kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm vì đại dịch COVID-19, làm nổi bật nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tạo ra ảnh hưởng đa phương lớn hơn trong thách thức với vai trò lãnh đạo truyền thống của Washington.

Coronavirus xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái và Washington cáo buộc Bắc Kinh thiếu minh bạch khiến đợt bùng phát dịch trở nên tồi tệ hơn. Trung Quốc phủ nhận lời của Mỹ.

Tại cuộc họp của UNGA, ông Tập Cận Bình kêu gọi phản ứng toàn cầu với COVID-19 và giao cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vai trò hàng đầu.

Tổng thống Trump đã công bố kế hoạch để Mỹ rời khỏi WHO có trụ sở tại Geneva, cáo buộc cơ quan này là con rối của Trung Quốc, một tuyên bố mà WHO bác bỏ.

“Đối mặt với vi rút, chúng ta nên tăng cường đoàn kết và cùng nhau vượt qua điều này. Chúng ta nên làm theo hướng dẫn của khoa học, phát huy hết vai trò chủ đạo của WHO. Mọi nỗ lực chính trị hóa vấn đề hoặc bêu xấu đều phải bị từ chối", ông Tập Cận Bình nói.

Hôm 22.9, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - Antonio Guterres đã nói trước Đại hội đồng 193 thành viên rằng mọi thứ phải được thực hiện để tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới, đồng thời cảnh báo rằng “chúng ta đang đi theo một hướng rất nguy hiểm”.

“Thế giới của chúng ta không thể có được một tương lai nơi hai nền kinh tế lớn nhất chia cắt thế giới trong một vết nứt lớn. Sự chia rẽ về công nghệ và kinh tế chắc chắn có nguy cơ biến thành sự chia cắt địa chiến lược và quân sự. Chúng ta phải tránh điều này bằng mọi giá”, Antonio Guterres nhấn mạnh.

Tổng thống Trump trong bài phát biểu ghi hình sẵn phát trên màn hình tại phiên họp toàn thể lần thứ 75 của UNGA ngày 22.9- Ảnh: Reuters

Mở đầu bài phát biểu tại UNGA ngày 22.9, Tổng thống Donald Trump cáo buộc Bắc Kinh cho phép người dân rời Trung Quốc trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch bệnh để lây nhiễm coronavirus ra thế giới trong khi ngừng hoạt động du lịch trong nước. Ông chủ Nhà Trắng yêu cầu Liên Hợp Quốc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hành động liên quan đến đại dịch COVID-19.

"Chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới - tổ chức hầu như do Trung Quốc kiểm soát - đã đưa tuyên bố sai sự thật cho rằng không có bằng chứng về sự lây lan COVID-19 từ người sang người. Sau đó, họ đưa ra thông tin sai sự thật cho rằng những người không có triệu chứng sẽ không làm lây bệnh COVID-19... Liên Hợp Quốc phải quy trách nhiệm cho Trung Quốc về hành động của họ", ông Trump nói.

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump hứa hẹn sẽ phân phối một loại vắc xin ngừa COVID-19 và nói: "Chúng ta sẽ đánh bại vi rút, chấm dứt đại dịch để bước vào một kỷ nguyên mới của thịnh vượng, hợp tác, hòa bình”.

Chưa hết,Tổng thống Trump tiếp tục chỉ trích Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho vấn đề ô nhiễm môi trường. Trung Quốc hiện là quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, chiếm 28% tổng lượng khí nhà kính toàn cầu.

Điều bất ngờ là ông Trump không đưa ra lời chỉ trích trực tiếp nào với Trung Quốc về nhân quyền. Song, Tổng thống Mỹ nói nếu hoạt động hiệu quả thì Liên Hiệp Quốc phải tập trung vào “những vấn đề thực sự của thế giới” như “khủng bố, đàn áp phụ nữ, cưỡng bức lao động, buôn bán ma túy, buôn bán người và tình dục, đàn áp tôn giáo và thanh lọc sắc tộc của các nhóm thiểu số tôn giáo".

Trong bài phát biểu của mình tại UNGA, Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron đã kêu gọi một phái đoàn quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc đến thăm khu vực Tân Cương (Trung Quốc) để xem xét những lo ngại về cáo buộc lạm dụng người Hồi giáo ở đó.

Bài phát biểu của ông Trump được ghi hình tại Nhà Trắng và phát tại kỳ họp thường niên của UNGA hôm nay (22.9).

WHO bác bỏ nhận xét của ông Trump về việc bị Trung Quốc kiểm soát. “Không chính phủ nào không kiểm soát chúng tôi”, Giám đốc truyền thông của WHO, Gabby Stern tweet và cho biết thêm: “Vào ngày 14.1, trưởng nhóm kỹ thuật COVID19 của chúng tôi đã nói với phương tiện truyền thông về nguy cơ lây truyền từ người sang người. Kể từ tháng 2, các chuyên gia của chúng tôi đã thảo luận công khai về sự lây truyền của những người không có triệu chứng hoặc trước khi có triệu chứng".

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra quan điểm khác biệt trong bài phát biểu trước UNGA - Ảnh: AP

Tổng thống Nga - Vladimir Putin nói ở UNGA rằng WHO cần được hỗ trợ để điều phối phản ứng toàn cầu với đại dịch và đề xuất một hội nghị cấp cao về hợp tác vắc xin.

Do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, cuộc họp của UNGA diễn ra bằng hình thức trực tuyến hôm nay.

Phiên họp thứ 75 diễn ra khi thế giới phải đối mặt với những thách thức lớn: Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu do COVID-19 gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng, biến đổi khí hậu, căng thẳng gia tăng giữa hai thành viên quyền lực nhất là Mỹ và Trung Quốc…

Các năm trước, nhà lãnh đạo các nước thường đổ về trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), nhưng năm nay sẽ có bài phát biểu qua video được ghi hình trước.

Vì không cần có mặt trực tiếp nên dự kiến sẽ có nhiều nguyên thủ quốc gia hơn bình thường phát biểu trước UNGA. Những năm trước, nhà lãnh đạo các quốc gia có thể cử cấp phó hoặc ngoại trưởng đến dự.

Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nga Vladimir Putin diễn ra ngày 22.9, đánh dấu lần xuất hiện đầu tiên tại UNGA của hai nhà lãnh đạo này kể từ năm 2015.

Cũng đưa ra các phát biểu trong ngày đầu tiên ở cuộc tranh luận cấp cao sẽ là Tổng thống Iran Hassan Rouhani, đối thủ khác của Mỹ, theo sau là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in sẽ phát biểu tại UNGA lần cuối trước khi hết nhiệm kỳ vào năm tới. Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ ra mắt trên sân khấu thế giới vào ngày 25.9.

Đều bị kẹt giữa các mối quan hệ an ninh gần gũi với Mỹ và mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, dự kiến ông Moon Jae-in và Yoshihide Suga sẽ thận trọng hơn trong trường hợp ông Trump thắng nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3.11 tới.

Cuộc họp diễn ra trực tuyến nên ông Yoshihide Suga bỏ lỡ cơ hội bắt đầu xây dựng các mối quan hệ quốc tế trực tiếp. Với cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, sự hòa nhập này là yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của ông.

Ngoài cuộc họp của UNGA, một số diễn đàn ảo khác được lên lịch cho tuần này.

Ngày 24.9, ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ tham gia một cuộc họp về "duy trì hòa bình và an ninh quốc tế". Nigeria, thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an, đã xác nhận thông tin này với trang Nikkei. Tại cuộc họp, các chức sắc sẽ thảo luận về quản trị toàn cầu sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Cùng ngày 24.9, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ tham gia hội nghị bàn tròn về biến đổi khí hậu.

Phát biểu đầu tiên ở cuộc họp của UNGA ngày 22.9, ông Antonio Guterres có khả năng sẽ thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới phối hợp đối phó với đại dịch COVID-19 và hợp tác phát triển vắc xin.

“Điều hoàn toàn cần thiết là vắc xin phải được coi là hàng hóa công cộng toàn cầu”, ông Antonio Guterres nói tuần trước.

Dự kiến ông Antonio Guterres sẽ yêu cầu các nước điều chỉnh kế hoạch phục hồi kinh tế của họ với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, vốn dường như không thể đạt được vào thời hạn năm 2030.

Nhân Hoàng

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/quoc-te-c-185/ong-tap-can-binh-trung-quoc-khong-dinh-gay-chien-tranh-lanh-hay-nong-voi-nuoc-nao-144407.html