Ông Tập Cận Bình: Ưu tiên Philippines khi có vaccine COVID-19
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam đoan với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte rằng Philippines sẽ được ưu tiên một khi Trung Quốc phát triển vaccine ngừa COVID-19.
Theo đài CNN, trong một tuyên bố đưa ra hôm 12-6, Điện Malacanang (dinh Tổng thống Philippines) nói rằng việc ưu tiên cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho Philippines là một trong những vấn đề được ông Tập và ông Duterte thảo luận trong cuộc điện đàm “cởi mở và tập trung” vào tối 11-6.
"Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại cam kết của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế về việc sản xuất bất kỳ loại vaccine nào mà họ phát triển thành hàng hóa công cộng toàn cầu và với tư cách là một nước láng giềng thân thiện, Trung Quốc chắc chắn coi Philippines là ưu tiên hàng đầu", Điện Malacanang cho biết.
Mặt khác, ông Duterte nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với các thử nghiệm nghiên cứu nhằm phát triển vaccine. Philippines dự kiến sẽ tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng vào quý IV năm nay, phát ngôn viên của Tổng thống Duterte, ông Harry Roque trước đó cho biết.
Dựa vào Trung Quốc để có vaccine
Lực lượng đặc nhiệm liên ngành xử lý các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện của Philippines (IATF) - cơ quan hoạch định chính sách ứng phó COVID-19 của chính phủ Philippines, gần đây đã chấp thuận để Philippines hợp tác với một số tổ chức Trung Quốc và Đài Loan trong các cuộc thử nghiệm.
Vaccine do Viện Khoa học Trung Quốc, Sinopharm và Viện Virus học Vũ Hán phối hợp phát triển, đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ hai, với 96 người được tiêm vaccine thử nghiệm, theo đài CGTN của Trung Quốc.
“Trong khi lưu ý chương trình phát triển vaccine của Trung Quốc, Tổng thống Duterte nhấn mạnh sự bắt buộc phải làm cho vaccine trở nên sẵn có với giá cả phải chăng cho tất cả các quốc gia, bao gồm Philippines”, Điện Malacanang cho biết.
Philippines cũng là một phần trong cuộc “thử nghiệm đoàn kết” của Tổ chức Y tế Thế giới, một nỗ lực toàn cầu nhằm tìm ra phương pháp chữa trị căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, vốn đã lây nhiễm hơn 24.000 người trên toàn quốc và giết chết hơn 1.000 người ở Philippines.
Chính quyền của ông Duterte đang trông cậy vào Trung Quốc để phát triển vaccine ngừa bệnh COVID-19, được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán của Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái.
Trong cuộc điện đàm kéo dài 38 phút vào tối 11-6, ông Duterte và ông Tập cũng trao đổi về “các chiến lược quan trọng nước họ nhằm khởi động lại nền kinh tế theo cách bình thường mới”. Philippines đã nới lỏng các biện pháp kiểm dịch trên toàn quốc trong nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế.
“Tổng thống Duterte nhận được sự hỗ trợ hoàn toàn của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc đảm bảo kết nối chuỗi cung ứng, đặc biệt là các thiết bị và vật tư y tế quan trọng, thúc đẩy dòng hàng hóa tự do, nối lại và hoàn thành các dự án hợp tác cơ sở hạ tầng ưu tiên ở Philippines”, Điện Malacanang nói.
Ông Tập cũng cảm ơn Philippines vì “đóng góp thiện chí” cho cuộc chiến chống COVID-19 của chính Trung Quốc.
Trong một tuyên bố riêng rẽ do Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đưa ra, ông Tập cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục cung cấp “sự hỗ trợ vững chắc” cho những nỗ lực đối phó COVID-19 của Manila.
Chính quyền ông Duterte đã tỏ lời cảm ơn Bắc Kinh vì sự giúp đỡ của họ. Trung Quốc đã gửi nhiều khoản đóng góp khác nhau cùng một nhóm các chuyên gia y tế để hỗ trợ việc ứng phó COVID-19 của Philippines.
"Quên" chuyện công hàm
Trước đó, hai nước đã kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, trong đó ông Duterte kêu gọi “tăng cường hơn nữa” mối quan hệ Manila-Bắc Kinh trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19.
Ông Duterte đã bị chỉ trích vì quan hệ thân tình với Trung Quốc dù Bắc Kinh từ chối công nhận thắng lợi của Manila trong vụ kiện liên quan đến chủ quyền ở Biển Đông. Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực hồi năm 2016 đã bác bỏ hoàn toàn các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ông Duterte đã đồng ý “tạm gác sự khác biệt” để mở đường cho một cuộc thăm dò dầu khí chung theo kế hoạch tại khu vực tranh chấp.
Vào tháng 4, Philippines đã gửi hai công hàm phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhưng điều này đã không được đề cập trong các tuyên bố của cả hai bên hôm 11-6.
Tờ Inquirer ngày 12-6 đưa tin Hạ nghị sĩ Philippines Carlos Zarate đã bày tỏ lo ngại rằng mối quan hệ “gần gũi quá mức” giữa ông Duterte và ông Tập có thể gây nguy hiểm cho tuyên bố chủ quyền của Philippines tại Biển Đông.
Hôm 11-6, cựu Phó Chánh án Tòa Tối cao Philippines Antonio Carpio đã đề xuất chính phủ nước này kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) về vụ tàu cá Gem-Vir 1 của Philippines bị tàu Yuemaobinyu 42212 của Trung Quốc đâm chìm gần bãi Cỏ Rong, phía đông bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào ngày 9-6-2019.
Tuy nhiên, ông Carpio thừa nhận rằng một động thái như vậy là rất xa vời do chính sách "tránh xúc phạm Trung Quốc" của chính quyền ông Duterte.
Ông Carpio cũng cảnh báo Bắc Kinh có thể tài trợ cho ứng viên ưa thích cũng như huy động đội quân trên mạng để gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử của Philippines vào năm 2022, theo đài ABS-CBN.