Ông Tập và Putin họp trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị gặp thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thứ Tư (14/12), Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Hai nhà lãnh đạo gặp nhau gần nhất vào cuối tháng 6, cũng thông qua hình thức trực tuyến. Cuộc gặp sắp tới diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở biên giới Nga-Ukraine đã thu hút sự chú ý của quốc tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay tại một buổi lễ tại Đại học St Petersburg, trong đó ông Tập được trao bằng tiến sĩ danh dự của Đại học St Petersburg - Ảnh: Alexei Nikolsky

Hôm Chủ nhật (12/12), Mỹ và Nhóm G7 đã ra một tuyên bố lên án “hoạt động xây dựng quân sự của Nga và sử dụng những lời lẽ hung hăng đối với Ukraine”. Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Vương quốc Anh là các thành viên của khối các nền kinh tế lớn thế giới.

Trung Quốc không tham gia nhóm G7, nhưng gã khổng lồ châu Á là trọng tâm trong các cuộc thảo luận của nhóm tại một cuộc họp cuối tuần qua.

Trung Quốc, quốc gia có đường biên giới dài với Nga, đã tập trung phần lớn mối quan hệ song phương của họ vào thương mại, đặc biệt là năng lượng. Trong bối cảnh thiếu hụt than trong năm nay, Trung Quốc đã mua một lượng đáng kể than và nhiên liệu khác từ nước láng giềng phía Bắc.

Không rõ lập trường của Bắc Kinh đối với Ukraine là gì. Ông Tập đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng 7, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Tình hình ở Ukraine là một thử nghiệm 'khá lớn' đối với Tổng thống Biden. Trong cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tuần trước, ông Putin nói rằng Washington không nên cho phép Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương để đổi lấy sự đảm bảo rằng quân đội Nga sẽ không thực hiện một cuộc tấn công.

Tổng thống Biden cho biết Washington sẽ không chấp nhận yêu cầu như vậy.

Theo thỏa ước, một cuộc tấn công vào một thành viên của NATO được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các nước thành viên, sẽ dẫn đến một phản ứng tập thể.

Ukraine đã muốn tham gia liên minh quân sự hùng mạnh này từ năm 2002, nhưng Nga phản đối với lý do rằng động thái như vậy sẽ là mối đe dọa trực tiếp đối với biên giới của họ.

Anh Vũ (theo CNBC)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ong-tap-va-putin-hop-trong-boi-canh-cang-thang-voi-phuong-tay-post172128.html