Ông Tất Thành Cang phản bác lời khai của Tề Trí Dũng
Tề Trí Dũng cho rằng ông Tất Thành Cang mở lời giới thiệu Công ty Nguyễn Kim tham gia vào Sadeco. Ông Cang khẳng định không có nội dung đó.
Ngày 29/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM), Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT Sadeco) và 18 người liên quan các sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).
Bị cáo thấy may mắn vì những sai phạm đã được xử lý
Sáng 28/12, trả lời đại diện VKSND TP.HCM về việc nếu không có ý kiến của ông Tất Thành Cang thì bị cáo Dũng có dám ban hành nghị quyết phát hành cổ phiếu hay không? Ông Tề Trí Dũng khẳng định, chỉ dám làm khi có ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM và Văn phòng Thành ủy.
Theo ông Dũng, trong suốt thời gian trình cơ quan tham mưu, không chỉ có một văn bản, trong 3 tháng Công ty IPC phải giải trình rất nhiều nội dung cho các cơ quan chuyên môn, sở ngành tham mưu về việc phát hành cổ phiếu.
Bị cáo Tề Trí Dũng tại tòa. Ảnh: Chí Hùng.
"Bị cáo nghĩ rằng đó là khoảng thời gian mà các cơ quan tham mưu tiến hành kiểm soát, xem xét tính hợp pháp của việc này. Trong quá trình giải trình không thấy văn bản nào của UBND thành phố là việc làm này sai. Nếu ngày trước Công ty IPC gửi lên UBND thành phố mà có văn bản phản hồi thì bị cáo sẽ có hướng xử lý khác", ông Dũng nói.
Trình bày với đại diện cơ quan công tố, bị cáo Tề Trí Dũng cho biết tháng 9/2016, ông Dũng tình cờ gặp đại diện của Công ty Nguyễn Kim. Khi Nguyễn Kim đề cập vấn đề chuyển nhượng cổ phần, ông Dũng nói chỉ dám thực hiện khi có chỉ đạo của UBND TP.HCM và Thành ủy.
Sau đó, có hai lần ông Tất Thành Cang đề cập vấn đề Sadeco với ông Dũng. Lần thứ nhất, ông Cang chủ động gọi cho ông Dũng, hỏi Sadeco là công ty hoạt động như thế nào, tiềm năng và dự kiến định hướng ra sao. Trong lần này không có ý kiến chỉ đạo nào về việc chuyển nhượng cho Công ty Nguyễn Kim.
"Khoảng chục ngày sau, anh Kim (Công ty Nguyễn Kim) gọi cho bị cáo hỏi anh Cang chưa nói với em hả, tại sao không xúc tiến cho Nguyễn Kim gặp Sadeco để thực hiện việc chuyển nhượng?", ông Dũng kể lại và cho biết một thời gian sau Dũng được ông Tất Thành Cang gọi đến nhà.
"Tại buổi tiệc ở nhà anh Cang đã sắp tàn, có anh Kim và một số người nữa. Anh Cang nói là tạo điều kiện cho Nguyễn Kim tham gia vốn hợp tác để phát triển, góp sức cho tụi bây làm. Anh Cang chỉ nói vậy thôi", ông Dũng trình bày.
Trong nhận thức của bị cáo Dũng, câu nói thì không thể gọi là chỉ đạo, chỉ xem là bước khởi đầu. Từ đó bị cáo mới cho Sadeco tiếp xúc với Nguyễn Kim để tiến hành việc nhượng vốn.
Trả lời đại diện VKS về việc tại sao UBND TP.HCM có vốn lớn hơn thì không xin trước mà lại xin ý kiến đại diện của Văn phòng Thành ủy, ông Dũng cho rằng nếu bị cáo không đính kèm ý kiến của Thường trực Thành ủy thì UBND thành phố sẽ không xem xét văn bản này vì UBND có vốn trong công ty.
Ông Dũng tiếp tục khẳng định bản thân đã nhận ra những việc làm trước đây hoàn toàn sai nên rất ân hận. Tuy nhiên, bị cáo thấy may mắn vì những sai phạm đã được xử lý và bị cáo đang cố gắng khắc phục, mong HĐXX ghi nhận việc này.
VKS đặt câu hỏi về bút phê của ông Tất Thành Cang
Hơn 14h cùng ngày, là người đầu tiên trả lời đại diện cơ quan công tố, bị cáo Tất Thành Cang khẳng định hoàn toàn không có mối quan hệ nào với ông Kim (Công ty Nguyễn Kim).
Đối với lời khai của ông Tề Trí Dũng cho rằng ông Cang đã mở lời cho Nguyễn Kim tham gia vào Sadeco, cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh không có nội dung đó. Ngay lập tức, VKS đã yêu cầu ông Tề Trí Dũng bước lên bục, đứng cạnh công Cang để trình bày tóm tắt một lần nữa về buổi gặp mặt hôm đó.
"Bị cáo nhớ đó là buổi tối tháng 11/2016. Gần 21h, bị cáo nhận được điện thoại của anh Cang. Đến nơi thì có anh Kim đang ở đó. Trong bữa ăn, anh Kim đến gần chỗ anh Cang và bị cáo. Anh Cang mở lời để Nguyễn Kim tham gia vào Sadeco. Từ lời nói của anh Cang, bị cáo mới đồng ý cho Nguyễn Kim tiếp xúc với Sadeco”, ông Dũng kể lại.
Trả lời VKS về nội dung tờ trình 1148 trình ngày 16/5/2017, ông Cang cho biết đã đọc và nghiên cứu. Theo đó, Văn phòng Thành ủy đề nghị ông Cang cho chủ trương chấp thuận để văn phòng Thành ủy chỉ đạo đại diện vốn biểu quyết về việc tăng điều lệ vốn, phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược (phương án 2), và đã được cụ thể hóa bằng thông báo 495.
Khi đại diện VKS hỏi về nội dung của phương án 2 trong tờ trình 1148 như thế nào, ông Cang trình bày có 2 phương án. Thứ nhất là phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và thứ hai là phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược với giá 40.000/cổ phiếu, không ấn định thời gian phát hành.
Đại diện cơ quan công tố cho rằng tại thời điểm đó, trên cương vị là Phó bí thư Thường trực Thành ủy, ông Cang có vai trò quản lý cấp vĩ mô, mọi điều hành của ông đều liên quan đến kinh tế, chính trị, xã hội của một thành phố lớn. VKS đặt câu hỏi: "Vậy bị cáo có thấy bút phê của mình dẫn đến hệ quả nghiêm trọng không? Bút phê của bị cáo có tính quyết định, nếu không có bút phê tại tờ trình 1148, thì cấp dưới có dám làm không?".
Ông Cang khẳng định bút phê "Đồng ý" tại tờ trình 1148 chỉ có giá trị với phần vốn 16,7% của văn phòng Thành ủy. "Bút phê của bị cáo là cho chủ trương và chủ trương của bị cáo là phù hợp với quy định pháp luật về việc phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, và văn phòng Thành ủy không đầu tư vốn để mua thêm cổ phần nữa", ông Cang nói.
Đại diện VKS cho rằng khởi nguồn từ bút phê "Đồng ý" của ông Tất Thành Cang trên tờ trình 1148 mới dẫn đến việc gây thất thoát 1.103 tỷ đồng của Sadeco.
Trả lời về trách nhiệm của bản thân trong vụ việc này, ông Cang tiếp tục khẳng định "bị cáo không có trách nhiệm vì chỉ đạo trên cơ sở pháp lý, tờ trình 1148 không thể có nếu không có tờ trình 12A".
Theo cáo trạng, ông Tề Trí Dũng và các cá nhân có chức vụ tại Sadeco, IPC và người đại diện vốn căn cứ đề nghị của Công ty Nguyễn Kim về việc mua cổ phần của Sadeco để trở thành cổ đông chiến lược đã thực hiện các thủ tục thông qua phát hành 9 triệu cổ phần Sadeco trái quy định, không thông qua đấu giá, đấu thầu.
Với vai trò là Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Tất Thành Cang đã có bút phê đồng ý vào tờ trình số 1148 của Văn phòng Thành ủy phát hành 9 triệu cổ phần có giá 40.000 đồng/cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, gây thất thoát của Sadeco 1.103 tỷ đồng. Trong đó, tài sản Nhà nước bị thất thoát là hơn 669 tỷ đồng, bao gồm vốn của UBND TP.HCM là hơn 485 tỷ đồng, tương đương 44%; vốn của Thành ủy TP.HCM là hơn 184 tỷ đồng, tương đương 16,7%.
Ngoài ra, bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng giám đốc Sadeco), Đỗ Công Hiệp (nguyên Kế toán trưởng Sadeco) đã chi tiền của Sadeco cho nhiều cá nhân đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài trái quy định; gây thiệt hại cho Sadeco gần 3,6 tỷ đồng; gây thất thoát gần 2,2 tỷ đồng vốn Nhà nước.
Đối với tội Tham ô tài sản, 8 người có hành vi sai phạm trong việc sử dụng tiền từ nguồn tiền thù lao và quỹ khen thưởng của người đại diện vốn không chuyên trách trong các năm 2016, 2017 và 2018. Tổng số tiền họ chiếm hưởng, tham ô là hơn 4,7 tỷ đồng.