Ông Tiến luôn tiến bước

Anh dũng trong thời chiến, tích cực tham gia công tác trong thời bình là tinh thần của thương binh Nguyễn Trung Tiến (xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa). Vượt qua khó khăn, tật bệnh, ông tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đóng góp sức mình vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cán bộ xã Sơn Long đến thăm và nghe ông Tiến kể chuyện chiến đấu ngày trước. Ảnh: PHONG NHÃ

Cán bộ xã Sơn Long đến thăm và nghe ông Tiến kể chuyện chiến đấu ngày trước. Ảnh: PHONG NHÃ

Anh dũng trong thời chiến

Đến xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa hỏi nhà thương binh Nguyễn Trung Tiến không ai không biết. Đã qua cái tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe không còn như thời trai trẻ, thương tích trong những năm tháng chiến tranh để lại làm cho đôi bàn tay lúc nào cũng run run nhưng ông vẫn luôn lạc quan, nỗ lực vượt khó.

Năm 1963, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Tiến lên đường tham gia cách mạng. 2 năm đầu, ông là du kích xã Sơn Long, sau đó công tác ở Huyện đội Sơn Hòa. Tại đây, ông được đi học y tá. Đến tháng 7/1972, từ bộ đội đặc công nước, ông Tiến được điều chuyển về Tiểu đoàn 13, Trung đoàn Ngô Quyền.

Ký ức mà ông Tiến nhớ mãi đó là tham gia chiến dịch Xuân - Hè 1972. Cũng trong năm đó, ông Tiến bị thương 3 lần.

Ông Tiến nhớ lại: “Lần đầu bị thương ở tay và chân (trong trận đánh tại xã Hòa Thắng) những tưởng không thể tiếp tục cầm súng chiến đấu, nhưng 3 tháng sau vết thương vừa kéo da non, tôi trở lại với trận chiến ở Tuy Hòa 1 và bị thương một lần nữa. Lần thứ 3, khi Tiểu đoàn 13 trên đường hành quân ra Bắc thì bị địch phục kích, cả tiểu đoàn rơi vào bãi mìn của chúng nên nhiều người bị thương. Khi đó tôi vừa tự chăm sóc mình, vừa làm nhiệm vụ sơ cứu đồng đội”.

Hơn 50 năm đã trôi qua, âm hưởng về những trận đánh năm 1972 vẫn còn nguyên trong ký ức của người cựu binh sinh năm 1948 này. Bây giờ, ông vẫn rất tự tin cho rằng “nếu có giặc vẫn tiếp tục cầm súng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.

Sau 3 lần thoát chết, tinh thần chiến đấu của ông Tiến tăng lên gấp bội. Ông xin tiếp tục tham gia chiến đấu nhưng vì trên cơ thể ông có quá nhiều vết thương nên cấp trên không đồng ý. Ông được đưa đi điều trị và an dưỡng cho đến ngày giải phóng.

Khi được hỏi về những anh chị em trong gia đình, ông Tiến nghẹn ngào không nói thành lời, đôi mắt ngấn lệ nhìn xa xăm. Một hồi lâu, ông mới cho biết gia đình ông có đến 15 anh chị em ruột, trong đó có 4 liệt sĩ. Hiện tại chỉ còn mỗi mình ông.

Với những thành tích trong chiến đấu, ông Tiến vinh dự 2 lần được nhận Huân chương Chiến sĩ giải phóng (hạng nhì và hạng nhất).

Ông Tiến xem lại kỷ vật thời chiến tranh. Ảnh: PHONG NHÃ

Ông Tiến xem lại kỷ vật thời chiến tranh. Ảnh: PHONG NHÃ

Gương sáng thời bình

Phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, xuất ngũ trở về đời thường ông Tiến tiếp tục làm công việc y tá chăm sóc sức khỏe cho người dân tại quê nhà. Vợ ông cũng là một y tá. Hai vợ chồng có 7 người con.

Song song với nỗ lực làm kinh tế gia đình, chăm lo cho các con ăn học nên người, ông Tiến còn tích cực tham gia hoạt động của HTX và từng đảm nhiệm các chức vụ: chủ tịch hội nông dân, phó chủ tịch hội cựu chiến binh, chủ tịch hội người cao tuổi của xã.

Nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành tốt, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của mọi người, giải tỏa ngay những bức xúc mới phát sinh hay báo cáo ngay với UBND xã những việc vượt khỏi tầm giải quyết.

Ông Tiến chia sẻ: “Trong quá trình công tác, tôi nhận thấy rằng, muốn làm tốt nhiệm vụ được giao, ngoài kinh nghiệm, học hỏi từ nhiều người, còn phải thường xuyên đi lại, hỏi han, trò chuyện với các hội viên mới biết được những chuyện to, chuyện nhỏ trong làng, ngoài xóm. Từ đó có cơ sở đề xuất, kiến nghị những giải pháp hay với cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, trong công tác hòa giải, nhất là những vụ việc tranh chấp đất đai, mâu thuẫn xóm làng, càng gần gũi người dân thì tỉ lệ hòa giải thành càng cao”.

Theo ông Tiến, người làm công tác hòa giải phải có lòng kiên nhẫn và sự nhiệt tình. Hiếm có vụ việc nào chỉ hòa giải một lần là thành công, mà phải đi lại nhiều lần, lựa lời hỏi han, chia sẻ. Lúc thì trò chuyện với người này, khi thì chia sẻ với người kia, để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu, dần dần hóa giải được mâu thuẫn.

Tết Giáp Thìn này, ông Nguyễn Trung Tiến bước sang tuổi 76 nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh, giọng nói ấm áp và rất hài hước khi trò chuyện. Qua chuyện trò, chúng tôi cảm nhận được tình cảm sâu sắc mà ông dành cho mảnh đất cũng như con người Sơn Long, Sơn Hòa.

Chị Đinh Thị Thu Diễm, công chức Văn hóa - Xã hội xã Sơn Long, cho hay: “Ông Tiến rất nhiệt huyết trong công việc, các phong trào, hoạt động của hội và địa phương. Tuổi đã cao, sức lực giảm sút nhưng có công việc nhờ giúp, ông đều nhiệt tình, nhất là các vụ việc cần đến hòa giải”.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Sơn Long Hà Minh Tâm, những người như thương binh Nguyễn Trung Tiến là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vươn lên không cam chịu đói nghèo, đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong thời chiến, họ là những người anh dũng, kiên trung, chiến đấu hết mình để bảo vệ Tổ quốc. Trong thời bình, trở về quê hương, họ tiếp tục phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống cựu chiến binh Việt Nam.

PHM THÙY - KHÁNH QUNH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/94/312467/ong-tien-luon-tien-buoc.html