'Ông Tơ, bà Nguyệt'

Trong văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, một cặp vợ chồng chỉ được cộng đồng công nhận khi đã tổ chức đám cưới dưới sự chủ trì, chứng kiến của những người giữ vai trò là 'ông Tơ, bà Nguyệt'.

“Ông Tơ, bà Nguyệt” là nhân vật nổi tiếng thời cổ đại của Trung Quốc, là thần nắm giữ việc mai mối hôn nhân trong thần thoại Trung Quốc và nhiều nước Á Đông, trong đó có Việt Nam, là “bà mối” trong thiên hạ, chủ trì nhân duyên của cả nam và nữ. Đối với nhiều dân tộc, vai trò của những người mai mối thời nay đã giảm nhiều, bởi nam, nữ trong độ tuổi cập kê được tự do tìm hiểu trước khi quyết định về chung một nhà, người Mông cũng không ngoại lệ. Khi làm thủ tục kết hôn, nhiều gia đình đã tối giản các nghi thức, tuy nhiên, để báo cáo với trời đất, tổ tiên và có chứng nhận về mặt tâm linh rằng đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng thì bắt buộc phải có ông mai, bà mối.

Ông Lồ Xuân Chô (trái ảnh) tuyên truyền cho những ông mai, bà mối tại xã Sín Chéng về việc không tổ chức nghi lễ kết hôn cho những cặp trai, gái không đủ tuổi hoặc có quan hệ huyết thống.

Ông Lồ Xuân Chô (trái ảnh) tuyên truyền cho những ông mai, bà mối tại xã Sín Chéng về việc không tổ chức nghi lễ kết hôn cho những cặp trai, gái không đủ tuổi hoặc có quan hệ huyết thống.

Một chiều cuối năm, ông Hoàng Mìn Giáo, thôn Cốc Nghê, xã Bản Mế (Si Ma Cai) rảnh rang ngồi dưới hiên nhà sưởi nắng, vừa tỉ mẩn vót lại những thanh tre để đan một chiếc lồng úp gà. Tiếng xe máy chạy vào ngõ cộng thêm tiếng chó sủa ran ngoài cổng, ông Giáo biết nhà có khách. Nhìn ra ngoài, một người đàn ông trung niên, tay xách theo một chai rượu trắng đang đứng đợi. Trước khi ra mở cổng, ông Giáo cười nói: Lại có khách đến nhờ làm mai, làm mối đây mà. Dấu hiệu đầu tiên của một cuộc làm mai bao giờ cũng là có người đến nhà mang theo một chai rượu trắng.

Khách đến, ông Giáo kê một chiếc bàn nhỏ bên cạnh bàn uống nước thường ngày, mời ngồi xuống nói chuyện. Người khách ngập ngừng, rót chén rượu mời ông Giáo uống. Xong chén rượu thứ 2, người khách mời ông Giáo hút thuốc lào rồi mới bắt đầu thưa chuyện rằng người con trai út của gia đình đã tìm được người con gái ưng ý, 2 người phải lòng nhau và người con gái đã quyết định theo con trai ông về chung một nhà. Biết tiếng ông Giáo là người giỏi làm lý, cũng là người “mát tay” khi làm thủ tục kết tóc, xe duyên nên nhờ ông Giáo đại diện phía nhà trai đứng ra chủ trì cho cuộc hôn nhân được diễn ra suôn sẻ.

Ông Giáo hỏi kỹ thông tin về đôi bên trai gái rồi mới gật đầu đồng ý.

Khi vị khách ra về, ông Giáo giải thích cho chúng tôi: Phải hỏi kỹ xem cô dâu, chú rể đã đủ tuổi hay chưa, có quan hệ họ hàng không, nếu có vấn đề thì phải từ chối. Tôi không làm mai cho những người chưa đủ tuổi cũng như có quan hệ họ hàng, như thế là vi phạm, thôn, xã không đồng ý. Ngoài ra, phải hỏi xem đằng gái ở địa phương nào để còn tìm hiểu về phong tục. Cái lý của người Mông cơ bản giống nhau nhưng tùy từng nơi, cách làm có khi có chút khác biệt. Mình phải biết thì mới dám nhận lời.

Từ năm 18 tuổi, ông Giáo đã mang rượu, mang gà sang nhà “thầy”, là những người có kinh nghiệm trong thực hiện những nghi lễ quan trọng của người Mông để học. Ông Giáo học hát, đọc vè, các bài cúng, thủ tục làm lý trong hơn 2 tháng, sau đó bắt đầu đi theo các thầy để học tập thêm kinh nghiệm. Thời gian thấm thoắt, đã vài thập niên đi qua kể từ những ngày đầu học lý, ông Giáo giờ trở thành một trong những người có uy tín, hiểu biết về các phong tục cũng như những nghi thức quan trọng của người Mông, được cộng đồng người Mông tại Cốc Nghê nói riêng, Bản Mế nói chung tín trọng.

Theo phong tục của người Mông, khi đôi trai gái quyết định về chung một nhà, nhà trai thường nhờ một ông mối chính (khác họ) và một người trong họ, có quan hệ họ hàng với chú rể đến nhà gái thưa chuyện. Phía nhà gái cũng sẽ nhờ một ông mối và một người họ hàng với cô dâu đến tiếp chuyện, đại diện cho gia đình bàn bạc về lễ vật, hình thức, thời gian tổ chức đám cưới… Trong đoàn đại diện cho đôi bên, ngoài những ông mối còn có những phụ nữ, thường là cô hoặc dì của cô dâu, chú rể đóng vai trò như một bà mối. Nếu như các ông mối ngồi với nhau bàn bạc những chuyện liên quan đến tổ chức đám cưới thì các bà mối đóng vai trò như những người kết nối, mời thuốc, mời rượu khách đến nhà, động viên cô dâu, dặn dò những điều quan trọng, chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống gia đình... Đám cưới được tổ chức dưới sự chủ trì, làm lý của những ông mai, bà mối nhằm đảm bảo tính khách quan, giữ vai trò như người làm chứng cho đôi trai gái nên vợ, nên chồng.

Anh Giàng A Chúng, thôn Mản Thẩn, xã Quan Hồ Thẩn (Si Ma Cai) mới “nhập môn”, làm đại diện cho vài đôi trai gái nên duyên vợ chồng. Theo anh Chúng, ông tơ là những người được cộng đồng tín nhiệm chứ không phải chỉ cần đi học, hiểu về lý là có thể làm. Làm ông tơ cũng có những tiêu chuẩn nhất định, gia đạo hạnh phúc, ấm êm, một vợ một chồng, con cái “đủ nếp, đủ tẻ”, ngoan ngoãn. Làm ông tơ không chỉ cần hiểu đạo lý mà cần có “kỹ năng mềm” tốt, giỏi giao tiếp, đối đáp tốt. “Tôi mới làm, kinh nghiệm hát đối chưa nhiều, những bài mà nhà gái hát tôi không đối đáp lại được thì phải uống rượu phạt. Vậy nên, những người đại diện, ông tơ cho nhà trai thường phải nhiều kinh nghiệm, lúc xin dâu sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn, nếu không thì… nhanh say lắm”, anh Chúng cười vui.

Ông Lồ Xuân Chô, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Si Ma Cai chia sẻ: Ngày xưa, chuyện lứa đôi thường bắt đầu từ tiếng kèn môi, kèn lá, trai gái hẹn hò, phải lòng nhau thì chàng trai kéo cô gái về nhà, sau đó mẹ cha nhờ ông tơ sang nhà gái thưa chuyện. Cũng có những đám cưới do cha mẹ đôi bên sắp đặt, ông mai, bà mối cũng là đại diện sang thưa chuyện, thuyết phục nhà gái, thuyết phục cô gái đồng thuận về làm dâu. Ngày nay, xã hội phát triển, trai gái được tự do tìm hiểu, thống nhất đi tới hôn nhân, đăng ký kết hôn tại địa phương nhưng thủ tục tổ chức một đám cưới vẫn cần có ông mai, bà mối. Những “ông Tơ, bà Nguyệt” thời đại này không còn giữ vai trò là người kết nối, giới thiệu, se duyên mà sẽ là những người đứng lên làm lý, là nhân chứng, đại diện cho cộng đồng, công nhận cho đôi trai gái chính thức về một nhà.

Cũng theo ông Chô, mỗi thôn người Mông thường có 4 đến 5 người được cộng đồng tín nhiệm làm ông mai, bà mối. Huyện Si Ma Cai hiện có khoảng 200 đến 300 người làm mai mối một cách có bài bản, hiểu về lý, về văn hóa của người Mông, số lượng này chưa bao gồm những ông tơ “nghiệp dư”, mới vào nghề. Những người này thường là người có uy tín trong cộng đồng, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền thực hiện những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những ông mai, bà mối cũng chính là “kho” tư liệu sống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của người Mông tại Si Ma Cai.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352829-ong-to-ba-nguyet